Câu Obama luôn hỏi khi bắt đầu
Sau 15 ngày ngồi lỳ trong phòng khách sạn ở Honolulu, Cody Keenan tiếp tục giam mình 7 ngày trong căn phòng không cửa sổ ở Cánh Tây Nhà Trắng, gấp rút hoàn thiện bản thảo cuối cùng cho Thông điệp Liên bang dài 6.000 từ sẽ được Tổng thống Obama xướng lên ngày 12/1/2016.
Đó cũng là trải nghiệm mà người tiền nhiệm của Keenan, Jon Favreau từng "nếm trải".
Favreau bắt đầu làm việc cho thượng nghị sĩ, sau này là Tổng thống Obama trên cương vị người viết diễn văn từ năm 2005 đến năm 2013. "Ngài Tổng thống đã trấn an tôi rất nhiều vào lần đầu tiên", Favreau cho biết.
"Tôi biết cậu đang lo lắng, nhưng tôi cũng là một người hay viết lách. Và tôi biết cảm hứng sẽ lúc đến lúc không.
Nếu cậu thấy bế tắc, hãy trở lại vào ngày mai và chúng ta sẽ suy nghĩ về việc này", Favreau nhớ lại lời động viên của tổng thống và cho hay Obama luôn sẵn sàng hỗ trợ, tham gia quá trình thực hiện một bài diễn văn suốt 8 năm làm việc cùng anh.
Theo Favreau, quá trình thực hiện một bài diễn văn thường bắt đầu bằng việc tìm kiếm và khảo sát tình hình thực tế. Sau đó người viết diễn văn sẽ gửi cho tổng thống một bản nháp, rồi nhận về bản chỉnh sửa với những dòng ghi chú dày đặc.
Nếu Obama chỉ viết một câu: "Hãy bàn thêm", đồng nghĩa với việc sản phẩm họ vẫn chưa đạt yêu cầu.
Ông chủ Nhà Trắng luôn bắt đầu với câu hỏi: "Tôi sẽ phải nói về chuyện gì?", đồng thời yêu cầu một dàn ý với phần mở đầu, phần thân và kết luận. Ông cũng muốn có bản tóm tắt bài diễn văn trong vài câu ngắn gọn trước khi được soạn thảo chi tiết, bởi nếu không có nó, người viết sẽ không có cơ sở để triển khai bài diễn văn.
Tổng thống thường dành thời gian tham gia các cuộc họp trực tiếp với những người viết diễn văn và xem lại các câu chuyện mà họ muốn ông hướng tới.
Đổi lại, người viết cũng phải có mặt trong những buổi họp về chính sách và chiến lược, thường xuyên tự đặt câu hỏi "Ngài đang nghĩ gì?", "Ngài muốn nói gì?".
Là cây bút của Obama đồng nghĩa với việc phải duy trì mối quan hệ gần gũi và trực tiếp với Tổng thống.
Một bản thảo diễn văn với những ghi chú của Obama
"Obama tin tưởng cậu ấy", David Axelrod, người đứng đầu nhóm chiến lược gia trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Obama, nói về Favreau. "Không có nhiều người được Obama tin tưởng như vậy".
Favreau đã dùng những năm đầu tiên làm việc với Obama để hiểu về cách nói chuyện của ông. Anh gần như đã tiếp thu mọi thứ ngài thượng nghị sĩ nói.
Sau này, khi đã trở thành người đứng đầu của nhóm viết diễn văn cho tổng thống, Favreau đều suy nghĩ dựa trên quan điểm của Obama, lý tưởng của Obama, câu chữ và giọng điệu của Obama.
Khoảnh khắc đáng sợ nhất
Nếu như Cody Favreau là một Beethoven trong nghề viết diễn văn, nổi tiếng với khả năng khai thác những chủ đề lớn, rộng, thì Keenan lại gây chú ý nhờ cách tiếp cận đơn giản hơn, khởi dậy những vấn đề mà người dân Mỹ phải đối mặt mỗi ngày.
"Nguyên tắc cơ bản của tôi là, nếu anh không muốn nói điều gì đó với bạn bè trong quán rượu thì đừng bắt tôi đưa nó vào một bài diễn văn", Keenan chia sẻ.
Keenan nhấn mạnh rằng mọi bài diễn văn lớn, đặc biệt là Thông điệp Liên bang, là kết quả của sự hợp tác giữa một số lượng lớn nhân viên Nhà Trắng, bao gồm các cố vấn chính sách, nhà nghiên cứu và nhiều người viết diễn văn khác, nhưng bản chỉnh sửa cuối cùng luôn là sản phẩm của tổng thống.
"Khoảnh khắc đáng sợ nhất là khi ấn nút "gửi" và bài viết đến tay ông ấy", Keenan nói.
"Chỉ tới khi ông ấy bước lên bục và bắt đầu phát biểu, tôi mới có thể thở phào", anh nói thêm.
Kennan "hóa trang" làm cướp biển trong một cuộc trò chuyện với Obama
Favreau cũng từng phải trải qua các khó khăn tương tự. Ở những thời điểm quan trọng, người viết diễn văn thường chỉ đi ngủ sau 3 giờ sáng và thức dậy hai tiếng sau đó. Họ không cho phép bản thân mình được nghỉ ngơi hơn 6 tiếng một ngày.
"Cà phê là thứ giúp tôi sống sót qua chiến dịch tranh cử ở Iowa", anh nói và nhớ lại những ngày còn làm việc bên Thượng nghị sĩ Obama.
"Chẳng khác gì năm cuối đại học"
Nhà Trắng hiện có 9 người viết diễn văn, đứng đầu là Cody Keenan. Ngày qua ngày, từ sáng sớm tới tối khuya, họ là những chuyên gia về ngôn ngữ không ngừng nghĩ cách giúp Tổng thống Obama truyền tải thông điệp tới nước Mỹ.
Nhiều người trong số họ cũng đảm đương cả việc soạn thảo các bài nói chuyện trước công chúng cho Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, các quan chức và cơ quan chính phủ. Họ cũng phải học cách thích nghi với lịch trình dày đặc của Tổng thống, từ Nhà Trắng, tới khách sạn và trên khoang của chiếc Air Force One.
Một người viết diễn văn hoàn hảo "phải có năng lực dồi dào, thể chất sung mãn và đam mê cống hiến thầm lặng", một báo cáo gửi cho Tổng thống Franklin D. Roosevelt về hoạt động của Nhà Trắng hồi năm 1937 viết.
Công việc rất cực nhọc lại đòi hỏi yêu cầu cao, nhưng đổi lại, thời gian làm việc ở Nhà Trắng trong vai trò người viết diễn văn cho Tổng thống sẽ là bệ phóng hoàn hảo cho sự nghiệp chính trị hay trong lĩnh vực tư nhân.
Favreau thảo luận với Tổng thống Obama
Bản thân Keenan thì miêu tả công việc giống như năm cuối ở trường đại học, chỉ có điều thay vì các giáo sư, thì người kiểm duyệt các bài viết của bạn chính là người đàn ông quyền lực nhất thế giới.
"Bạn nhận một đề tài, thức thâu đêm suốt sáng để suy nghĩ về nó, run rẩy nộp bài và chờ xem liệu ông ấy có thích nó hay không... Điều đó giúp chúng tôi viết tốt hơn".
"Hay ở chỗ ông ấy luôn chỉnh sửa thật chi tiết sau khi nhận được sản phẩm, và nếu dư dả thời gian, Tổng thống sẽ gọi tôi đến, nói về những đoạn đã sửa chữa và giải thích tại sao lại làm thế."
Còn nếu bài viết không đạt yêu cầu, bạn sẽ phải viết đi viết lại đến khi nào Tổng thống hài lòng thì thôi", Keenan không quên nói thêm.
Nhưng dù công việc có vất vả đến mấy, anh vẫn khẳng định: "Tôi hy vọng sẽ được tiếp tục làm việc thật lâu bên Obama sau khi nhiệm kỳ tại Nhà Trắng của ông kết thúc".