Vào tháng 11-2017, Nga nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc cung cấp vũ khí cho CAR, lúc đó đang chìm trong xung đột vũ trang kéo dài từ 2013, khi phiến quân nổi dậy Seleka lật đổ được chính quyền cựu Tổng thống Francois Bozize.
Bất chấp việc đã bầu được lãnh đạo mới từ năm 2016, quốc gia này vẫn nảy sinh nội chiến, bạo lực và bất ổn chính trị.
Đầu năm nay 2018, Nga bắt đầu cung cấp hàng trăm vũ khí và gửi 175 cố vấn quân sự cho quân đội CAR nhằm giúp chính quyền chống lại các nhóm phiến quân đối lập. Nga đang có kế hoạch tiếp tục bổ sung thêm thiết bị quân sự cho nước này và triển khai thêm nhiều cố vấn trước tình hình xung đột có dấu hiệu leo thang.
Trả lời câu hỏi, liệu tầm ảnh hưởng của Nga ở CAR, một thuộc địa cũ của Pháp, có ảnh hưởng đến lợi ích của Paris hay không, Bộ trưởng Parly cho biết:
“Tôi sẽ không nói đến lợi ích của Pháp mà là Cộng hòa Trung Phi. Châu Phi thuộc về người dân châu Phi chứ không phải người Nga hay Pháp. Nga đã tăng cường hiện diện ở Cộng hòa Trung Phi trong những tháng qua, đó là sự thật nhưng tôi không cho rằng điều đó sẽ giúp bình ổn quốc gia này”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga đã bảo vệ hành động của Moscow khi khẳng định các cường khác chỉ đang cảm thấy “ghen tị” với vai trò của Nga ở CAR.
Các nhóm phiến quân ở CAR đã kí thỏa thuận sơ bộ vào cuối tháng 8 dưới sự dàn xếp của Nga và Sudan, trong khi Liên minh châu Phi là bên quan sát quá trình thương lượng sau khủng hoảng.
Pháp là nước vẫn đang có sự hiện diện quân sự ở CAR nhưng theo chương trình gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Link bài gốc tại đây.