Trong chuyến thăm đến Ba Lan ngày hôm qua (4/2), sau khi cáo buộc Nga có hành động xét lại lịch sử về Chiến tranh Thế giới thứ hai, Tổng thống Macron bất ngờ thừa nhận một Châu Âu mạnh cần phải để ngỏ khả năng đối thoại thành thật với Nga.
Tổng thống Macron nhấn mạnh, Nga là một phần của Châu Âu xét về mặt địa lý và không nên bị cô lập khi Liên minh Châu Âu (EU) hướng tới tương lai sau sự ra đi của nước Anh (Brexit) hồi tuần trước.
“Tôi tin rằng chúng ta có thể thiết lập một cấu trúc ổn định, hòa bình và tin tưởng lẫn nhau ở Châu Âu chỉ khi chúng ta đối thoại với Nga” nhưng “không nhượng bộ mọi thứ trước Nga, không quên những gì họ đã làm hoặc thường làm nhưng cần có sự hạ nhiệt”, ông Macron đã phát biểu như vậy.
“Tôi cho rằng việc chúng ta tự tách mình ra khỏi một phần Châu Âu mà chúng ta không cảm thấy thoải mái là một sai lầm lớn”, ông Macron cho biết, ám chỉ đến việc phương Tây cô lập Nga.
Các công ty Pháp đang làm ăn, kinh doanh với Nga đã và đang gây sức ép buộc Tổng thống Macron phải hàn gắn mối quan hệ với Moscow và dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt. Các công ty Pháp là lực lượng chủ chốt ủng hộ về mặt chính trị cho chính quyền của Tổng thống Macron.
Một lý do khác thúc đẩy ông Macron tìm cách chìa tay ra với Nga là do Pháp vỡ mộng về chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump – người đưa ra nhiều quyết định quan trọng mà không tham vấn các đồng minh Châu Âu.
Bình luận về quan điểm trên của Pháp về Moscow, Đại sứ Ba Lan tại Pháp Tomasz Mlynarski cho rằng EU nên đồng nhất quan điểm trong đối thoại với Nga và rằng “không có chỗ cho những quan điểm đi tiên phong”.
Thay vì đối đầu trực tiếp với Nga, Tổng thống Pháp luôn nhấn mạnh đến các cuộc đối thoại đồng thời thúc đẩy sự khôi phục trong các mối quan hệ kinh tế và văn hóa giữa Pháp và Nga bất chấp việc Liên minh Châu Âu đang theo đuổi chính sách trừng phạt Moscow.
Các nhà ngoại giao nhận định, Tổng thống Macron tin rằng, việc đối đầu với Moscow chẳng đem lại kết quả gì trong bối cảnh khi mà Nga đang đóng một vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Bất chấp những bất đồng, ông Macron tin rằng, sẽ là vô cùng quan trọng để duy trì mối quan hệ công việc với Nga.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây đang trải qua những tháng ngày khủng hoảng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Mỹ, EU cáo buộc Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine nên đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga. Đáp lại, Moscow cũng có đòn trả đũa.
Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên. Trong bối cảnh như vậy, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu đang có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt. Pháp đang là nước có nhiều động thái hàn gắn quan hệ với Nga nhất.
Và điều này khiến một số nước chống Nga mạnh mẽ trong liên minh phương Tây không hài lòng. Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát, phương Tây đã thiết lập được một liên minh chống Nga mạnh mẽ. Tuy nhiên, gần đây, mặt trận này đang dần yếu đi khi một số nước muốn cải thiện quan hệ với Nga vì lợi ích của chính nước họ.