Lợi dụng ngay cả cơ quan công quyền
Ngày 12.10, Công an quận Bình Thạnh cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 2 đối tượng gồm Chu Ngọc Hải (SN 1979, ngụ quận 1) cùng đồng bọn là Ngô Tấn Hoàng Anh (SN 1978, ngụ quận 4) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết quả điều tra ban đầu, khoảng giữa tháng 7.2014, Hải ra chợ Dân Sinh (quận 1) mua hai bộ quân phục cảnh sát và an ninh cùng quân hàm thượng úy. Sau đó, Hải đi khắp các quận huyện, lưu lại số điện thoại bàn của các cửa hàng điện thoại di động.
Đồng thời, Hải giả là người dân đến các cơ quan công quyền, trụ sở công an để điều nghiên đường đi lối lại.
Khi đã nắm được lối thoát, Hải đến các cơ quan này, dùng sim rác gọi điện thoại đến các cửa hàng chuyên bán iPhone, iPad, yêu cầu mang hàng đến giao tại trụ sở các cơ quan này.
Để tạo lòng tin, Hải cung cấp tên các cơ quan này để chủ hàng ghi hóa đơn. Nhận hàng với bộ quân phục trên người, Hải nói với nhân viên giao hàng là sẽ mang vào cho “sếp” duyệt, trả tiền.
Trong khi nạn nhân đang chờ được thanh toán thì Hải lẻn ra lối sau của cơ quan rồi lên xe đồng bọn chờ sẵn tẩu thoát.
Với thủ đoạn trên, Hải khai đã thực hiện 17 vụ, chiếm đoạt hơn 30 iPhone 6 và + cùng 3 iPad cho đến khi thực hiện vụ thứ 18 tại trụ sở UBND phường 15, quận Bình Thạnh thì bị các trinh sát bắt quả tang với 2 chiếc iPhone còn nguyên hộp.
Tại cơ quan công an, Hải khai mua hai bộ đồ cảnh sát và an ninh tại chợ Dân Sinh với giá lần lượt là 400 và 700 nghìn đồng. Ngoài ra, Hải mua thêm giày, vớ, thắt lưng của ngành công an.
Khám xét nhà Hải, công an thu giữ thêm 2 khẩu súng bắn bi, một bình xịt hơi cay, một roi điện và nhiều sim rác dùng để gọi điện lừa đảo các cửa hàng. Công an quận Bình Thạnh cho biết đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Ngoài thủ đoạn lừa đảo trên, các đối tượng còn sử dụng mạng xã hội (facebook, zalo, line…) để lừa đảo. Theo thông tin từ Công an quận 3, cơ quan này đang truy xét một đối tượng lợi dụng quen biết trên facebook để đến nhà nạn nhân lừa lấy tài sản một cách táo tợn.
Theo đó, khoảng 10h30 ngày 12.8, một phụ nữ khoảng 50 tuổi đến nhà chị N.T.N.T tại chung cư Nguyễn Thiện Thuật (phường 1, quận 3).
Lúc này, vợ chồng chị T không có ở nhà, chỉ có cháu H.G.H (SN 2001) và cháu H.P.Q (SN 2007) đang chơi với nhau.
Người này xưng là có quen biết với ba mẹ hai cháu, thậm chí nói rõ họ tên, đang làm gì. Sau đó, người này đưa cho cháu H một chiếc hộp, nói là của mẹ cháu H nhờ đem về, cất vào tủ giúp vì đây là đồ rất quý.
Tin tưởng, hai cháu cho người này vào nhà. Vì tủ đã bị khóa, hai chị em cháu H đã nhờ người này cạy cửa tủ để cất chiếc hộp vào.
Sau khi người phụ nữ bỏ đi, cháu H gọi cho bố mẹ để hỏi chuyện thì mới biết mình bị lừa. Qua kiểm tra, chị T phát hiện mất một đồng hồ, hai điện thoại di động đắt tiền, tổng giá trị khoảng 225 triệu đồng.
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Theo thiếu tá Trần Ngọc Đoàn - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội Công an quận Bình Thạnh, qua hàng chục vụ cửa hàng bị đối tượng Hải lừa mua rồi chiếm đoạt hàng chục điện thoại di động trên, các chủ cửa hàng cần nâng cao cảnh giác hơn nữa.
Thủ đoạn mạo danh công an không phải là mới nhưng cũng cần nhắc lại để chủ các cửa hàng điện thoại cảnh giác trong giao dịch, mua bán.
Điều quan trọng là chủ cửa hàng và nhân viên giao hàng phải cẩn thận hơn nữa khi giao hàng cho những khách mua có nghi vấn - thiếu tá Đoàn khuyến cáo.
Theo anh Việt Anh - chủ một của hàng điện thoại tại quận 5 thì khi cho nhân viên đi thực hiện giao dịch mua bán qua điện thoại, anh luôn bố trí ít nhất là 2 người để đề phòng bất trắc khi trên đường hoặc bị lừa đảo.
Việc thực hiện nguyên tắc “nhận đủ tiền thì mới giao hàng” được anh quán triệt cho nhân viên nên đã tránh được nhiều vụ có dấu hiệu lừa đảo, đối tượng câu nhử nhân viên đến những đoạn đường vắng để cướp hàng.
Còn theo Công an quận 3 thì qua những vụ lừa đảo có yếu tố mạng xã hội, người dân không nên để con nhỏ ở nhà một mình. Nếu bất khả kháng thì phải dặn dò các cháu cẩn thận, tuyệt đối không cho người lạ vào nhà.
Khi có sự cố thì gọi ngay cho hàng xóm hoặc người gần nhất để nhờ hỗ trợ.
Do trẻ em giờ phát triển sớm, thông minh nên cha mẹ hãy thường xuyên kể cho các cháu nghe những câu chuyện cảnh giác để các cháu phòng tránh cũng như cách xử lý ban đầu khi xảy ra vụ việc.
Đặc biệt, người dân không nên tin vào những thông tin của những người lạ mặt.