Cán bộ điều tra ăn mỳ tôm, bám hiện trường vụ án
Ngày 16/7, nửa tháng sau vụ thảm sát kinh hoàng khiến 4 người trong gia đình ở bản Phồng (Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An) tử vong trên rẫy, lực lượng chức năng vẫn đang tích cực điều tra, làm rõ vụ án.
Gần 60 cán bộ điều tra của các phòng nghiệp vụ công an tỉnh Nghệ An đã được điều động đến hiện trường phối hợp cùng lực lượng nghiệp vụ Bộ công an, công an huyện Tương Dương, Bộ đội Biên phòng Nghệ An để truy tìm hung thủ.
Tuy nhiên, do hiện trường vụ án xảy ra ở rừng sát biên giới Việt - Lào, cách quốc lộ 7 gần 30km đường rừng nên công tác điều tra, tuy tìm thủ phạm gặp rất nhiều khó khăn.
Để tiện cho việc điều tra, truy tìm hủng thủ, Ban chuyên án đã phải mượn căn nhà sàn của người dân ở ngay tại bản Phồng làm nơi đóng quân.
Theo thượng tá Cao Ánh Hồng - Phó phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an Nghệ An chia sẻ, đêm hôm nhận được thông tin về vụ án mạng, lực lượng cảnh sát đã lập tức di chuyển lên hiện trường.
Nhưng do đường rừng, dốc đá lởm chởm, tài xế lái xe chưa quen đường nên phải mất hơn 3 giờ đồng hồ xe mới đi được từ quốc lộ 7 vào đến bản. Rồi từ bản, lực lượng cảnh sát lại phải đi bộ mất 2 giờ đồng hồ men theo lối mòn đủ 1 người đi lọt để vào hiện trường vụ án.
Sau khi tiếp cận được hiện trường, xác định đây là 1 vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng nên các trinh sát được chia làm nhiều mũi tỏa đi các hướng để lần tìm manh mối và hung khí gây án.
Núi rừng cheo leo, các điều tra viên lại phải khoác theo mình chiếc ba lô mang theo những vật dụng cần thiết và không quên nhét gói mì tôm vào để băng rừng, tìm dấu vết của kẻ thủ ác.
Mỗi lúc khát, các trinh sát phải múc nước suối lên uống. Đến giờ ăn, mỗi người chặt 1 ống nứa to làm bát rồi tìm lán trại của dân gần đó để xin nước pha mỳ tôm ăn qua bữa. Nhiều đêm, các trinh sát phải ở lại luôn trong rừng.
Tuy khó khăn, vất vả nhưng tinh thần ráo riết điều tra vụ án luôn được các trinh sát đặt lên hàng đầu.
“Nói ở rừng nhiều sông suối nhưng nước sạch sinh hoạt cũng phải chắt chiu để dành nấu ăn, chứ tắm rửa, giặt giũ đều phải ra suối cả. Trên núi nước còn sạch chứ ở bản trâu bò xuống tắm rồi chúng tôi cũng phải xuống tắm chung thế thôi”, thượng tá Hồng chia sẻ.
Do ở bản Phồng nằm khá sâu trong rừng nên đến cả sóng điện thoại di động cũng không có. Mỗi lần cần gọi điện làm việc, các trinh sát lại phải trèo lên mõm núi cao để dò sóng.
Theo trung tá Trần Phúc Tú - Phó trưởng CA huyện Tương Dương chia sẻ: “Nơi xảy ra vụ án nằm ở địa bàn giáp biên giới, xung quanh chỉ toàn là núi rừng. Anh em chúng tôi phải treo điện thoại trước cửa nhà để hứng sóng. May mắn lắm thì mới thực hiện được 1 cuộc gọi”.
Những manh mối nghi vấn quanh vụ thảm sát
Đã nhiều ngày sau vụ án xảy ra, nhưng hiện tại người dân ở bản Phồng (Tam Hợp) vẫn chưa thôi hoang mang lo sợ.
Dù khó khăn vất vả nhưng Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, GĐ CA tỉnh Nghệ An cùng lực lượng chức năng vẫn quyết tâm băng rừng truy tìm hung thủ gây ra vụ thảm sát rúng động này.
Được biết, hiện tại người dân đã bắt đầu quay trở lại rẫy trên rừng để làm việc. Tuy nhiên, họ chỉ dám đi theo cụm vài ba gia đình và không còn dám ở lại lán trại qua đêm như trước.
Nhớ lại ngày xảy ra vụ thảm án giết hại gia đình anh Lô Văn Thọ, nhiều người dân địa phương cho biết họ đã bắt gặp 1 nhóm 3 người lạ, chưa từng xuất hiện ở địa phương.
Theo anh Vang Văn Khuê (SN 1988) chủ 1 quán tạp hóa tại bản Phồng cho biết, trưa ngày 2/7 (ngày xảy ra vụ thảm sát) anh thấy có 3 người lạ mặt tầm 25-35 tuổi vào quán anh để mua 60kg gạo, mỳ tôm và cá khô rồi đi ngay vào rừng.
Cũng theo anh Khuê thì 3 người này nói giọng ở tỉnh khác chứ không phải người trong tỉnh và họ nói đi bẫy thú trong rừng. Chiều cùng ngày, biết thông tin về việc gia đình anh Thọ bị giết, anh Khuê đã báo cáo lại toàn bộ tình tiết này cho cơ quan công an.
Anh Khuê kể lại sự việc gặp 3 người lạ cho PV nghe.
Tuy nhiên, theo thượng tá Trần Phúc Tú - Phó Công an huyện Tương Dương thì đến nay cơ quan chức năng vẫn tiếp tục điều ta vụ án chứ chưa thể khẳng định nhóm người đó có liên quan đến vụ án mạng kinh hoàng này hay không.
Cũng theo người dân địa phương chia sẻ, gia đình nạn nhân Lô Văn Thọ vốn là 1 hộ nghèo khó nhất của bản Phồng. Dù đã có với nhau 1 đứa con 8 tháng tuổi nhưng giữa anh Thọ và chị Lê Thị Yến vẫn chưa có đăng ký kết hôn.
Trước khi về làm vợ của anh Thọ, chị Yến đã từng có 2 mối tình khác. Một người trước tên là Vi Văn Dũng, trú ở xã Tam Thái (Tương Dương). Tuy nhiên, vì buôn bán trái phép chất ma túy nên người đàn ông này đã phải chịu án phạt tù giam.
Quang Thị Von (SN 1990) - vợ anh Khuê: “Họ chỉ dừng lại mua trong vòng vài chục phút là xong. Nghĩ họ cũng bao như bao khách khác đến mua hàng nên chúng tôi cũng không để ý nhiều lắm”.
Người thứ 2 sau đó là anh Vi Văn X. (trú cùng bản). Cách đây 2 năm, chị Yến có tình cảm với anh X. nhưng vì trục trặc trong tình cảm, người này đã bỏ đi miền Nam làm ăn sinh sống.
Được biết, cùng ngày 16/7, Ban Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đã có mặt tại hiện trường vụ thảm sát để họp nhanh ban chuyên án đồng thời chỉ đạo các công tác, để gấp rút điều tra ra hung thủ vụ án rúng động này.
Trước đó, Thường trực Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn yêu cầu công an tỉnh và các ngành liên quan tập trung lực lượng, đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Công an để khẩn trương điều tra làm rõ vụ án này.
Khoảng 17h ngày 02/7, hai cha con ông Vi Văn Hoài, Vi Văn Tuyên (trú tại xã Tam Hợp, Tương Dương, Nghệ An) đi đánh cá tại khu vực khe Cạn Tạ thì phát hiện thấy thi thể 4 người trong một gia đình.
Nạn nhân là anh Lô Văn Thọ (28 tuổi), vợ Lê Thị Yến (25 tuổi) và con trai 8 tháng tuổi cùng mẹ đẻ của anh Thọ, bà Viêng Thị Dương (60 tuổi).
Anh Lô Văn Thọ chết gần lán canh nương rẫy của gia đình, trên người có nhiều vết chém ở cổ. Bà mẹ Viêng Thị Chương nằm gục chết trên vũng máu, bên bờ suối.
Vợ anh Thọ là chị Lê Thị Yến (25 tuổi) và con nhỏ (khoảng 8 tháng tuổi) nằm trên lòng suối Cạn Tạ.
Vụ thảm sát gia đình 4 người tại huyện Tương Dương xảy ra tại khu vực rừng núi heo hút, dân cư thưa thớt; từ bản Phồng vào địa điểm phát hiện 4 người chết mất gần 2 giờ đi bộ đường rừng.
Tam Hợp là xã vùng sâu là xa, một trong những xã khó khăn nhất của huyện rẻo cao Tương Dương - Nghệ An.