Vụ tạt axit ở Nam Định: Giết người hay cố ý gây thương tích?

Tuấn Nam |

(Soha.vn) - “Xử lý đối tượng vi phạm bằng tội danh gì cần căn cứ vào quy định của pháp luật Hình sự. Và trong nhiều trường hợp, tội cố ý gây thương tích còn có mức án nặng hơn cả tội “giết người””.

LTS: Liên quan đến vụ tạt axit vào gia đình anh Lê Minh Đại (phường Cửa Bắc, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) khiến cả 5 người bị thương chiều tối 3/8, mới đây, Công an TP. Nam Định đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối tượng Đặng Văn Hải (SN 1990, HKTT ở xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) về tội cố ý gây thương tích.

Với hậu quả 5 người bị thương trong đó có 2 cháu nhỏ bị thương nặng, nhiều ý kiến cho rằng hành động của Hải là tàn độc, không thể dung thứ và việc Hải bị khởi tố với tội danh cố ý gây thương tích dường như chưa thoả đáng.

Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) về vấn đề này.

Luật sư Chu Mạnh Cường- Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) (Ảnh: Dân Việt)

Luật sư Chu Mạnh Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) (Ảnh: Dân Việt)

PV: Ông đánh giá thế nào về hành động của Đặng Văn Hải khi tạt axit vào gia đình anh Lê Minh Đại khiến cả 5 người trong gia đình này bị thương, phải nhập viện cấp cứu?

LS Chu Mạnh Cường: Tạt axit vào người khác đã là một hành vi vi phạm pháp luật cần nghiêm trị, hành vi tạt axit nhằm vào các cháu bé, lại cố tình tạt đến hai lần thì đúng là một hành vi quá dã man, một tội ác không ai có thể chấp nhận được.

PV: Dưới góc độ là luật sư, ông thấy việc khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích có thoả đáng?

LS Chu Mạnh Cường: Trên thực tế hiện nay, các vụ tạt axít mang tính chất trả thù dẫn đến gây thương tích cho người khác thường bị khởi tố, truy tố, xét xử ở tội “cố ý gây thương tích” quy định tại điều 104 Bộ luật Hình sự. Căn cứ pháp lý để xử lý theo tội danh này vì qua quá trình điều tra, cơ quan điều tra thường xác định được các đối tượng tạt axit thường vì mục đích trả thù, về ý thức thường mong muốn nạn nhân của mình sẽ mang thương tật chứ không có ý thức tước đi tính mạng nạn nhân. Về hậu quả thì thường chưa dẫn đến hậu quả chết người.

Từ các căn cứ như nguyên nhân, mục đích, ý thức chủ quan, hậu quả như vậy, trên thực tế, hành vi “tạt axit vào người khác” thường được khởi tố, truy tố, xét xử theo tội danh “cố ý gây thương tích”.

Đối với vụ án xảy ra tại Nam Định ngày 03/08/2013, theo thông tin ban đầu, hiện nay, Cơ quan công an khởi tố điều tra đối tượng tạt axit theo tội danh “Cố ý gây thương tích” là có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, nếu như có căn cứ xác định ý thức chủ quan của đối tượng không chỉ là “gây thương tích” mà có mục đích khác, hoặc phát sinh những hậu quả nghiêm trọng khác thì Cơ quan công an có thể xem xét thay đổi tội danh khác phù hợp với hành vi, ý thức, hậu quả mà đối tượng đã gây ra.

Đối tượng Đặng Văn Hải đã bị khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích
Đối tượng Đặng Văn Hải đã bị khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích

PV: Có ý kiến cho rằng hành động của Hải là hành động giết người chứ không phải cố ý gây thương tích khi bị can này cố tình đổ nốt ca axit vào hai cháu bé. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

LS Chu Mạnh Cường: Phải thấy rằng đây là một vụ án “tạt axit vào người khác” rất nghiêm trọng. Tính nghiêm trọng thể hiện qua việc đối tượng đã “cố tình” chọn một thời điểm gây ra hậu quả cho rất nhiều nạn nhân, đặc biệt trong đó có hai nạn nhân là các cháu bé (và báo chí còn đưa tin là sau khi tạt xong, còn thừa axit trong ca, đối tượng còn tiếp tục tạt nốt nhằm vào hai cháu bé), lượng axit được sử dụng khá nhiều... Với những thông tin như vậy, vụ án đã gây ra một sự căm phẫn trong dư luận xã hội. Có nhiều ý kiến cho rằng cần phải khởi tố đối tượng về tội “Giết người” mới thỏa đáng.

Cháu Lê Thị Quỳnh Trang đang phải chịu đau đớn dày vò vì bị bỏng nặng nhất với chẩn đoán là bỏng axít 44% độ sâu.

Cháu Lê Thị Quỳnh Trang đang phải chịu đau đớn dày vò vì bị bỏng nặng nhất với chẩn đoán là bỏng axit 44% độ sâu.

Sự căm phẫn của dư luận xã hội đối với hành vi của đối tượng trong vụ án này hoàn toàn dễ hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, để xác định đối tượng phạm tội gì cần căn cứ vào kết quả điều tra của các cơ quan chức năng, thông qua các căn cứ như nguyên nhân, mục đích, ý thức chủ quan, hậu quả xảy ra ...

Từ đó đối chiếu với quy định của Bộ luật hình sự. Chúng ta đã biết, thực tế các vụ tạt axit vào người khác từ trước đến nay thường được xử lý về tội “Cố ý gây thương tích”, nhưng điều đó không có nghĩa rằng không áp dụng tội danh “Giết người” đối với hành vi này. Bởi vì, cùng một hành vi “tạt axit vào người khác”, nếu như cơ quan điều tra xác định được mục đích, ý thức chủ quan của đối tượng là “mong muốn nạn nhân chết” thì dù hậu quả chết người đã xảy ra hay chưa thì đều có thể khởi tố, truy tố, xét xử đối tượng ở tội “Giết người”.

Đối với vụ án này, hiện nay, cơ quan công an mới chỉ khởi tố để điều tra, sau khi kết thúc điều tra, căn cứ vào các chứng cứ cụ thể mới có thể kết luận đối tượng phạm tội gì, sẽ bị truy tố, xét xử theo tội danh gì.

PV: Đây là không phải là lần đầu tiên axit được dùng để sát thương người khác. Dù các trường hợp tạt axit đều để lại những hậu quả hết sức nặng nề nhưng hung thủ lại bị truy tố về tội cố ý gây thương tích. Ông đánh giá nhữ thế nào về ý kiến cho rằng cố ý gây thương tích là tội “nhẹ” hơn so với tội giết người và rằng đây là điểm chưa hợp lý của Luật Hình sự Việt Nam?

LS Chu Mạnh Cường: Chúng ta không nên quan niệm rằng “tội cố ý gây thương tích nhẹ hơn tội giết người”. Đây là một quan niệm chưa đúng về pháp luật. Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành, mức hình phạt nặng hay nhẹ không chỉ phụ thuộc vào “tội danh” mà còn phụ thuộc vào khung, khoản bị truy tố, xét xử.

Ví dụ: Nếu một người phạm tội “Giết người” theo điều 93 Bộ luật Hình sự nhưng bị truy tố, xét xử ở khoản 2 thì mức hình phạt cao nhất đối với người đó cũng chỉ đến 15 năm tù. Trong khi đó, nếu một người phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo điều 104 Bộ luật Hình sự, nhưng lại bị truy tố, xét xử theo khoản 4 của tội này thì mức hình phạt cao nhất đối với người đó có thể lên đến tù chung thân.

Hành vi “tạt axit vào người khác” để lại những hậu quả nặng nề cho nạn nhân, gây nên nhiều căm phẫn trong xã hội. Tuy nhiên, không phải vì điều đó mà chúng ta cho rằng “cần xử lý hành vi này bằng tội Giết người” để tăng tính răn đe”. Xử lý đối tượng vi phạm bằng tội danh gì cần căn cứ vào quy định của pháp luật Hình sự. Và trong nhiều trường hợp, tội cố ý gây thương tích còn có mức án nặng hơn cả tội “giết người”.

Xin trân trọng cảm ơn Luật sư đã trả lời phỏng vấn!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại