Sáng nay (3/12), đại diện các cơ quan tố tụng trong vụ án oan sai đã tổ chức xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén tại Hội trường thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Hội trường có diện tích 130m2 của UBND thị trấn Tân Minh đã không còn chỗ trống. Người dân đến đông và nhiều người phải theo dõi buổi xin lỗi qua cửa sổ.
Đến 8h sáng, sân UBND thị trấn Tân Minh đã chật ních người dân đến. Các cơ quan tố tụng cũng đã xuất hiện. Tuy nhiên, nhân vật mà người dân chờ đợi đến để nói lời xin lỗi nhất, là điều tra viên Cao Văn Hùng, đã không xuất hiện.
Sau khi làm các thủ tục, bà Trần Thị Thiên Hương - phó chánh tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận long trọng đọc lời xin lỗi gia đình ông Huỳnh Văn Nén.
Đến 9h, buổi xin lỗi kết thúc, cả hội trường xôn xao và người dân cảm thấy không được thoả lòng vì : Thời gian xin lỗi quá ngắn và hình thức quá, không phải là sự đối mặt chân tình mà họ chờ đợi.
Ls Trần Vũ Hải: Họ đã từng đòi khởi tố tôi
Chia sẻ với Pv Trí Thức Trẻ về việc tù oan thế kỷ Huỳnh Văn Nén được xin lỗi, minh oan Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng, đó là điều tất yếu một khi cơ quan tố tụng làm sai.
Tiếc rằng nó diễn ra quá muộn, lẽ ra việc này phải được làm từ 15 năm trước, ít ra cũng phải 10 năm về trước.
Khi đó, cựu điều tra viên Cao Văn Hùng, người trực tiếp điều tra vụ Huỳnh Văn Nén và hai cơ quan tố tụng Bình Thuận (viện KSND và TAND) đã đòi khởi tố 3 luật sư vì cho rằng chúng tôi xuyên tạc, vu khống, xúc phạm họ khi bào chữa cho bị cáo Huỳnh Văn Nén.
Luật sư đấu tranh đưa ra bằng chứng mà họ không thể bác bỏ được. Thế nên họ cho rằng luật sư lợi dụng quyền bào chữa, vị trí của mình để xuyên tạc, xúc phạm, làm mất uy tín của họ. Chúng tôi chỉ chứng minh việc họ làm sai lệch hồ sơ, đẩy người vô tội bị oan, sai.
Ai xúc phạm ai và sai đúng như thế nào thì giờ đã rõ rồi.
Tại buổi xin lỗi công khai sáng nay (3/12), LS Trần Vũ Hải cung cấp thêm một thông tin: Ông Cao Văn Hùng hiện nay cũng đã trở thành... luật sư. Tuy nhiên, đoàn Luật sư TP Hà Nội đã từ chối đơn xin gia nhập của ông Hùng.
LS Hải cho biết thêm: Gia đình nạn nhân và các đồng nghiệp đã thiện chí với ông Hùng nhưng ông Hùng đã tự đánh mất cơ hội của mình. Họ sẽ tiếp tục gửi đơn tố cáo ông Hùng.
Luật sư Phạm Công Út: Thiệt hại của ông Nén không thể đong đếm được
Tôi xem buổi công khai xin lỗi công dân Huỳnh Văn Nén không chỉ là sự khẳng định người lương thiện ấy đã từng bị hàm oan, mà đối với tôi, ngày đó như là ngày hội của công lý.
Qua vụ án này tôi cho rằng lộ trình đến đích của chiến lược cải cách tư pháp chỉ còn 5 năm nữa nhưng đã có các vụ án oan, những cái chết do bức cung, những cuộc bắt bớ không cần lệnh được làm sáng tỏ ngày càng nhiều.
Và những điều ấy từng bước đã được luật hóa như Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi vừa qua của Quốc hội.
Do vậy, điều cần rút ra bài học kinh nghiệm để tránh oan sai ngay từ khâu đầu tiên của tố tụng và của cơ quan tiến hành tố tụng cần phải được nâng cao chất lượng nhất là lực lượng công an.
Vấn đề bồi thường sẽ dựa vào luật trách nhiệm bồi thường. Cơ quan chức năng sẽ xác minh, thu thập chứng cứ về thiệt hại của người bị oan. Việc bồi thường hiện nay đặt nặng vấn đề thương lượng giữa người bị oan, gia đình người bị oan với tòa.
Trong trường hợp các bên không thể thương lượng với nhau, người bị oan và gia đình có thể kiện ra tòa hành chính.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây chính những thiệt hại tinh thần và thể chất mà ông Huỳnh Văn Nén đã chịu trong suốt gần 18 năm ngồi tù. Gia đình vợ con phải chịu điều tiếng ra sao khi mang tiếng có chồng, có cha bị buộc tội giết người rồi phải ở tù ngần ấy năm.
Rồi thiệt hại vô hình với cha ông Nén là ông Huỳnh Văn Truyện, khi ông ròng rã ngược xuôi, ngõ cửa các nơi kêu oan cho con trai cũng chừng ấy năm. Những thiệt hại đấy, khó đong đếm bằng con số thông thường được.
Đó là chưa kể đến việc mẹ ông Nén qua đời với mặc cảm con phải ngồi tù - mà ngồi tù oan, cũng không thể đo lường được bằng phương pháp vật lý.
Ông Lương Ngọc Phi từng bị tù oan 3 năm: "Tôi đã khóc rất nhiều"
Doanh nhân Lương Ngọc Phi, người bị TAND Thái Bình kết án với hai tội danh: "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và tội Trốn thuế" và phải ngồi tù 3 năm.
Trước khi bị bắt, ông Lương Ngọc Phi là một trong những doanh nhân hàng đầu của tỉnh Thái Bình lúc bấy giờ (năm 1998) trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản.
Tiếc rằng, sự nóng vội của các cơ quan tố tụng Thái Bình đã khiến con đường phát triển của doanh nhân này bị chặn lại.
Tháng 8/2015, TAND thành phố Thái Bình đã xét xử sơ thẩm vụ án của ông Phi và tuyên ông thắng kiện, buộc TAND tỉnh Thái Bình phải bồi thường cho ông Phi gần 23 tỷ đồng vì ông phải ngồi tù oan sai.
Chia sẻ vơi PV Báo Trí Thức Trẻ, ông Phi vui mừng cho biết, TAND tỉnh Thái Bình đã không kháng cáo, chấp nhận bản án của TAND thành phố Thài Bình.
Điều đó có nghĩa, sắp tới cựu doanh nhân này sẽ được nhận mức bồi thường lớn nhất từ trước tới nay cho một công dân bị đi tù oan. Số tiền lên tới hơn 1 triệu đô la Mỹ.
Là người được sớm cởi dây oan, thoát khỏi những ngày tháng dày vò trong tù vì câu hỏi: Tôi đi tù vì tội gì?, ông Phi rất cảm thông và chia sẻ với cựu tù oan Huỳnh Văn Nén, mặc dù cả hai chưa từng gặp mặt.
Ông Phi đã dành thời gian chia sẻ với chúng tôi về những cảm xúc đó.
Thực tế giữa người phạm tội và người bị đi tù thì bình thường. Nhưng người không có tội đi tù oan thì cực khổ chứ không phải là khổ bình thường nữa.
Cái khổ lớn nhất mà một người đi tù oan phải gánh chịu đấy chính là sự dày vò về lương tâm. Giả sử có tội thì biết được mình sai ở chỗ nào để khắc phục, để cải tạo tốt mà sớm về với gia đình, xã hội.
Nên khi đi tù oan, cái dày vò và day dứt, trong đầu luôn luôn đặt câu hỏi vì sao mình lại phải vào đây? Câu hỏi đó, tôi tin rằng ám ảnh tất cả những người bị tù oan.
Thậm chí, những người tâm lý không tốt có thể phát điên vì câu hỏi đó. Đó là nỗi khổ lớn nhất của người phải mang án tù oan.
Thế nên, khi tôi bị bắt, tôi đã khóc rất nhiều. Kể cả khi vào trại giam rồi tôi cũng khóc rất nhiều và nghĩ biết bao giờ mình mới được ra, mình đi tù vì lý do gì?
Rồi chuyện gia đình, bố mẹ già liệu mình có còn gặp được nữa không, tôi nghĩ về bố mẹ rất nhiều trong những ngày tháng đó. Vợ con còn trẻ, mình còn có cơ hội gặp lại sau khi ra tù, nhưng bố mẹ đã già rồi, liệu có còn cơ hội để nhìn thấy nhau nữa không.
Người tù bị oan bao giờ cũng nghĩ bố mẹ già đầu tiên.
Thế nên, khi tù oan mà được minh oan thì không thể diễn tả nổi sự phấn khởi, hạnh phúc đâu.
Thế nên, tôi thấy những người tù oan khi được minh oan họ đều khóc. Khóc của đau khổ, khóc cho niềm hạnh phúc.
Được minh oan khi đi tù là đã gỡ đi được một tảng băng mặc cảm đang đè nặng lên con người đó. Các bạn không hiểu được bị đi tù nó mặc cảm như thế nào đâu. Khi được gỡ ra hết nỗi oan trái đó, niềm hạnh phúc là vô bờ bến và khó diễn tả bằng lời.
Vì thế, khi nghe tin người bạn tù trải qua hai thế kỷ Huỳnh Văn Nén được đình chỉ điều tra và minh oan tôi thực sự cảm động vô cùng. Từ tận đáy lòng mình, một cựu tù oan tôi thật sự chúc mừng anh Nén vì đã được minh oan.
Từ này, anh ấy đã có thể chấm dứt được những cơn vật vã, dày vò và suy nghĩ về nỗi oan của mình, tại sao lại bị như vậy.
Tôi tin, cảm xúc của những người bị tù oan sẽ giống nhau khi được cởi dây oan, đó là niềm hạnh phúc mà khó diễn tả bằng lời.
Bình yên trở lại của người cựu tù Huỳnh Văn Nén
LS Vũ Hồng Hải nói về vụ ông Nén (Nguồn: FB Phương Loan)