Vụ đổi 100USD phạt 400 triệu: Kỳ lạ Quyết định xử phạt "Tối mật"

Việt Văn |

(Soha.vn) - "Căn cứ vào các qui định của pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước thì có thể thấy "Quyết định xử phạt hành chính " không thể là văn bản “Tối mật” được", luật sư Thảo nói.

Liên quan đến việc ông Dương Công Kiên ở tiệm vàng Hoàng Mai (384 Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, TP.HCM) bị cho là thu đổi trái phép 100 USD, ngày 5/6, UBND TP.HCM đã ra Quyết định số 327 do Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng ký xử phạt hành chính ông Kiên 400 triệu đồng. Theo ông Kiên cho biết thì quyết định này có đóng dấu “Tối mật”. Chúng tôi có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM) về vấn đề này.

Thưa luật sư, những nội dung nào được pháp luật quy định là bí mật Nhà nước?

Theo quy định của pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước được ban hành ngày 28/12/2000 (có hiệu lực từ ngày 1/4/2001), căn cứ vào Điều 1 thì: Bí mật Nhà nước là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vậy việc bảo vệ bí mật Nhà nước được pháp lệnh quy định cụ thể như thế nào?

Căn cứ vào Điều 3 thì: Nghiêm cấm mọi hành vi thu thập, làm lộ, làm mất, chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ trái phép bí mật Nhà nước và việc lạm dụng bảo vệ bí mật Nhà nước để che dấu hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và công dân hoặc làm cản trở việc thực hiện các kế hoạch Nhà nước.

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo trao đổi vấn đề liên quan đến quyết định xử phạt hành chính do Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký ngày 5/6, đối với ông Dương Công Kiên (người thu đổi trái phép 100 USD)
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo trao đổi vấn đề liên quan đến quyết định xử phạt hành chính do Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký ngày 5/6, đối với ông Dương Công Kiên (người thu đổi trái phép 100 USD)

Việc tiếp xúc, bảo quản, cung cấp và xử lý bí mật Nhà nước phải thực hiện theo quy định của Chính phủ. Căn cứ vào tính chất quan trọng của nội dung tin, mức độ nguy hại nếu bị tiết lộ, các tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước được chia làm ba mức độ Tuyệt mật, Tối mật và Mật.

Theo phía ông Dương Công Kiên cho biết, trong quyết định 327 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký ngày 5/6 về việc xử phạt hành chính ông Kiên với số tiền 400 triệu đồng có đóng dấu “Tối mật”. Vậy điều này có đúng không thưa luật sư?

Theo quy định từ khoản 1 đến khoản 7 của điều 6 Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước thì quyết định 327 này không thuộc đối tượng nào.

Đồng thời, đến thời điểm này, tôi chưa tìm thấy quy định việc một quyết định xử phạt hành chính thuộc “tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định thuộc độ tối mật.”

Do đó, căn cứ vào các qui định pháp luật trên thì có thể thấy "Quyết định xử phạt hành chính " không thể là văn bản “Tối mật” được.

Theo như ông Dương Công Kiên cung cấp, quyết định xử phạt ngày 5/6 của UBND TP.HCM có đóng dấu Tối mật khiến ông vô cùng lo lắng bởi nếu cầm quyết định này đi đóng phạt sẽ bị vi phạm pháp luật về việc làm lộ bí mật Nhà nước.

Ông Dương Công Kiên nói: Quyết định xử phạt hành chính do Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký ngày 5/6 có đóng dấu "Tối mật" khiến ông vô cùng lo lắng bởi nếu cầm quyết định này đi đóng phạt sẽ bị vi phạm pháp luật về việc làm lộ bí mật Nhà nước.

Bởi lẽ, quyết định đó được ban hành rộng rãi và công khai để xử phạt một hành vi vi phạm và thường được đối tượng vi phạm phải mang theo sử dụng trong suốt quá trình thực hiện việc tuân thủ pháp luật bằng các hình thức như đóng phạt ...

Nếu khi đó đối tượng vi phạm xuất trình Quyết định xử phạt hành chính khi đi đóng phạt thì liệu rằng hành vi đó có bị xem là vi phạm pháp luật do tiết lộ thông tin "Tối mật" hay không?

Và nếu vi phạm thì làm sao họ nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan Nhà nước. Hoặc nếu sau này ông Kiên không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại và ông khởi kiện vụ án ra toà hành chính, mà phiên toà đó được xét xử công khai thì những người tham gia tố tụng trong vụ án đó hoặc những người tham dự phiên toà đó sẽ như thế nào về mặt pháp lí đối với thông tin "tối mật" này?

Trong trường hợp ông Dương Công Kiên chấp hành quyết định xử phạt hành chính số 372 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM ký ngày 5/6 về việc xử phạt hành chính, cầm văn bản này đi đóng phạt thì có vi phạm làm lộ bí mật Nhà nước?

Vấn đề đặt ra, nếu cho rằng văn bản trên là văn bản tối mật của cơ quan nhà nước thì việc ông Kiên cầm văn bản này đi đóng phạt hay khởi kiện ra tòa hành chính (nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại) thì hành vi của ông Kiên chắc chắn sẽ vi phạm pháp luật.

Ông Kiên có thể bị xem xét xử lí theo qui định của điều 263 BLHS nếu cố ý hoặc bị xử lí theo qui định của điều 264 BLHS nếu vô ý làm lộ bí mật Nhà nước.

Tôi xin nói rõ trường hợp cụ thể như sau:

Theo Điều 263: Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước

1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ  hai năm đến  bảy năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều 264. Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước, tội làm mất tài liệu bí mật nhà nước

1.  Người nào vô ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc làm mất tài liệu bí mật nhà nước, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước được ban hành ngày 28/12/2000 (có hiệu lực từ ngày 1/4/2001) tại điều 6 quy định:

Bí mật Nhà nước trong phạm vi sau đây thuộc độ Tối mật:

1. Các cuộc đàm phán và tiếp xúc cấp cao giữa nước ta với nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác chưa công bố.

Những tin của nước ngoài hoặc của các tổ chức quốc tế chuyển giao cho Việt Nam mà Chính phủ xác định thuộc độ Tối mật;

2. Tổ chức hoạt động, trang bị, phương án tác chiến của các đơn vị vũ trang nhân dân, trừ tổ chức và hoạt động được quy định tại khoản 3 Điều 5 của Pháp lệnh này; phương án sản xuất, vận chuyển và cất giữ vũ khí; công trình quan trọng phòng thủ biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo;

3. Bản đồ quân sự; toạ độ điểm hạng I, hạng II nhà nước của mạng lưới quốc gia hoàn chỉnh cùng với các ghi chú điểm kèm theo.

Vị trí và trị số độ cao các mốc chính của các trạm khí tượng, thuỷ văn, hải văn; số liệu độ cao và số không tuyệt đối của các mốc hải văn;

4. Số lượng tiền in, phát hành; tiền dự trữ bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ; các số liệu về bội chi, lạm phát tiền mặt chưa công bố; phương án giá các mặt hàng chiến lược thuộc Nhà nước quản lý chưa công bố;

5. Nơi lưu giữ và số lượng kim loại quý hiếm, đá quý, ngoại hối và vật quý hiếm khác của Nhà nước;

6. Công trình khoa học, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ mà Nhà nước chưa công bố;

7. Kế hoạch xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng đặc biệt giữ vị trí trọng yếu trong việc phát triển và bảo vệ đất nước không công bố hoặc chưa công bố;

8. Tin, tài liệu khác mà Chính phủ xác định thuộc độ Tối mật.

 Clip Khám xét tiệm vàng Hoàng Mai

Khám xét tiệm vàng Hoàng Mai

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại