“Vụ án giao thông” Bắc Ninh: Dấu hiệu hình sự hóa (!?)

Tuấn Anh- V.Đ |

Hội đồng xét xử sơ thẩm của TAND huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vừa tuyên án vụ “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự. Sự non yếu của căn cứ buộc tội, khiến nhiều người ngạc nhiên, bức xúc.

Bị cáo kêu oan

Ngày 18/6/2015, chị Lê Thị Thanh (SN 1970, thôn Đông, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã phản ánh tới tòa soạn, cho rằng mình bị "buộc tội oan" liên quan tới một vụ tai nạn giao thông.  

Theo như trình bày của chị Thanh, vào trưa ngày 8/8/2014, chị lái xe di chuyển trên đường về nhà tại khu Đô thị mới thị trấn Chờ (huyện Yên Phong) trong trạng thái hoàn toàn bình thường.

"Khi quan sát thấy đèn tín hiệu xanh, tôi điều khiển xe qua ngã tư, đến giữa ngã tư thì bị xe máy của chị Huệ vượt đèn đỏ tông mạnh vào sườn bên trái của xe ô tôi. Hậu quả, chị Huệ chết khi đang cấp cứu tại bệnh viện, con gái chị Huệ ngồi sau bị thương tích 23%" - chị Thanh phản ánh.

Mặc cho chị kêu oan, khiếu nại kết luận điều tra của công an huyện và cáo trạng của VKSND huyện Yên Phong, vụ án vẫn được TAND huyện đưa ra xét xử.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với chị Thanh về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, kết luận của cáo trạng số 16/CTr - VKS nêu rõ: "... khi đi đến gần ngã tư giao nhau với đường tỉnh lộ 277, do không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ khi điều khiển xe đi vào đường giao nhau nên Thanh đã đâm vào xe mô tô do bà Đỗ Thi Huệ điều khiển chở phía sau là con gái Vũ Thị Hằng làm bà Huệ tử vong, chị Hằng bị thương tích tỷ lệ 23%.

Hành vi của chị Thanh đã vi phạm vào Khoản 3, Điều 10 và Khoản 3, Điều 24 Luật giao thông đường bộ. Hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ của chị Thanh đã gây hậu quả nghiêm trọng nên phạm vào tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Chị Thanh khẳng định, trong hồ sơ vụ án không có bất cứ chứng cứ nào chứng minh chị điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đồng thời và trong kết luận điều tra số 14/KLĐT ngày 14/2/2015 cũng không có kết luận này.

Chị Thanh cho rằng, HĐXX sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đánh giá không đúng các chứng cứ, bỏ qua nội dung trình bày của chị và những chứng cứ có trong hồ sơ để gán tội, tuyên phạt chị 18 tháng tù giam và bồi thường cho gia đình nạn nhân 180 triệu đồng.

Chị Thanh cho biết sẽ kháng cáo toàn bộ bản án này, để xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Bản cáo trạng nhiều mâu thuẫn

Trao đổi với phóng viên, luật sư Lê Văn Thiệp – Trưởng VPLS Toàn Cầu cho biết: “Bản án hình sự của Tòa án Nhân Dân huyện Yên Phong không đúng với sự thật khách quan của vụ việc, nội dung bản án có nhiều điểm chưa đúng với thực tế vụ án dẫn đến kết tội chị Thanh không phù hợp với quy định pháp luật”.

Theo phân tích của luật sư Lê Văn Thiệp, những điểm chưa đúng, chưa khách quan đó là:

Thứ nhất, trong bản cáo trạng có ghi khi đến vạch sơn dừng xe trước đèn đỏ, chị Thanh nhìn thấy đèn báo hiệu chỉ số "02". Tuy nhiên, thực tế, cột đèn này cao tới 7m. Do vậy, người ngồi trong xe, ở vị trí lái, chị Thanh không thể nhìn thấy được đèn đỏ lúc ở vạch dừng.

Hiện trường vụ tai nạn
Hiện trường vụ tai nạn...

Thứ hai, biên bản khám nghiệm hiện trường vụ án có ghi: "Hiện trường vụ tai nạn xảy ra tại ngã tư đèn xanh, đèn đỏ thuộc đường tỉnh lộ 277 giao nhau với đường nhánh.

Tuy nhiên, lòng đường ở cả hai hướng đều có độ rộng bằng nhau (10m), hơn nữa, quanh khu vực xảy ra vụ tai nạn, không có bất cứ biển báo giao nhau với đường ưu tiên nào.

Nếu theo Kết luận của Bản cáo trạng là có đường nhánh và đường chính thì cũng cần chỉ rõ đường nào là đường ưu tiên. Và nếu đã là đường nhánh và đường chính thì liệu tín hiệu đèn giao thông có còn ý nghĩa trong trường hợp này?

Thứ ba, cáo trạng ghi: "tại thời điểm khám nghiệm, các cột đèn tín hiệu này không hoạt động".

Nhưng theo văn bản số 2406/ SGTVT-VTAT của Sở Giao thông vận tải Bắc Ninh gửi công an huyện Yên Phong thì hệ thống đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại nút giao TL-277 với đường khu đô thị mới thị trấn Chờ, huyện Yên Phong được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 4/2013 (sử dụng nguồn cấp điện từ năng lượng mặt trời), từ đó đến nay vẫn hoạt động ổn định.

Thứ tư, đó là về vết phanh tại hiện trường. Theo thông tin trước đó, xe của chị Thanh là xe Mitsubishi Zinger. Về chỉ số kỹ thuật, xe này có hệ thống phanh ABS (chống bó cứng).

Do vậy, khi phanh gấp, khó có thể để lại vết phanh tại hiện trường. Và nếu có, thì nhất định phải là 2 vết song song. Trong khi đó, cáo trạng ghi: "trên mặt đường phát hiện vết phanh kích thước 9,65mx0,14m theo hướng trường Mầm non Liên Cơ  đi xã Yên Phụ.

Điểm đầu cách mép đường bên phải của đường nhánh là 4,1m và cách điểm đầu của vết cày xước  ngược về hướng trường mầm non là 2,35m... Tuy nhiên, cáo trạng không nêu rõ đây là vết phanh của xe nào, mô tô hay ô tô.

Thứ năm, cả hai xe (ô tô của chị Thanh và mô tô của bà Huệ) đều chuyển động và xảy ra va chạm nhưng khám nghiệm hiện trường chỉ nêu tốc độ của xe ô tô.

Hơn nữa, bản thân bà Huệ chưa được cấp Giấy phép lái xe theo quy định nhưng cáo trạng của Viện kiểm sát lại cho rằng, cơ quan điều tra không đề cập xử lý là phù hợp (!?).

Các tình tiết trên không chứng minh được lỗi của chị Thanh trong vụ việc tai nạn nêu trên. Tại phiên tòa sơ thẩm cũng không có chứng cứ nào khác chứng minh chị Thanh có lỗi.

Theo luật sư, HĐXX sơ thẩm của TAND huyện Yên Phong tuyên bố  chị Thanh phạm tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự là chưa có căn cứ, chưa đúng quy định pháp luật.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại