Bài 1: Phiên tòa không nhân chứng
Ngày 11/12/1980, tại hội trường Ba Đình, trong phiên họp toàn thể của Quốc hội, các đại biểu được nghe báo cáo về một vụ án gián điệp gây rúng động cả nước, mà tội phạm là một đại biểu Quốc hội, một đảng viên, cán bộ cách mạng lâu năm, Trưởng ty Thể dục Thể thao tỉnh Bình Trị Thiên.
Người đó tên là Nguyễn Thúc Tuân, “can tội gián điệp, đã bị tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên kết án 18 năm tù.
Vì vậy, đương nhiên Nguyễn Thúc Tuân mất tư cách đại biểu Quốc hội” (theo biên bản ngày 11/12/1980, tài liệu lưu trữ của Quốc hội khóa 6, kỳ họp thứ VII).
Từ đó đến nay đã hơn 35 năm, ông Nguyễn Thúc Tuân vẫn nhất mực kêu oan.
Bức thư ông Tư Minh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế , cấp trên ông Tuân, đề nghị minh oan cho ông Tuân.
Kể sao hết cay đắng cuộc đời
Theo bản án ngày 22/1/1980 về vụ án “Nguyễn Thúc can tội gián điệp” của phiên tòa sơ thẩm TAND tỉnh Bình Trị Thiên: Bị cáo sinh năm 1914, quê quán thôn Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Điền, tỉnh Bình Trị Thiên, trú quán TP Huế.
Nguyễn Thúc Tuân vốn là cán bộ Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp, sau 1954 tiếp tục hoạt động bí mật trong vùng hậu địch ở địa bàn Thừa Thiên-Huế.
Năm 1958 chế độ Ngô Đình Diệm mở đợt bắt bớ nhằm ngăn chặn phong trào cách mạng, trong đó có những người kháng chiến cũ từng tham gia Việt Minh trước 1954. Nguyễn Thúc Tuân bị cảnh sát chế độ Ngô Đình Diệm bắt giam.
Bản án nói rằng dù chưa bị tra tấn nhưng Nguyễn Thúc Tuân đã khai báo và hợp tác với địch trở thành nội gián trong hàng ngũ cách mạng, làm điệp viên nhị trùng, chui sâu leo cao, đánh phá cách mạng.
Bản án còn nói thêm: “Ngoài việc khai cho địch những bí mật của cách mạng, bị cáo Tuân đã giúp cho chúng tìm cách đối phó, y còn thường xuyên theo dõi, thu thập, cung cấp nhiều tin tức tình báo về những hoạt động chính trị của những cá nhân, tổ chức xã hội đối lập với Mỹ-ngụy như học sinh, sinh viên, hướng đạo sinh, Phật giáov.v… đã cho chúng tìm cách đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng yêu nước…
Trong quá trình khai báo cũng như tại phiên tòa hôm nay, Nguyễn Thúc Tuân có những điểm nhìn biện bạch cho mình.
Y thừa nhận có đầu hàng, khai báo, nhận một số nhiệm vụ do địch giao giai đoạn đầu, còn về sau thì không liên hệ với chúng nữa và đã thực sự trở về với đội ngũ cách mạng… và nói chung y tự cho mình là người có công nhiều hơn có tội”.
Phiên tòa không hề có nhân chứng các bên, không có những người từng là cấp trên hoặc đồng chí đồng đội của ông Tuân (đã được cơ quan chức năng liên hệ làm việc để làm rõ nội dung liên quan đến vụ án này).
Ông Tuân cũng không có luật sư bào chữa.
“Mẹ tôi kiên cường sống qua những năm tháng khổ đau, tồi tệ nhất. Còn chúng tôi thì không kể hết những cay đắng cuộc đời khi ba tôi lâm vào vòng lao lý”. Bà Nguyễn Thị Tầm Dương, con gái ông Tuân nói.
Kết thúc, phiên tòa sơ thẩm tuyên Nguyễn Thúc Tuân phạm tội “gián điệp” và phạt 18 năm tù giam. Sáu năm sau, ngày 16/11/1986, ông Tuân được ra khỏi trại cải tạo.
Đến ngày 29/11/2001, Chánh án TAND Thừa Thiên-Huế ra quyết định (số 02/QĐ/XA) “xóa án” cho ông Nguyễn Thúc Tuân. Đây là hình thức xóa án tích của tòa án, căn cứ Điều 63, 65 Bộ luật hình sự (1999), và Điều 240 Bộ luật tố tụng hình sự.
Đến nhà ông Nguyễn Thúc Tuân những ngày này, sẽ thấy một ông lão nhỏ nhắn đã ngoài trăm tuổi, người bị buộc tội làm gián điệp CIA, phản bội cách mạng.
Ông còn khá minh mẫn, nói trong đau xót: “Tôi bị oan, hãy giúp tôi minh oan”. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Thuyền, một cơ sở cách mạng trung kiên, cựu tù chính trị Côn Đảo đang dưỡng bệnh.
Trên bàn thờ, di ảnh con trai ông, liệt sĩ Nguyễn Thúc Lư như đang nhìn xuống những người đang sống.
Chưa kể em ruột, cháu ruột, cháu dâu của ông đều tham gia cách mạng, có người là liệt sĩ. Bà Nguyễn Thị Tầm Dương, con gái ông Tuân nói trong tiếng thở dài: “Mẹ tôi kiên cường sống qua những năm tháng khổ đau, tồi tệ nhất.
Còn chúng tôi thì không kể hết những cay đắng cuộc đời khi ba tôi lâm vào vòng lao lý”.
Vợ ông Tuân, bà Nguyễn Thị Thuyền - cựu tù chính trị Côn Đảo, dù bệnh tật vẫn gắng chờ ngày chồng được giải tiếng oan.
Không phải người của địch
Tường trình với cơ quan điều tra, ông Nguyễn Thúc Tuân khẳng định việc ông viết cam kết làm việc cho địch chỉ là một thủ tục để sớm thoát ra khỏi nhà tù của địch mà thôi.
Sau khi ra tù, ông đã trở lại hoạt động cách mạng và được tổ chức móc nối với phong trào đô thị Huế, vào năm 1965. Ông làm nhiệm vụ giao liên đưa đón cán bộ lãnh đạo ra vào hoạt động nội thành, tham gia khuôn hội Phật giáo…
Lãnh đạo trực tiếp của ông Tuân giai đoạn này là ông Nguyễn Hữu Hường (thường gọi là Hường Thọ), cán bộ Thành ủy Huế. Ông Tuân cam đoan chưa hề làm điều gì có hại cho cách mạng và nhân dân.
Trong đơn kêu oan, ông nói rằng có thể kiểm chứng điều này từ những người từng là cấp trên hoặc đồng chí, đồng đội biết rõ ông như ông Lê Minh, ông Hường Thọ, ông Lê Phương Thảo, ông Nguyễn Đắc Xuân…
Những điều này ông cũng đã nói rõ trước tòa.
Ông Lê Minh (còn có tên Lê Tư Minh), người lãnh đạo trực tiếp của ông Tuân trong nhiều năm, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên thời kỳ 1945-1950, Bí thư Thành ủy Huế 1954-1973; sau ngày thống nhất, ông là Phó trưởng ban Nông nghiệp trung ương cho đến khi nghỉ hưu 1978.
Ông Minh đã viết tờ xác nhận ông Tuân là cơ sở cách mạng, không phải là nội gián của địch.
Trong lá thư ngày 19/10/1988 gửi cho ông Tuân, ông Tư Minh cũng nói rõ: “Tôi đã nhận được thư anh do anh Hường chuyển, nói về việc kêu oan về vụ án của anh.
Theo tôi thấy thì anh nên viết tờ trình kiện lên Tỉnh ủy, Quốc hội và Viện kiểm sát tỉnh, gởi cho tất cả những nơi cần gởi. Tôi hứa với anh là một trong những người làm chứng anh không phải là người của địch mà là của ta.
Chú ý trong tờ trình anh viết, có thể viết cả tên tôi và anh Hường Thọ là người biết sự việc. Mọi công việc anh làm trong tờ trình phải nói rất thật, kể cả việc anh đã hứa với địch mà không làm cho nó, mục đích chỉ để thoát khỏi nhà lao”.