Với người lính tầm nã, mỗi một vụ án luôn để lại trong lòng họ nhiều dấu ấn khó quên. Đặc biệt là khi họ rơi vào tình huống “tế nhị”.
Vụ bắt chú rể trốn nã ngay trong ngày cưới của trung tá Nguyễn Thành Công, đội 2, PC52 – Công an TPHCM là một trong những tình huống như thế.
Trong ba đợt cao điểm tấn công, trấp áp tội phạm của Công an TPHCM gần đây nhất, trung tá Công (SN 1968) đều được khen thưởng đột xuất. Năm 2014, anh ra Hà Nội dự hội nghị gương điển hình tiên tiến và nhận giấy khen của Tổng cục Cảnh sát.
Chốt chặn thứ nhất
Trong công việc, anh Công luôn là người truyền đạt kinh nghiệm nghề cho lớp trẻ đi sau. Mỗi câu chuyện anh kể lại, ở đó đồng nghiệp trẻ nhận ra kinh nghiệm đấu tranh thực tế mà không có trong bất cứ giáo trình nào.
Đến giờ anh vẫn nhớ như in vụ bắt đối tượng Trần Hữu Thiện (SN 1983) trú P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TPHCM về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thiện lập hồ sơ giả để vay mượn 39 tỷ đồng rồi ôm tiền bỏ trốn. Công an kinh tế đã phát lệnh truy nã Thiện từ năm 2011.
Qua nghiên cứu hồ sơ, anh Công nhận định Thiện đã bỏ trốn về Cà Mau. Nhưng Cà Mau thì rộng mênh mông, không biết Thiện lẩn trốn nơi đâu mà tìm. Người chị dâu của Thiện có nói Thiện ở huyện Cái Nước chuẩn bị làm đám cưới. Cũng không biết rõ ở phường, xã nào của huyện Cái Nước.
Anh Công vẫn xách balô lên đường. Nhiều ngày ăn dầm, phơi sương gió ở Cái Nước, cuối cùng anh cũng biết đích xác căn nhà, nơi Thiện sẽ làm đám cưới với cô dâu. Nhưng điều khiến anh trăn trở là căn nhà này lại nằm vị thế quá đắc địa, nếu không cẩn thận, Thiện sẽ tẩu thoát.
Căn nhà của cô dâu nằm ở giữa cánh đồng trống. Muốn vào nhà phải đi qua đường bờ ruộng chật hẹp. Phía sau căn nhà là vuông tôm, một con kênh rồi đến một bãi mía. Anh Công nhận định, với địa thế đó, khi đi xe máy từ ngoài vào Thiện sẽ phát hiện có người lạ. Hắn sẽ bơi qua sông trốn mất hoặc chạy ra giữa đồng vắng.
Tổ anh Công chia làm hai chốt, một chốt mật phục ngay con đường nhựa, chốt thứ hai ở bãi mía sau nhà. Nhưng điều khiến anh băn khoăn là bắt vào thời điểm nào là tốt nhất. Ban ngày thì không ổn, ban đêm thì khi nào là thời cơ.
Nghĩ mãi không ra, anh mới nhớ, người miền Tây thường có tục lệ 4 giờ sáng phải chở cô dâu đi trang điểm. Bắt ngay lúc đó thì Thiện hết đường trốn chạy. Đêm trước ngày Thiện cưới, anh và các trinh sát khác nằm chờ, ăn ổ mì cho qua cơn đói.
Quả đúng vậy, 4 giờ sáng Thiện mới xuất hiện, chở cô dâu trên xe ra tiệm trang điểm. Trông Thiện rạng ngời, béo tốt hơn trước. Khi cô dâu đang xúng xính váy cưới thì phía ngoài này, anh Công đã đối diện chú rể. “Anh là Trần Hữu Thiện phải không, tôi là công an đến bắt anh?” anh Công nói.
Thiện chối ngay: “Các anh bắt nhầm người rồi, tôi tên Thanh”. Vừa nói Thiện vừa móc chứng minh thư ra. Chứng minh có tên là Nguyễn Văn Thanh (SN 1982) quê Hậu Giang.
Anh Công nghĩ: “Nếu còng tay Thiện lại mà không phải Thiện thật thì nguy. Người ta đang cưới, lỡ việc trọng đại, mình có thể bị kiện cáo hoặc làm trái với phong tục của người dân. Mà nếu không đưa về phường xác minh thì sẽ khó lòng bắt được Thiện”.
Quyết định đánh đòn phủ đầu, anh Công nặng giọng: “Giờ tôi cho trinh sát chở vợ anh về. Tôi còng anh về cho cả hai họ nhà trai, nhà gái biết rõ chú rễ là tội phạm lừa đảo. Cho anh một phen xấu mặt”.
Đánh trúng tâm lý, Thiện mới chịu nhận tội và chứng minh thư là đánh cắp của người khác. Anh Công còng tay chở Thiện chạy xe máy một mạch về công an P.8, TP Cà Mau rồi di lý hắn về Sài Gòn. Khi đến Long An, Thiện mới gọi về nhà thông báo mình bị bắt. Cô dâu và nhà vợ nghe tin dữ như sét đánh bên tai.
Căn phòng khóa cửa
Anh Công tâm sự: “Đối tượng có mối quan hệ xã hội lớn thường trốn chạy dễ dàng. Vì đi đâu cũng có chỗ ăn ở, có tiền để sống. Nhưng đáng ngại nhất là những đối tượng có số đào hoa, nhiều vợ. Người vợ sẵn sàng cung cấp tiền bạc một cách vô tư cho chồng mình trốn nã”.
Chuyên án bắt đối tượng truy nã đặc biệt Đỗ Tiến Cường (SN 1971) trú P.9, Q.4, TPHCM là một trong những trường hợp như thế. Cường đã dùng súng bắn chết một người đàn ông vì ngi ngờ ông này ngoại tình với vợ lớn của mình. Cùng thời điểm gây án, Cường lại hung hãn dùng súng bắn “tét” đầu nhóm thanh niên có mâu thuẫn.
Biết mình bị tầm nã gắt gao, Cường chạy trốn về nương nhờ vợ bé. Nhưng qua trinh sát, không biết vợ bé đã giấu Cường ở nơi nào.
Cô vợ bé này đặc biệt tinh ranh. Một ngày cô ta đưa đồ ăn, thức uống chu cấp cho chồng ở Hóc Môn hai lần. Cô ta có biệt tài cắt đứt sự theo dõi của trinh sát. Qua ngã tư, chờ lúc đèn vàng nhấp nháy là cô ta phóng xe chạy như bay. Xe trinh sát vừa lên thì gặp ngay đèn đỏ.
Điểm đến của cô vợ bé Cường “ghen” là căn nhà trọ ở huyện Hóc Môn.Qua quan sát, anh Công thấy sau khi cô vợ ra khỏi nhà trọ thì khóa cửa, nghĩa là không có người ở trong nhà.
Hai tuần liền theo dõi căn nhà đó, mọi sự vẫn yên tĩnh lạ thường. Nhưng trong lạ thường lại có điều bất thường dưới con mắt trinh sát nhà nghề.
“Nhà không có người ở tại sao góc sau nhà cục nóng máy lạnh vẫn chạy? Trên dây phơi áo quần, ngoài đồ con gái lại có đồ đàn ông. Vậy thì chắc chắn Cường đang trốn ở đây rồi” anh Công suy luận.
Khi cánh cửa hé mở, anh Công và đồng đội ập vào, tỏa đi khắp nơi tìm kiếm. Nhưng khắp căn nhà đó không có ai ngoài cô vợ bé.
“Sau khi gõ cửa, 10 phút mới chịu mở, chứng tỏ cô vợ đã đem Cường giấu chỗ nào đó. Chỉ còn phòng vệ sinh là chưa kiểm tra” anh Công nghĩ.
Cánh cửa nhà vệ sinh bật tung thì một người đàn bà khác đang ở đó la hét, giả vờ sợ hãi. Cường lại chạy thoát rồi chăng? Chỉ còn một nơi duy nhất chưa kiểm tra. Anh bảo đồng đội ra ngoài kiếm cây sào dài chọc lủng trần nhà.
Hết tấm này đến tấm khác bật tung, đến tấm cuối cùng ở phòng toilet, tấm la phong không chịu bật lên. Không chút chần chừ, anh Công rút súng lên đạn, hét: “Cường “ghen”, mày xuống đây chịu tội không là tao bắn đó”.
Cường “ghen” lập cập bò từ trần nhà xuống, tay chân run rẩy nói xin đừng bắn. Vợ lớn và vợ bé của hắn, mặt mày sợ xanh lét, vội đưa áo quần cho Cường mặc vào.
Sau đó, Cường được đem giao cho Công an Q.8, TPHCM thụ lý vụ án “giết người” và “tàng trữ vũ khí trái phép”.