"Tôi không coi bà ấy là mẹ", câu này dù được thốt ra từ miệng của đứa con không bình thường về tâm lý cũng làm người mẹ phải nhói lòng. Nhưng đau lòng hơn là câu nói ấy lại được thốt ra từ miệng của một đứa con hoàn toàn bình thưởng, tỉnh táo, thậm chí còn có học thức, địa vị xã hội.
Không chỉ còn là những lời "nói suông" để thể hiện thái độ thiếu tôn trọng bậc sinh thành mà hơn nữa còn có cả những đứa con nỡ vung tay đánh mẹ để "khẳng định quan điểm".
Từ lời nói...
Ông Nguyễn Thanh Giang, thạc sĩ - luật sư của Đoàn LS TPHCM đã dùng những lời nặng nề khi nói về mẹ mình.
- Bà ấy muốn làm mọi cách để hạ uy tín anh em tôi! Tôi cũng không hiểu sao người đàn bà đó là mẹ mình!
- Sao anh có thể nói về mẹ mình như vậy?
-Tôi còn không coi bà ấy là một con người, nói gì là mẹ! Nếu luật pháp cho phép, thì chẳng việc gì tôi ngại ngần khi... từ bà ấy!
Những tưởng sinh ra và nuôi dưỡng được những đứa con là thạc sĩ, kỹ sư thì người mẹ sẽ được hưởng hạnh phúc vào lúc cuối đời, nhưng hoàn cảnh của bà Nhung lại quá đỗi bi đát.
Ngày 20/7/2009, một người đàn bà 77 tuổi đã kêu cứu về việc 3 người con trai của bà, là những thạc sĩ - luật sư, kỹ sư, cán bộ thi hành án, đã cùng cô con dâu út bạo hành cả thể xác lẫn tinh thần bà nhiều năm qua.
Bà mẹ tội nghiệp Đỗ Thị Nhung
Theo bà Đỗ Thị Nhung (77 tuổi, một giáo viên đã nghỉ hưu, P.15, Q. Tân Bình, TPHCM), người đánh bà là ông Nguyễn Thanh Sơn, 49 tuổi, kỹ sư cơ khí, từng là giảng viên của một trường ĐH.
Sự việc bắt đầu từ những mâu thuẫn gia đình giữa bà Nhung và cô con dâu Nguyễn Thị Thuyết (vợ ông Nguyễn Thanh Long, cán bộ thi hành án huyện Cần Giờ, con trai út của bà Nhung).
Bênh vực em dâu, 1h sáng ngày 27/6, ông Sơn sau khi mắng chửi đã tát tai mẹ mình tới tấp. Chưa đủ, ông còn túm tóc, đấm vào mặt người mẹ đã ở tuổi gần đất xa trời này.
Sau đó, ông Sơn dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra, để mặc mẹ mình mặt mũi máu me, tự gọi xe ôm đi cấp cứu. Thấy bất bình, bà Nguyễn Thị Hồng - tổ trưởng tổ dân phố 93 báo sự việc lên CA P.15.
Theo bà Nhung, đây là lần thứ hai người con trai này có hành vi côn đồ với mẹ. Hơn một năm trước, bà Nhung có nhờ ông Sơn mua màn cửa sổ. Khi không vừa ý, bà muốn đổi cái khác, liền bị ông con giật cái màn xuống, ném trả lại tiền và không quên “tặng” mẹ đẻ hai cái bạt tai.
“Tôi không thể tưởng tượng con mình lại hành xử thú tính với mẹ như vậy. Không chỉ Sơn, mà những đứa con trai khác của tôi cũng vậy” - bà Nhung ôm mặt khóc.
“Trong những đứa con, Long có vẻ ổn hơn, không đánh tôi bao giờ, thậm chí nhiều lần còn can ngăn vợ khi chị này lao vào đánh tôi. Nhưng Long cũng nhiều lần chửi tôi thậm tệ” - bà Nhung cho biết.
Đáng buồn hơn là chồng bà Nhung - ông Nguyễn Như Chương - nguyên là một chuyên viên Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng từng bạo hành vợ mình trước kia nên con trai cũng "học theo" để ngược đãi mẹ đẻ mình.
Khi tìm hiểu, các con của bà Nhung đã đưa ra nhiều lý do. Nhưng rõ ràng dù có bất bình đến mức nào và dù vì lý do gì đi nữa, thì làm con cũng không được phép đối xử tàn tệ với đấng sinh thành của mình như thế!
... đến hành động
Chắc hẳn ai cũng còn nhớ vụ việc mới xảy ra cách đây vài ngày tại phường Trương Định, quận Hoàng Mai khiến dư luận "nổi sóng". Nạn nhân trong vụ việc này là bà Lê Thị Liên (SN 1959) bị chồng và con trai hành hung phải nhập viện cấp cứu với nhiều vết thương trên người.
Đang nằm bất động trên giường bệnh bà Liên cho biết:Vào khoảng19h30 ngày 18/9, do con trai bà là Nguyễn Tú Khôi (SN 1985) hồn hào nên bà đã lời qua tiếng lại, mắng Khôi mấy câu. Tuy nhiên, khi bị mẹ mắng máu nóng trong người của Khôi nổi dậy, Khôi đã gọi mẹ lên gác để nói chuyện.
Gọi mãi không thấy bà Liên lên, Khôi đã xuống kéo mẹ lên phòng và khóa cửa lại để “tra tấn”. Khi kéo vào trong phòng, đứa con trai này túm tóc và đấm liên tiếp vào mặt, người mẹ.
Bà Liên đau đớn trên nằm trên giường bệnh.
Đau lòng hơn là khi biết con trai mình đánh mẹ, chồng bà Liên là Nguyễn Đình Tiến (1956), giáo viên, đã chạy lên "hợp sức", mắng xối xả vào mặt vợ: “Mày là loại chó”, “đánh chết nó đi để tao lấy vợ mới”. Sau đó cả hai người nhảy vào đánh tới tấp bà Liên một cách dã man, mặc cho người phụ nữ ấy van xin và kêu cứu.
Bị đánh đau quá , bà Liên cố gắng để mở cửa ra ngoài nhưng bị Khôi túm tóc kéo lại, bẻ đầu và đánh tiếp. Cũng may vì kêu cứu nên người em bà Liên ở nhà bên nghe tiếng đã kịp thời sang "giải cứu" người phụ nữ này đi viện.
Vẫn biết sự thật chưa chắc chỉ là những gì ta nhìn thấy bên ngoài nhưng xét về khía cạnh đạo đức thì con cái ra tay hành hung đấng sinh thành là điều không thể chấp nhận được cho dù lý do có thuyết phục thế nào đi nữa.
Bản án pháp luật có thể chưa được thực thi nhưng bản án lương tâm và cái nhìn của xã hội dành cho những đứa con bất hiếu sẽ là cái án đầu tiên, lớn nhất và dai dẳng nhất mà họ phải nhận được cho những hành động của mình.