Tiết lộ về cú “rẽ trái” trong đường đời của bầu Kiên

Hà Châu |

Cú rẽ cuộc đời mang đến cho “ông bầu tóc bạc” sự giàu có. Tự tin và xảo thuật trên con đường kiếm tiền cũng đã dẫn Nguyễn Đức Kiên đến ngày bĩ cực, đến bốn bức tường nhà lao.

Nhìn lại đường đời của “bầu” Kiên nhiều người đã phải giật mình về sự thành danh và sụp đổ nhanh chóng của con người nhiều tai tiếng này.

Lối rẽ cuộc đời “ông bầu” và ẩn số

Nguyễn Đức Kiên sinh ngày 13/4/1964 trong một gia đình nhà giáo tại Gia Lâm, Hà Nội. Bố ông Kiên là nhà giáo Nguyễn Đức Lung, nguyên Hiệu trưởng trường  THPT Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội.

Thầy giáo Lung vốn được nhiều thế hệ học trò tại trường Cao Bá Quát yêu mến, kính trọng.

Thầy Lung với nhiều năm làm hiệu trưởng Cao Bá Quát là một nhà giáo nổi tiếng toàn Hà Nội, nhiều năm đoạt danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn ngành, các cựu học sinh của trường cho đến giờ còn nói với nhau: “Thầy Lung xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lao động”.

Còn với cô Nga- mẹ của “bầu” Kiên thì đến nay nhiều lớp học trò nhà trường vẫn nói: “Được học văn cô Nga là vinh dự của cả đời người”..

Nguyễn Đức Kiên khi còn ở đỉnh cao

Nguyễn Đức Kiên khi còn ở đỉnh cao

Trong ký ức của những người bạn đã từng học tại trường Cao Bá Quát thì Nguyễn Đức Kiên là cậu bé lùn, đen “trùi trũi” hay nghịch ngợm ở sân trường, có đôi mắt thể hiện sự tinh anh, giống mẹ.

Khi 16 tuổi, Nguyễn Đức Kiên thi đỗ vào Đại học Kỹ thuật quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật quân sự) khóa 15 (B5- C156- Đại đội 156).

Sau một năm học tại Học viện này, Nguyễn Đức Kiên được đi du học ngành thông tin tại trường Đại học kỹ thuật quân sự Zalka Maté, Hungary.

Khi theo học tại trường này, những tưởng Nguyễn Đức Kiên sẽ bước tiếp trên con đường binh nghiệp, nhưng ông ta đã chọn lối rẽ cho cuộc đời mình.

Đó là việc năm 1986, khi trở về nước Nguyễn Đức Kiên về làm cán bộ tại Tổng Cty dệt may, Bộ Thương mại (cũ) và chính thức chấm dứt “con đường binh nghiệp”.

Vấn đề mà đến nay nhiều người không thể hiểu, không thể lý giải nổi là vì sao Nguyễn Đức Kiên có một thân thế gia đình bình thường, bố mẹ đều là nhà giáo, không phải con dòng danh gia vọng tộc mà khi mới 30 tuổi (năm 1994) ông ta là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng Á châu (ACB)- một trong những ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Xảo thuật và đoạn cuối cuộc đời

Từ năm 1994 đến năm 2006 Nguyễn Đức Kiên là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu; Chủ tịch HĐQT Công ty May thời trang MTT; Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam; Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh nhựa đường Caltex; Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB; Phó Chủ tịch kiêm Chủ tịch Công ty liên doanh KFC Việt Nam; Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần du lịch Chợ Lớn, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần du lịch Thiên Minh…

Nguyễn Đức Kiên khi ngã ngựa
Nguyễn Đức Kiên khi "ngã ngựa"

14 năm sau khi chọn lối đi mới, năm 2010 Nguyễn Đức Kiên đứng trong  bản danh sách 100 người giàu nhất Việt Nam, với số cổ phiếu ACB có trong tay, tài sản của “bầu” Kiên được đánh giá là 805,9 tỷ đồng.

Tổng số tài khoản của gia đình ông Kiên (tính theo thị trường chứng khoán năm 2010 là khoảng 2000 tỷ đồng).

Xe sang, nhà đẹp ngự trên khu đất “kim cương” của Hà Nội, vợ đẹp và những phát ngôn gây sốc trong lĩnh vực thể thao của Nguyễn Đức Kiên đã khiến không ít người ghen tị, công chúng được bao phen nghiêng ngả.

Có cổ phần trong nhiều ngân hàng, trong các công ty liên doanh nhưng không có thông tin nào cho thấy Nguyễn Đức Kiên là nhà quản trị doanh nghiệp trực tiếp.

Bình luận về vấn đề này, các chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp chỉ có thể nói “bầu” Kiên là người có nhiều phẩm chất và xảo thuật.

Nhưng cuối cùng Nguyễn Đức Kiên sụp đổ khi ngày 20/8/2012 ông ta bị bắt và bị điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật.

Các xảo thuật trong kinh doanh của “bầu” Kiên đã được đưa ra ánh sáng. Và trong phiên tòa phúc thẩm vừa kết thúc, “bầu” Kiên bị xử phạt 30 năm tù giam. Đây là mùa đông thứ 3 “bầu” Kiên nếm trải cái lạnh buốt giá ở nơi giam giữ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại