Chú cháu đánh nhau đổ máu vì tranh... đống rơm
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 9h30’ ngày 1/3/2015, Ngô Quang Trọng (SN 1996, trú thôn Trung Dõng 3, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) và Trần Ngọc Sơn, Huỳnh Thế Thảo đang cào rơm tại ruộng của chị Trần Thị Linh.
Thửa ruộng của chị Linh thuộc khu vực “Đồng Mùa”, thôn Bình Lộc 2 , xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh.
Trong lúc Trọng đang cào rơm thì có ông Ngô Sáu (là chú ruột của Trọng, SN 1969, trú cùng thôn) cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Lệ đi đến.
Ông Sáu hỏi Trọng: “Rơm của tao sao mày lấy?”. Trọng trả lời: “Rơm nào của chú, rơm tôi đã xin chị Linh, tôi cứ cào, không cào hết thì tôi đốt”.
Nghe Trọng nói vậy thì ông Sáu ỷ làm chú nên lớn tiếng quát mắng và hai chú cháu xảy ra cãi nhau to tiếng.
Cự cãi được một lúc, ông Sáu liền nhặt một cây gỗ dùng để cào rơm đánh trúng cổ làm Trọng lảo đảo gần té ngã. Bị ông Sáu đánh đau nên Trọng chạy đến cộ bò của mình gần đó lấy 1 cây gỗ tròn chạy trở lại đánh liên tiếp vào người ông Sáu.
Lúc này, có anh Sơn và anh Thảo đang cào rơm gần đó thấy hai chú cháu cứ hơn thua đủ, bèn chạy đến can ngăn, nghĩ hai người này chạy đến đánh mình nên ông Sáu dùng cây đánh anh Sơn liên tiếp trúng vùng vai phải và tai phải gây thương tích.
Thấy Sơn (anh rể của Trọng) bị thương, Trọng tiếp tục dùng cây chống rơm đánh liên tiếp vào người và đầu ông Sáu làm ông Sáu té ngã xuống đất. Sau đó được mọi người can ngăn và đưa ông Sáu đi cấp cứu.
Ông Ngô Sáu được xác định bị 5 vết sẹo vùng trán và vùng đầu, gãy xương bàn tay phải, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là 13%.
Bị cáo Ngô Quang Trọng.
Tiền thì nhận chứ kiên quyết không xin giảm án cho cháu
Ngày 29/7/2015, TAND huyện Vạn Ninh mở phiên tòa đưa bị cáo Ngô Quang Trọng ra xét xử. Tại phiên tòa Trọng đã khai nhận hành vi của mình đã gây thương tích cho ông Sáu như nội dung cáo trạng truy tố.
Sau khi nghị án Tòa đã tuyên phạt Trọng 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích và bồi thường các khoản là 20.657.000 đồng cho nạn nhân.
Tuy nhiên sau đó, tại phiên tòa phúc thẩm Trọng cho rằng ông Sáu cản trở việc cào rơm của mình, và đánh mình trước.
Trong thời gian tại ngoại Trọng đã lấy vợ, hiện vợ của Trọng đã có bầu 5 tháng nên Trọng xin tòa cho được hưởng án treo để còn chăm sóc cho vợ con và người mẹ đã 56 tuổi. Ngược lại, người chú ruột thì dứt khoát bảo tòa không cho hưởng án treo.
Vị chủ tọa khuyên: “Cháu ruột ông không phải ai xa lạ gì, phải nhường nhịn cho con cháu, mình vai chú phải nói thế nào đó với cháu mình chứ, đi tranh chấp với đứa cháu để rồi chú bị thương tích cháu đi tù có đáng không?".
Nghe vậy, ông nói: “Tôi nói nó cái nào mày xin mày làm, cái nào tao xin tao làm mà nó hỗn, đánh tôi rồi đến nay cũng không bồi thường”.
Vị chủ tọa tiếp “Không phải ai cũng có sẵn 20 triệu để bồi thường, gia đình bị cáo cũng phải đi vay đi mượn mới có chứ ông đòi bồi thường liền lấy đâu ra, nếu ông không bỏ qua để xin giảm nhẹ cho cháu thì Tòa sẽ xem xét”.
Lúc này, ông nói: “Tôi thương nó nó có thương cho tôi không, tòa cứ xét tôi không biết”.
Nghe vậy, vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa lên tiếng: "Chú cháu ruột, cùng một họ cùng máu mủ với nhau mà sao ông cứ chấp nhặt khi trong lúc cháu ông nóng giận vậy?".
Hai vợ chồng người cháu năn nỉ ông Sáu, nhưng ông nhất định không chịu bỏ qua.
Tiếp tục, tòa hỏi: “Bị cáo đem tiền đến tòa khắc phục cho ông, ông có nhận không, ông không nhận HĐXX vẫn ghi nhận điều này để xem xét cho bị cáo.
Sau vụ án này còn tình chú cháu nữa chứ, không phải cả đời đâu, ông chết chẳng lẽ cháu ông không đeo tang “một giọt máu đào hơn ao nước lã” mà, ở ngoài đời người ta còn tha thứ được huống hồ gì ông là chú ruột của bị cáo”.
Lúc này ông Sáu nói: "Vô đến đây rồi thì không còn tình nghĩa gì nữa. Tiền thì tôi nhận chứ dứt khoát không xin giảm nhẹ hình phạt cho nó”.
Ngay lập tức, tòa cho dừng phiên tòa 10 phút để hai bên làm thủ tục giao nhận tiền. Đứa cháu cùng vợ chạy sang đưa tiền và năn nỉ xin lỗi ông, ông Sáu nhận tiền rồi quay sang chỗ khác không thèm nhìn đứa cháu, cũng không ký vào giấy nhận tiền.
Trong khi đó những đứa con của ông, trai có gái có cùng vợ ông thì la hét rầm trời “Nó đánh ông được, nó đánh tôi được”, bảo ông không được ký vào bất cứ một giấy tờ gì, gây náo loạn tại phòng xử.
Cuối cùng hai người cô ruột thấy vậy cũng chạy sang xin giúp cho đứa cháu năn nỉ ông anh nhưng ông vẫn kiên quyết, mặc cho hai vợ chồng đứa cháu đứng chôn chân năn nỉ hết nước bọt ông vẫn cứ như đinh đóng cột và chỉ ký vào giấy nhận tiền.
Cuối cùng sau khi nghị án, tòa đã chấp nhận kháng cáo sửa một phần án sơ thẩm, chỉ giảm cho bị cáo Ngô Quang Trọng từ 2 năm tù xuống còn 1 năm tù về tội cố ý gây thương tích chứ không cho hưởng án treo.
Phiên tòa kết thúc, mạnh ai nấy ra về, hai gia đình dù ở cạnh nhà nhưng nhau từ khi xảy ra vụ án chẳng ai nhìn mặt ai, chú cháu, anh em chú bác ruột bỗng trở thành “kẻ thù” của nhau.