Con đường dẫn tới “nhà đá”
Trong bóng chiều vàng vòng của những hàng cây xanh mướt tiến vào con đường trại giam Z30D (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, thuộc Tổng cục 8 Bộ Công an) rộn rã bước chân người.
Đó là giờ cán bộ quản giáo đưa phạm nhân đi lao động trở về. Được sự cho phép của lãnh đạo trại giam chúng tôi có dịp trò chuyện với một số phạm nhân nữ sau giờ nghỉ của ngày tàn.
Để lại ấn tượng khó quên trong số nữ phạm nhân ở đây là Nguyễn Thị Bích Trâm (SN 1991, quê TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Bởi, khi tiếp xúc không ai có thể quên hình ảnh một cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh, giọng nói nhẹ nhàng tự nhiên.
Điều đặc biệt, cô từng là sinh viên ngành Tài Chính ngân hàng (trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) và có một hoàn cảnh xuất thân đặc biệt.
Trâm chia sẻ, cô sinh ra trong nhà đình khá giả, bố làm cán bộ nhà nước, mẹ làm nội trợ. Nhờ có nền tảng gia đình tốt mà cuộc sống chị em Trâm lớn lên có phần may mắn, đầy đủ hơn tất thảy bạn bè cùng trang lứa.
Ngay từ nhỏ, Trâm chỉ có mỗi một nhiệm vụ cao cả là ăn và học. Lúc còn học ở quê thì gần gia đình nên không thấy buồn chán. Nhưng khi xa nhà vào Sài Gòn đi học thì mọi thứ đều thay đổi, để rồi cô trở thành phạm nhân.
Trước đó, năm 2012 Trâm đậu ngành học Tài chính ngân hàng (Đại Học Nguyễn Tất Thành). Bố mẹ Trâm lo sợ con gái lần đầu xa nhà tự lập cuộc sống khó khăn.
Vì thế, người mẹ đưa con gái vào thành phố nhập học xong, thuê riêng hẳn một căn phòng trọ khang để tiện việc học hành. Không những thế, mấy tháng đầu, mẹ Trâm còn vào ở chung với con gái để chăm no chuyện cơm nước.
Dần dà khi Trâm quen dần với cuộc sống đô thị, có thêm bạn bè học chung trường, mẹ Trâm mới yên tâm về nhà đi.
Thế nhưng, khi có một mình ở phòng, Trâm cảm thấy buồn chán và cô đơn.
Trâm kể: "Năm em học thứ hai, khi đó các môn học ít, nhàn hạ quá em sinh ra nhàm chán Nghĩ tới bạn bè, nhiều người vừa phải đi học vừa đi làm tối tắt mặt mũi, em nghĩ mình cũng may mắn hơn. Nhưng em không thể đi học về rồi nằm mãi ở nhà ăn, ngủ được.
Lúc đó, có một số bạn bè con nhà giàu rủ rê đi chơi, tụ tập hưởng thụ những lối chơi xa hoa ở thành thị thì em đã không cưỡng lại nổi. Cũng vì em chơi nhiều thành một thói quen. Sau đó, thói quen ấy biến em thành tội phạm do chủ quan”.
Theo Trâm kể, từng được bạn bè đưa tới một số quán bar lớn ở trung tâm Sài Gòn hát nhảy, uống bia rượu ngoại. Có khi nhảy chưa đã, bạn bè lại bỏ vào miệng Trâm viên thuốc lạ, uống xong cô thấy thân hình mình nóng bỏng và nhảy sung vô cùng.
Mãi sau này, Trâm mới hay đó là thuốc lắc… Không những thế, việc hút shisha đi kèm với những cuộc chơi với đám sinh viên con nhà giàu cũng không xa lạ. Có điều, Trâm luôn ý thức được việc hưởng thụ cho biết chứ không thể “nghiện”.
Nỗi ân hận muộn màng
Tìm hiểu được biết, hiện tại Trâm đang mang bản án 6 năm tù về tội “Vận chuyển ma túy trái phép”.
Trước đó, tháng 1/2013 Trâm bị bắt quả tang vận chuyển ma túy từ TP.HCM về Bình Thuận phân phối.
Trâm thú nhận: "Gia đình em không thiếu tiền nên em chỉ cầm giúp cho bạn mà không biết chứ em không phải người buôn bán ma túy.
Em bị công an bắt quả tang khi “cầm hàng” giúp bạn lần thứ hai. Khi công an kiểm tra đồ đạc, họ cho biết trong balo em có “ma túy”, lúc đó em mới ngỡ ngàng nhưng không thể chối tội”.
Theo đó, qua một số lần đi chơi cùng những người bạn con nhà giàu tại TP.HCM. Trâm giới thiệu mình quê TP.Phan Thiết và thường xuyên về nhà vào ngày nghỉ.
Sau đó, một người bạn tên Đ. (bạn của bạn học của Trâm quê Bình Thuận) nhờ Trâm mang theo một túi quần áo về trước để họ đi xe máy về sau.
Trước đó, nhiều lần bạn bè vẫn gửi đồ Trầm bỏ trên xe đò về bến xe Phan Thiết rồi sẽ có người tới nhận. Thấy mọi chuyện cũng đơn giản, Trâm chẳng nghi ngờ gì về những món đồ bạn gửi.
Cho tới lúc công an công bố cả đường dây buôn bán ma túy do một nhóm thanh niên gồm năm người (Đ. đứng đầu) phải ra tòa. Khi đó, Trâm nhận ra sai lầm vì quá tin bạn nhưng không thể sửa sai ngay được.
Chỉ khi vào thụ án tại trại giam, Trâm chỉ biết khóc để vướt bỏ những sầu muộn, sự ân hận lỗi lầm. So với những người đồng phạm trong đường dây vận chuyển ma túy, cô là người án nhẹ nhất. Những người khác thường có mức án từ 7 đến 15 năm.
Trâm tâm sự, dù con đường trở về với gia đình không xa nữa nhưng tâm trí lúc nào cũng hỗn độn vô cùng.
Bởi lẽ, ngày ra tù sẽ là một thử thách lớn nữa khi phải tập sống thích ứng với hoàn cảnh. Không biết, gia đình và người thân có đồng cảm tha thứ lỗi lầm của con, cháu mình không.
“Bố em làm cán bộ cấp cao của TP. Phan Thiết. Ở nhà, em được bạn bè tấm tắc khen và có phần ganh tỵ vì sinh ra trong một gia đình “con ông này ông kia”.
Nhưng từ ngày em bị bắt tới nay, bố mẹ buồn lắm, buồn mà tóc bạc nhiều thêm, người ốm đi… vì “cha làm thầy, con đốt sách” (vì bố Trâm làm cán bộ luật – PV). Mỗi lần bố mẹ vào thăm em, em đều khóc thôi.
Em chẳng thể nói lời xin lỗi được, bản thân mình đánh mất tương lai của mình rồi còn làm bố mất danh tiếng, gia đình bị thị phi…”, Trâm nói trong hối hận muộn màng.
Qua những giây phút trò chuyện với Trâm, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, phần vì thương cảm cho hoàn cảnh phạm tội của cô, phần vì cũng ngộ nhận ra những giá trị khác của cuộc sống.
Giá như, Trâm biết trân trọng tình yêu thương của gia đình, chăm chỉ học hành thì chắc rằng năm nay cô đã ra trường và có một công việc tốt. Thế nhưng, cuộc đời con người lại lắm ngã rẽ khiến người ta phải nói đến tiếc nỗi và chữ ngờ.
Nữ phạm nhân cải tạo tốt
Một đại diện cán bộ quản giáo Trâm nhận xét: So với hoàn cảnh của Trâm với những trường hợp khác phạm tội vào trại giam, Trâm là người phải nói đến hai từ “đáng tiếc” nhiều.
Tuy nhiên, từ ngày nhận ra lỗi lầm, Trâm vẫn luôn cố gắng cải tạo tốt để thực hiện ước mơ ra trại sớm. Chúng tôi ghi nhận mọi lỗ lực cải tạo của nữ phạm nhân này để tạo cơ hội cho ngày về sớm hơn…”.