Ngày 25-3, tại hội thảo cho ý kiến dự thảo Bộ Luật Hình sự (BLHS) sửa đổi do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, nhiều đại biểu đánh giá dự thảo được chỉnh sửa, bổ sung theo hướng nhân văn song vẫn tiềm ẩn sự bất công giữa người giàu và người nghèo, người yếu thế.
Tăng mạnh số lượng điều khoản phạt tiền
Ông Nguyễn Quốc Việt - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp - cho rằng BLHS sửa đổi cần quy định phù hợp mức án phạt khi mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm nghiêm trọng, thậm chí cả tội rất nghiêm trọng với các nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, các tội phạm môi trường (theo BLHS hiện hành, hình phạt tiền chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng); không chỉ bó hẹp ở các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trật tự công cộng, trật tự quản lý hành chính mà mở rộng ra các tội phạm về môi trường, một số tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền dân chủ của công dân, một số tội xâm phạm tài sản…
Theo dự thảo, số điều khoản có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính tăng đáng kể, từ 76 khoản lên 115 khoản so với hiện hành.
“Qua tham khảo một số nước, thấy họ áp dụng rộng rãi hình phạt tiền là hình phạt chính, như Nga áp dụng hầu hết các tội, chỉ trừ tội xâm phạm an ninh quốc gia” - ông Việt dẫn chứng.
Theo ông Việt, tổng kết 12 năm thi hành BLHS năm 1999 cho thấy không ít trường hợp người phạm tội không thi hành, chây ì nộp tiền phạt và người bị cải tạo không giam giữ cố tình trốn tránh, không chấp hành hình phạt.
Vì vậy, BLHS sửa đổi đề ra giải pháp chuyển đổi phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành phạt tù. Về vấn đề này, ông Việt kiến nghị luật nên quy định theo hướng “đưa ra chế tài lựa chọn phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ”.
Về phương thức chuyển đổi từ tiền sang tù, ông Việt gợi ý tỉ lệ chuyển đổi có thể căn cứ theo ngày công lao động, cũng có thể phiên ngang.
Ví dụ, quy định từ 5 triệu đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm; nếu người phạm tội đã nộp một phần tiền phạt, sau đó không nộp thì trừ phần đã nộp rồi quy đổi ra thời hạn tù.
Bớt án tù, giảm tải nhà giam
Ông Nguyễn Quốc Việt cho biết thêm có ý kiến việc thay hình phạt tù bằng nộp tiền là thiên vị người giàu, thiệt cho người nghèo.
“Tôi thấy đây không phải vấn đề “giàu, nghèo” mà là thái độ chấp hành án. Khi xem xét quyết định hình phạt tiền, tòa án cần cân nhắc đến tình hình tài sản của người phạm tội. Người có điều kiện nộp phạt thì tòa quyết định phạt tiền, người không có điều kiện thì chịu án tù” - ông Việt nói.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn đề nghị hình phạt cải tạo không giam giữ bằng nộp tiền nên chăng chỉ quy định đối với người có thu nhập cao, còn người có thu nhập quá thấp thì lao động công ích.
Về vấn đề ngày, ông Trần Đình Sơn, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk, đề xuất nếu người bị phạt tiền không có tiền thì buộc phải lao động nghĩa vụ để trừ vào tiền phạt.
“Chúng ta không nên lý tưởng hóa cứ tử hình hay phạt tù nhiều thì giảm tội phạm mà chỉ thấy trại giam, trại cải tạo ngày càng nhiều” - ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nêu quan điểm, đồng thời đề nghị cần có giải pháp để giảm hình phạt tù mà trước hết là sự đồng bộ của các cơ quan tiến hành tố tụng và quy định cụ thể của BLHS.
Bỏ tội danh “Kinh doanh trái phép”
Dự thảo BLHS sửa đổi cũng điều chỉnh mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự đối với các tội xâm phạm sở hữu từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng.
Quy định phạt tiền là hình phạt chính áp dụng đối với 8 cặp tội xâm phạm sở hữu gồm: công nhiên chiếm đoạt tài sản; trộm cắp; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; chiếm giữ trái phép tài sản; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản.
Bên cạnh đó, dự thảo BLHS sửa đổi bổ sung tội phạm về chức vụ theo hướng mở rộng khái niệm tội phạm về chức vụ bao gồm cả một số hành vi phạm tội về chức vụ xảy ra trong khu vực tư (ngoài nhà nước) như: tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ nhằm góp phần thực thi công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng.
Đáng chú ý, nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế đã bỏ 2 tội danh là kinh doanh trái phép và báo cáo sai trong quản lý kinh tế.
Kiến nghị phạt tù tài xế say xỉn
Trong văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải góp ý sửa đổi Bộ Luật Hình sự, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị hình sự hóa hành vi điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá quy định và hành vi chở hàng quá tải trọng trên 150% đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục tái phạm.
Theo lý giải của Tổng cục Đường bộ, tại nhiều quốc gia, hành vi lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định bị xử lý rất nghiêm khắc. Ngoài bị phạt tiền, tước giấy phép lái xe, người vi phạm còn bị phạt tù.
V.Duẩn