Nỗi đau của nạn nhân duy nhất còn sống sau thảm án cuồng ghen

Ngọc Trâm - Lê Phong |

Đã 12 năm trôi qua, nhưng mỗi lần đi ngủ, Thơ vẫn phải cuốn chặt chăn trên đầu. Cứ có tiếng động anh lại giật mình, lùi vào góc giường run rẩy.

Ám ảnh từ vụ nổ "bom thư" kinh hoàng cách đây 12 năm vẫn đeo đẳng anh dai dẳng. Đôi mắt không còn, một bên tai không còn nghe được nữa, ước mơ một thời tuổi trẻ cũng tan thành mây khói sau vụ trả thù tình bằng mìn gây xôn xao dư luận Sóc Sơn hồi ấy.

Đau đớn hơn khi giờ đây, Thơ vẫn ngày ngày phải chịu đựng mọi nỗi đau về tinh thần và thể xác, phải sống trong hình hài một đứa trẻ mới học lớp 10 và nhờ cậy sự chăm sóc của người mẹ đã già yếu.

Thảm án kinh hoàng

Kể lại vụ án kinh hoàng năm ấy, anh Nguyễn Văn Thơ (thôn Kim Hạ, Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn chưa hết run sợ bởi hậu quả khủng khiếp.

12 năm trước, Thơ lên trọ nhà anh là Nguyễn Văn Viện (đang công tác tại Công ty Pentax thuộc Khu công nghiệp Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội) ở xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn để theo học cấp 3.

Chiều hôm xảy ra vụ nổ mìn, Thơ và anh Thắng (em trai anh Viện, khi ấy đang là sinh viên Trường Cao đẳng Điện lực) đã có ý định chuyển sang một phòng khác ở vì nhà anh Viện chật chội lại có cháu nhỏ, nhưng chưa kịp thì chuyện thương tâm xảy ra.

Nguyên nhân của câu chuyện bi thương này bắt đầu từ năm 2000, khi anh Viện quen Lại Thị Kiều Lan (39 tuổi, trú tại thành phố Thái Nguyên) làm việc tại một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi trên đường Nguyễn Phong Sắc (Hà Nội).

Trong thời gian làm việc tại đây, cả hai đã nảy sinh tình cảm nhưng chỉ ít lâu sau, hai người chia tay. Lan rời Hà Nội về quê xin việc, còn anh Viện cũng lập gia đình với chị Trần Thị Nhàn và có một cô con gái.

Một thời gian không lâu sau đó, Lan gặp và yêu Ngô Mạnh Hùng. Hùng sinh năm 1971, là con cả một gia đình nông dân tại Quỳnh Phụ, Thái Bình.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Hùng đi bộ đội và phục vụ trong quân ngũ 5 năm, đến năm 1995 thì xuất ngũ về quê.

Từ khi yêu Lan, Hùng "phong tỏa" tất cả những mối quan hệ của người yêu. Khi phát hiện ra mối tình trong quá khứ của Lan, Hùng lên cơn cuồng ghen và đòi chia tay.

Lan đã phải nhờ gia đình can thiệp thì Hùng mới bớt giận. Tuy nhiên, Hùng có số điện thoại của anh Viện và đã gọi điện tra hỏi về mối tình với Lan.

Sau vài lần cãi vã với anh Viện qua điện thoại, cay đắng vì biết mình là "kẻ đổ vỏ", Hùng nảy sinh ý định phải giết anh Viện cho hả giận.

 
Anh Nguyễn Văn Thơ cho phóng viên xem những vết sẹo chằng chịt do mảnh bom.

Vốn có hiểu biết về thuốc nổ, Hùng đã chế một quả mìn dưới vỏ bọc là một chiếc radio. Ngày 31/10/2003, Hùng chở Lan trên xe máy tìm về nhà anh Viện tại tập thể Lữ đoàn 971, Bộ Quốc phòng (Tiên Dược, Sóc Sơn).

Sau đó gửi gói quà cho chị Nhàn rồi quay về Thái Nguyên. Chiều hôm ấy, ở nhà có Thơ, anh Thắng, chị Nhàn và con gái.

Khi Thơ vừa đi chợ về thì thấy chị Nhàn và anh Thắng đang lúi húi trước cửa nhà, trên tay chị Nhàn là một vật trông giống hộp bánh.

Khi anh Thắng bóc vỏ hộp ra thì thấy đó là một chiếc radio to hơn viên gạch một chút, kèm một tờ giấy có ghi: "Nhờ Viện sửa giúp, mai lấy ngay".

Thơ chỉ thấy anh Thắng bật công tắc rồi xoay cái núm thì một tiếng nổ đinh tai phát ra và Thơ không còn biết gì nữa.

Anh Thắng, chị Nhàn và cháu bé 2 tuổi (con anh Viện và chị Nhàn) đã vĩnh viễn ra đi sau vụ nổ đó. Còn Thơ khi tỉnh lại đã thấy mình nằm trong Bệnh viện Xanh Pôn.

Anh may mắn sống sót, nhưng vĩnh viễn mất đôi mắt, dập xương quai hàm, sống mũi, điếc 1 bên tai, những vết sẹo chằng chịt khắp cơ thể, 1 vệt ở đầu không thể mọc được tóc, cứ trái gió trở trời Thơ lại đau…

Theo dám định, Thơ bị mất 94% sức khỏe.

Vụ trọng án trên đã nhanh chóng được Công an thành phố Hà Nội điều tra, khám phá.

Ngày 5/11/2003, Ngô Mạnh Hùng và Lại Thị Kiều Lan đã bị bắt giam về hành vi giết người. Ít lâu sau các đối tượng cung cấp thuốc nổ cho Hùng cũng lần lượt sa lưới.

Trả giá cho hành vi mất hết nhân tính của mình, Ngô Mạnh Hùng phải chịu án tử hình, còn Lại Thị Kiều Lan lĩnh án chung thân.

Nỗi đau chồng chất nỗi đau

12 năm qua cậu bé ngây thơ đang tuổi ăn tuổi học nay đã 28 tuổi, nhưng nhìn Thơ vẫn nhỏ bé, mặt non búng như cái thời Thơ vẫn đi học lớp 10.

Có lẽ tai nạn kinh hoàng đã khiến cơ thể Thơ không thể lớn nổi, chỉ có suy nghĩ, cách nói chuyện điềm đạm của anh là già dặn hơn hẳn.

Thơ bảo, đêm qua Thơ vừa gặp ác mộng. Thơ mơ thấy anh Thắng trở về, Thơ muốn chạm vào anh, nhưng anh lại lẳng lặng biến mất khiến Thơ giật mình tỉnh giấc.

Đã 12 năm qua, chưa lúc nào Thơ ngủ ngon vì ám ảnh bởi vụ nổ kinh hoàng đó.

Bố của Thơ đang mắc bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối.

Phải mất gần 3 tháng vừa điều trị tại viện, vừa điều trị tại nhà, sức khoẻ của Thơ mới dần hồi phục. Giấc mơ học hành dang dở, đến tận năm 2012, Thơ mới bình tâm trở lại để đi học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (Ba Đình, Hà Nội).

Cứ sáng sớm, bố mẹ đưa Thơ ra bến xe bus đón xe rồi cứ thế một mình anh xuống Hà Nội, nhờ người nọ người kia dẫn đến trường để học.

Ngày ấy, bố Thơ dù bị mắc bệnh ung thư vòm họng đã 7 năm nhưng vẫn còn khoẻ để cáng đáng công việc ruộng đồng kiếm tiền nuôi con ăn học.

Kết thúc chương trình học, dù có nghề tẩm quất mát xa của người mù nhưng Thơ cũng không thể tự làm được gì vì cơ thể quá yếu, cứ trái gió trở trời lại đau nhức, mệt mỏi.

Những mảnh bom ngày nào đã cắm sâu vào cơ thể, làm đứt gân tay nên giờ đây Thơ chỉ có thể cầm nắm những vật nhẹ nhàng.

Hai năm trở lại đây, sức khoẻ của bố Thơ ngày càng yếu. Bệnh ung thư vòm họng đã đến giai đoạn cuối. Thời gian nằm viện của ông nhiều hơn thời gian ở nhà.

Một mình mẹ Thơ là bà Nguyễn Thị Sính bươn chải, lặn lội vừa chăm chồng ốm lại còn phải chăm con. Ba chị gái của Thơ đều đã lập gia đình nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên chẳng giúp được gì nhiều.

Hôm chúng tôi đến nhà, bà Sính vừa đưa chồng đi bệnh viện 1 tuần để chữa bệnh. Một tuần ấy, Thơ ở nhà phải tự lần mò cắm cơm. Buổi trưa và buổi tối, các chị gái tranh thủ mang thức ăn qua cho em rồi lại vội vã đi làm.

Bà Sính ngậm ngùi khi kể lại câu chuyện của con.

Gia đình Thơ thuần nông, ngoài trồng lúa, nuôi lợn, nuôi bò, chẳng có gì để tăng thêm thu nhập. Từ khi Thơ bị tai nạn, rồi bố bị bệnh nặng, gia đình càng túng bấn hơn.

Vài năm nay gia đình anh mới được xếp vào hộ nghèo và có trợ cấp, cùng với tiền trợ cấp tàn tật hằng tháng của Thơ nhưng khó khăn vẫn chồng chất khó khăn.

Thơ cho biết: "Sau tai nạn kinh hoàng năm ấy, gia đình người gây án không một lần hỏi thăm mình và gia đình các anh chị khác".

Duy nhất một lần cách đây ít lâu, bố của phạm nhân Lại Thị Kiều Lan mới tìm đến xin lỗi các nạn nhân và bồi thường 30 triệu đồng nhưng số tiền ấy chẳng đáng là bao so với nỗi đau mà họ phải chịu đựng.

Thơ bảo, anh vẫn còn may mắn hơn mẹ con chị Nhàn và anh Thắng khi bảo toàn được mạng sống, dù bị thương nặng nhưng không ảnh hưởng đến trí não.

Nhưng tôi biết, đó là những lời tự an ủi của anh bởi những gì anh đã mất, đã phải chịu đựng trong cái ngày định mệnh ấy thật không thể nào tả nổi.

Bà Sính kể lại, hôm Thơ bị tai nạn, vì ngày ấy điện thoại để liên lạc còn chưa phổ biến, cả thôn chỉ có duy nhất một nhà có nên đến tận 7h tối, hàng xóm mới báo tin được về cho ông bà rằng Thơ đang cấp cứu ở Bệnh viện Xanh Pôn.

Hai vợ chồng bủn rủn chân tay bắt xe lên Hà Nội và suýt ngất xỉu khi nhìn con toàn thân băng trắng khi nằm trong viện.

Hàng xóm láng giềng cũng kéo đến hiện trường và bệnh viện rất đông để giúp đỡ gia đình các nạn nhân. Hình ảnh thương tâm của các nạn nhân vẫn ám ảnh họ đến bây giờ.

Điều bà Sính lo lắng nhất là sau này sức khỏe yếu, rồi lúc ông bà mất đi, ai sẽ chăm sóc Thơ khi mà một mình anh chẳng thể làm được gì với đôi mắt mù lòa và sức khỏe đã quá yếu.

Có người khuyên bà nên mở một quán nước nhỏ ngay tại nhà để Thơ trông hàng cho có đồng ra đồng vào, nhưng bà bảo, lúc này gia đình bà quá khó khăn, không có tiền để sửa sang, trong khi chồng bà bệnh tình ngày càng nặng.

Còn Thơ ngày ngày chỉ biết chăm mấy chú chim bồ câu được những người tốt bụng trong thôn cho để lấy đó làm niềm vui mà quên đi nỗi đau mình đang phải chịu đựng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại