Thậm chí, nhiều đối tượng còn xây dựng cả một hệ thống quảng cáo hấp dẫn, với cam kết hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng mua thông tin. Lần theo những lời rao bán, PV báo ĐS&PL đã khám phá ra những mánh lới tinh vi của nghề kinh doanh hết sức đặc biệt này.
Danh bạ “khủng”, giá bèo
Hiện nay, việc buôn bán thông tin cá nhân đang trở thành miếng mồi béo bở cho không ít đối tượng trên mạng internet và trên các trang mạng xã hội.
Mặc dù, trước đó một số đối tượng bị lực lượng chức năng “sờ gáy”, những tưởng “nghề” này đã bị xoá sổ, tuy nhiên, ngay sau đó, hành vi phạm pháp biến tướng phức tạp và tinh vi hơn.
Thay vì phải lên mạng hì hục gõ từng doanh nghiệp để lấy số điện thoại của các VIP, họ chỉ cần bỏ ra số tiền nhỏ, lập tức rinh về cả triệu thông tin cá nhân của không ít lãnh đạo doanh nghiệp.
Sáng 2/9, PV báo ĐS&PL liên lạc với một người giới thiệu tên An trên một web-site khá chuyên nghiệp www.danhsachkhachhang... đang tiếp thị bộ “data khủng” (dữ liệu cá nhân) của cá nhân cũng như nhiều giám đốc doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.
An vui vẻ cho biết, thông tin dữ liệu gồm tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại di động, email của cá nhân, cũng như giám đốc các công ty có tiếng. Dữ liệu được cập nhật liên tục, đảm bảo chính xác đến 99%.
Để thuận tiện cho khách hàng khai thác thông tin dễ dàng nhất, dữ liệu cũng được phân loại theo ngành nghề doanh nghiệp.
Nếu mua lẻ bộ dữ liệu TP.HCM hoặc TP.Hà Nội thì có giá 1 triệu đồng, mua cả hai sẽ được khuyến mãi 500 ngàn đồng.
Để thuyết phục khách hàng, An nhiệt tình chào hàng: “Chỉ với hơn 1 triệu đồng, người mua có khoảng 1 triệu thông tin khách hàng.
Rất nhiều đối tác đã mua dữ liệu của bên em như các công ty thiết kế website, làm thẻ ngân hàng, quảng cáo bất động sản, bảo hiểm.
Đặc biệt, họ đều là những người có thu nhập cao, các giám đốc đang ăn lên làm ra. Phương thức thanh toán cũng rất nhanh gọn và an toàn, khách hàng chỉ việc truy cập vào website tải dữ liệu về.
Các dữ liệu này đều có mật khẩu, người mua chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, em sẽ gửi lại mật khẩu qua tin nhắn điện thoại”.
Tiếp tục lần theo những lời rao bán “hot” và mới nhất hiện nay trên internet và các trang mạng xã hội, PV tiếp tục liên hệ với người tên Dũng có đăng rao bán.
“Bảng cập nhật mới nhất doanh nghiệp trên cả nước, thông tin giám đốc. Chỉ với một đĩa CD, DVD chứa thông tin cá nhân, thông tin doanh nghiệp gồm tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại cá nhân của giám đốc các công ty. Giá cực sốc chỉ có 800 ngàn đồng”.
Dũng cho biết, đang sở hữu dữ liệu gồm 100 đầu mục ngành nghề của doanh nghiệp. Đặc biệt, có thông tin của giám đốc, kế toán trưởng và thậm chí nhân viên có kinh nghiệm, thu nhập cao.
Dữ liệu cũng được phân loại rất tiện lợi, người mua chỉ cần chọn lĩnh vực, năm thành lập của doanh nghiệp. Phương thức thanh toán trực tiếp hoặc chuyển qua bưu điện. Đĩa phiên bản 5.000 công ty mới thành lập có giá 800 ngàn đồng.
Không chỉ bán đĩa, bán dữ liệu thông tin của các VIP, trên thị trường còn có dịch vụ chuyên săn thông tin cá nhân, doanh nghiệp theo yêu cầu của khách hàng.
Liên lạc qua điện thoại với người tên H. ở TP.HCM, anh này lập tức “nổ” khoe thâm niên hơn chục năm và hiện có thông tin đầy đủ của gần 500 ngàn doanh nghiệp làm ăn phát đạt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Đà Nẵng.
Người này khẳng định thông tin có độ chính xác cao do lấy được dữ liệu từ những người phụ trách hồ sơ, thông tin đăng ký của nhiều chương trình, giải thưởng, sự kiện, doanh nhân... và để có bản “danh sách vàng”, người này cũng phải bỏ ra không ít tiền lót tay quan hệ.
H. còn “quảng cáo” có cả một đội ngũ chuyên tìm kiếm thông tin bất cứ doanh nghiệp nào theo yêu cầu của khách hàng.
Xử phạt hành chính chưa đủ răn đe
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội khẳng định.
“Theo quy định tại khoản 1, mục b, Điều 226, Bộ luật Hình sự, hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa những thông tin riêng, hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân khác trên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó là vi phạm pháp luật hình sự.
Bên cạnh đó, hành vi này còn vi phạm Quyền bí mật đời tư quy định tại Điều 38, Bộ luật Dân sự 2005.
Hơn nữa, Điều 5, Nghị định 19/2012/NĐ-CP có quy định sẽ phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi trong đó có hành vi chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên, ngay cả luật và thực tế, việc xử phạt hành chính là chưa đủ để răn đe hành vi phạm tội này. Đó là nguyên nhân lý giải vì sao thời gian gần đây, loại hình tội phạm này quay trở lại.
Bị “khủng bố” từ các số máy lạ
Theo giới thiệu cũng như tiết lộ của các đối tượng rao bán thông tin cá nhân, doanh nghiệp, đối tác chủ yếu của họ là các công ty chuyên kinh doanh dịch vụ, quảng cáo sản phẩm.
Chỉ với số tiền nhỏ họ đã có một khối lượng khổng lồ khách hàng tiềm năng trong tay. Khi có “danh sách vàng” trong tay, họ sẽ tuỳ thuộc vào vị trí, giới tính, công việc để đưa ra những lời quảng cáo thích ứng.
Để kiểm chứng những thông tin khách hàng mà các đối tượng rao bán chào “hàng”, PV đã liên lạc với một số điện thoại di động ngẫu nhiên với ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc công ty CP Thương mại và Truyền thông VMH Việt Nam tại Hà Nội.
Nói chuyện với PV qua điện thoại, ông Hùng tỏ ra vô cùng bức xúc: “Tôi thật sự bất ngờ, không ngờ thông tin của mình bị rao bán mà không hề hay biết.
Bây giờ thì tôi đã rõ, gần như ngày nào tôi cũng bị quấy rầy bởi hàng chục tin nhắn rác, số máy lạ gọi tới giới thiệu đủ các thứ trên đời. Nào là công ty bảo hiểm, mở thẻ tín dụng, các chuyến du lịch hấp dẫn, thiết kế website, cơm hộp.
Quá bức xúc tôi hỏi vì sao có số điện thoại của tôi thì họ thường nói tìm trên mạng”.
Cũng theo ông Hùng, các số máy lạ “tra tấn” chưa đủ, nhiều dịch vụ cũng gửi thư chào mời vào email. Có khi hàng ngày nhận được cả trăm email, rất bực mình mà vẫn phải tự tay xóa đi.
Không còn cách nào khác, đành phải “sốngchung với lũ”. Tối về nhà để tránh bị làm phiền chỉ còn cách tắt nguồn điện thoại.
Cùng chung cảnh ngộ, anh Ngô Văn Tuân, Giám đốc kinh doanh của một công ty chuyên các dịch vụ về xe hơi trên đường Nguyễn Chánh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là nạn nhân của việc mua bán thông tin trên mạng.
Chiều 2/9, trao đổi với PV báo ĐS&PL, anh Tuân tỏ ra mệt mỏi và than thở: “Mới đầu, tôi rất ngạc nhiên khi số điện thoại của tôi và email thường xuyên có những cuộc gọi từ số máy lạ và email lạ gửi tới chào hàng.
Mỗi ngày, tôi bị “tra tấn” hàng chục cuộc gọi, tin nhắn chào mua bán bất động sản, sim số đẹp, mua xe, mua hàng trả góp, làm thẻ VIP... Không thể chịu được, tôi buộc phải thay đổi số điện thoại.
Tuy nhiên, sim mới chỉ hoạt động được một thời gian lại tiếp tục bị khủng bố. Để không bị làm phiền, tôi không nghe các số máy lạ và đêm về tắt nguồn điện thoại”.
Lộ bí mật cá nhân là vi phạm luật Hình sự
Trước đó, cục An ninh Thông tin - Truyền thông (A87) thuộc Tổng cục An ninh II, bộ Công an (phía Nam) đã xử lý các đối tượng gồm.
Dương Hồng Lê (ngụ quận Tân Phú), Hứa Văn Tuấn (ngụ quận 8) và Lê Minh Trung (ngụ quận Bình Thạnh) có liên quan đến hoạt động mua bán trái phép thông tin cá nhân của hàng trăm ngàn người trên mạng.
Theo nhận định của A87, hành vi của các đối tượng nói trên có dấu hiệu vi phạm luật Hình sự.
Tuy nhiên, các đối tượng khi bị mời làm việc đã thành khẩn hợp tác, trình bày do không am hiểu pháp luật và lần đầu phạm tội nên vụ việc được chuyển giao cho sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM xử lý hành chính.