Người bắt, trói trộm bị tù: Khác nào cổ xúy cho trộm cắp!

Lâm Phương |

LS. Ngô Việt Bắc cho rằng vụ án người bắt trộm, trói trộm bị tù ở Bến Tre mới đây, có nhiều điểm bất hợp lý, chẳng khác nào cổ xuý cho nạn trộm cắp!

Ngày 4/1, TAND tỉnh Bến Tre đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử và tuyên y án sơ thẩm 6 tháng cải tạo không giam giữ đối với bị cáo Nguyễn Văn Trình về tội bắt giữ người trái pháp luật (bắt kẻ trộm đột nhập vào nhà mình).

Xung quanh bản án TAND tỉnh Bến Tre tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Trình khiến dư luận cho rằng đó là một bản án phi lý.

Luật sư phân tích ở các góc độ pháp lý, cũng đã có ý kiến tương tự những gì dư luận đang bức xúc với bản án của TAND tỉnh Bến Tre mới đây.

Tuyên án thế khác nào cổ xuý cho ăn trộm

Vì bị cáo Trình và cha bắt quả tang K. là kẻ trộm đột nhập vào nhà mình, đã báo công an sở tại nhưng sau đó Trình lại bị cơ quan điều tra khởi tố về tội bắt giữ người trái pháp luật là không thỏa đáng.

Nếu tuyên phạt tù bị cáo Trình chẳng khác nào là một hình thức cổ súy cho những tên tội trộm ngày càng hống hách…

Liên quan đến vụ việc này phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Ngô Việt Bắc, Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Tây Nguyên.

Luật sư Bắc cho rằng điểm mấu chốt trong vụ việc này là việc Trình bị khởi tố về tội bắt giữ người trái pháp luật có phù hợp hay không? Để làm rõ vấn đề này  luật sư Bắc phân tích dưới góc độ cấu thành tội phạm.

Về dấu hiệu pháp lí khách thể thì hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật xâm phạm đến một trong các quyền cơ bản của công dân đó là quyền tự do thân thể được pháp luật bảo vệ.

Ở đây có thể nhận thấy nó có hai vế tự do thân thể được pháp luật bảo vệ, điều này nói lên điều gì, tức anh được tự do nhưng mà tự do trong cái đúng, đúng về đạo đức lẫn đúng về pháp lý.

Phạm Văn K. đột nhập vào tiệm tạp hóa của gia đình anh Trình để trộm cắp tài sản đây là hành vi trái luật, mà trái luật thì làm sao thỏa mãn để được pháp luật bảo vệ.

Bởi bản chất của khách thể tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, mà luật đâu có bảo vệ cho một tên trộm. Cho nên ở đây không thỏa mãn về mặt khách thể.

Về dấu hiệu pháp lý mặt khách quan của tội này, là hành vi xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân, trái với thủ tục và thẩm quyền bắt, giữ hoặc giam người được quy định trong Bộ luật hình sự.

Như tôi phân tích ở trên, quyền tự do thân thể, nhưng tự do mà không vi phạm pháp luật thì được pháp luật bảo vệ. Đằng này anh K. tự do vào nhà người ta trộm cắp thì pháp luật nào bảo vệ cho anh?

Cho nên về mặt khách quan của tội này, trong trường hợp này cũng không thỏa mãn.

Thiếu tới 3 yếu tố cấu thành tội

Dấu hiệu pháp lý về chủ thể của tội phạm, là người đạt độ tuổi theo luật định và có năng lực TNHS. Anh Trình và cha thỏa mãn dấu hiệu về mặt pháp lý của chủ thể


Luật sư Ngô Việt Bắc cho rằng Trình bị khởi tố về tội bắt giữ người trái pháp luật là không phù hợp vì thiếu các yếu tố để cấu thành tội phạm.

Luật sư Ngô Việt Bắc cho rằng Trình bị khởi tố về tội bắt giữ người trái pháp luật là không phù hợp vì thiếu các yếu tố để cấu thành tội phạm.

Dấu hiệu pháp lý về mặt chủ quan, tức là người phạm tội biết rõ việc làm của mình là trái luật, nhưng vẫn thực hiện.

Ở trong trường hợp này hành vi của anh Trình và cha là hành vi đúng luật “Bắt người phạm tội quả tang” là Phạm Văn K. đang thực hiện tội phạm thì bị phát hiện.

Trường hợp này không quan trọng là K. lấy được tài sản hay chưa miễn là K đã đột nhập vào nhà với mục đích trộm cắm thì bị bắt.

Ở đây khẳng định một điều anh Trình và cha mình, bắt Phạm Văn K. thuộc vào trường hợp “Bắt người phạm tội quả tang” và Bộ luật hình sự quy định bất kỳ người nào cũng có quyền bắt người phạm tội quả tang. Như vậy tiếp tục không thỏa mãn về mặt chủ quan của tội phạm.

Nếu Viện kiểm sát dựa vào yếu tố: sau khi bắt người phạm tội quả tang, công dân không được tự ý giam giữ họ mà phải giải ngay đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.

Các cơ quan này sau đó sẽ lập biên bản bắt người phạm tội quả tang và giải ngay người đó đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Theo nội dung vụ án báo chí phản ánh thì rạng sáng ngày 21/1/2014 anh Trình và Cha mình phát hiện Phạm Văn K. đột nhập vào tiệm tạp hóa và tiến hành bắt giữ.

Việc không thể đưa K. đến trực tiếp các cơ quan chức năng do nhà ở vùng sông nước cách trở bản thân anh Trình và cha có báo công an xã ấp nhưng, công an xã, ấp không đến ngay được.

Đến 4h40 sáng cùng ngày, ông Lê Nguyên Luyến, trưởng ấp Phú Bình, đến và đưa K. về trụ sở ấp làm việc.

Tức khoảng thời gian mà anh Trình và cha “bắt giữ” người theo như đa nêu chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và xảy ra trong đêm tối.

Với địa hình bình thường, khi phát hiện một người phạm tội quả tang đã khó, bắt được càng khó hơn và sau khi bắt phải dẫn giải đến cơ quan chức năng thì lại càng khó khăn.

Trong điều kiện hoàn cảnh miền sông nước, nếu chở K. đi bằng ca nô hoặc xuồng thì anh Trình phải có, nếu có thì phải coi nó còn xăng hay không, có chạy được hay không.

Trong trường hợp nếu chở K. đến cơ quan chức năng mà tên trộm nhảy sông hay không ngồi yên mà làm chìm xuồng thì như thế nào?

Chiếu theo điều kiện và hoàn cảnh thực tế thì việc anh Trình và cha cột K. vào gốc cây gọi công an đến giải quyết là phù hợp.

Hậu quả của hành vi anh Trình và cha không phải tước mất quyền tự do thân thể của K. mà bản chất là để chờ cơ quan chức năng tới xử lý.

Còn về hành vi đánh và tra khảo K. nếu có đủ căn cứ để khởi tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác theo Điều 104 thì anh Trình mới bị khởi tố về tội này.

Căn cứ vào các yếu tố trên luật sư Bắc cho rằng, khách thể mặt khách quan, chủ thể và mặt chủ quan của tội Bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật chỉ có một yếu tố về mặt chủ thể là thỏa mãn còn 3 yếu tố còn lại thì không.

Mỗi yếu tố là một bộ phận cấu thành của tội này, thiếu đi bất kỳ yếu tố nào cũng không có tội phạm, và ở đây thiếu đi tới 3 yếu tố.

Như vậy Viện kiểm sát khởi tố anh Trình về tội Bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật theo khoản 1, Điều 123 BLHS là không phù hợp.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại