Khi đèn đường vừa được thắp sáng, cũng là lúc nhiều quán cà phê, trà chanh vỉa hè tấp nập bày biện để chuẩn bị đón các cô cậu choai choai đến hưởng lạc qua khói thuốc shisha. Cuộc chơi bắt đầu từ chín giờ tối và kết thúc vào rạng sáng hôm sau.
PHỔ BIẾN ĐẾN... PHÁT SỐC
Thật khó ngờ khi giới trẻ lại xem việc hút shisha là “mốt” như hiện nay. Xuất xứ từ Ấn Độ (với tên gọi của nước này là Hookah), shisha lan sang Trung Đông (nên còn có tên là thuốc lào Ảrập) và Đông Nam Á. Nó du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm nay.
Do không nằm trong danh sách cấm nên thuốc shisha ngày càng được phổ biến rộng rãi tại nhiều quán xá bình dân cho đến vũ trường, quán bar. Điều đặc biệt nguy hại, shisha hiện đã xâm nhập cả vào giới học sinh trung học và sinh viên.
Tại TP.Hồ Chí Minh, cách đây khoảng bốn năm thì việc hút shisha diễn ra trong một quán bar ít người biết đến. Khi đó, dân chơi gọi “món” này là một thú vui “xa xỉ”. Tới nay, không khó để tìm đến làn khói tưởng như “vô hại” này ở các vỉa hè.
Đầu tiên xuất hiện loại hình bình dân này là đường Lê Thị Riêng (P.Bến Thành, Q1) với các quán trà chanh chém gió, khi đêm về thì bán kèm shisha. Thế nhưng hiện nay, dân chơi tuổi teen đã tạm biệt khúc đường này để đi tìm “miền đất hứa”.
Họ túa về các tuyến Trần Phú (cạnh giao lộ Nguyễn Tri Phương - Trần Phú, Q5), Trần Hưng Đạo (cạnh Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu), trong khu phố Tây Bùi Viện hay dọc bờ kênh Trường Sa, Hoàng Sa (quận Bình Thạnh và Phú Nhuận)... luôn tấp nập người ra kẻ vào.
Để hiểu rõ hơn về loại thuốc này, chúng tôi lân la đến quán X. tại góc ngã tư Nguyễn Tri Phương - Trần Phú. Vất vả trong việc gởi xe đã đành, khi vào đến quán tìm một chỗ ngồi cũng khổ.
Trong dáng vẻ bận rộn, nhân viên phục vụ nhanh chóng đem danh sách các loại shisha ra chào hàng, kèm theo lời giới thiệu vô cùng hấp dẫn qua cách pha thuốc điêu luyện của quán.
Theo anh này thì shisha có nhiều loại và giá tiền khác nhau từ 150 - 500 nghìn đồng, trong những quán bar hay cà phê sang trọng lên đến 1 - 2 triệu đồng một bình.
Chưa đầy năm phút, một bình shisha cao ngút được đem ra với hai ly nước hương trà chanh (thức uống có chứa nhiều đường hóa học) để khỏi khô miệng khi hút. Do đây là lần đầu tiên tiếp cận với loại thuốc này nên chúng tôi nhìn nhau với vẻ e dè, ái ngại.
Thấy thế, người phục vụ ân cần hướng dẫn và làm mẫu cho chúng tôi qua cách anh ta hút thử. Tiếng nước trong bình sôi “sùng sục” qua làn hơi dài của cậu nhân viên làm chúng tôi “dợn óc”.
Ngửa cổ lên trời, nhả khói nghi ngút tỏ vẻ khoan khoái, Khanh đã thôi thúc những bàn kế bên cùng nhau hút và nhả khói. Tuy ở ngoài trời, nhưng mùi khói shisha vẫn đậm đặc khiến những người mới đến có phần khó thở.
Cũng theo lời Khanh, quán đông khách là do cách pha chế “độc”. Để có một bình shisha ngon, người pha chế phải biết cách điều chỉnh hàm lượng thuốc theo công thức phù hợp, cho đến cách châm lỗ để than.
Thuốc được bỏ trong một thiết bị nhỏ xíu gắn trên đầu chai (được độ chế). Trên miệng được dán bằng giấy bạc và bỏ than bên trên. Đây cũng là bí quyết nhằm để than không làm cháy thuốc, pha chế đúng cách sẽ tạo hương và khói nhiều hơn.
Trung bình một bình shisha hút được 3 - 4 lần thay than đốt. Hút ngon nhất là tuần than lửa thứ nhất và thứ hai và không bị rát cổ họng.
Rời quán X., chúng tôi tới quán 671 Trần Hưng Đạo (gần ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu, Q5), cạnh đó là quán 651 Trần Hưng Đạo. Ban ngày, các quán trà chanh này rất vắng khách, nhưng nửa đêm về sáng thì đông đúc.
Các tấm biển “Hoy shisha” được dựng ngay trên vỉa hè để thu hút sự chú ý. Nam nhân viên ở đây tiết lộ, mỗi đêm họ bán được hơn mười bình, khách chủ yếu là giới trẻ.
Ngày thường, 651 chỉ là một quán cà phê ven đường do một phụ nữ làm chủ, nhưng từ bảy giờ tối trở đi lại do một chủ khác là nam giới đảm nhiệm và có “mặt hàng” shisha.
Đa số bình hút ở đây do chủ quán tự chế, thường mua lại từ các vỏ rượu... Vodka Nga như Absolut, giá chỉ khoảng 20 - 30 nghìn đồng.
Sau đó, họ chế bộ đầu để “nhồi” thuốc vào, phía dưới chai đổ nước lạnh (hoặc nước đá) để lọc khói. Chính vì vậy nên giá mỗi bình hút ở đây gồm ba mùi, nhưng chỉ có khoảng 150 nghìn đồng.
Bình hút vỉa hè được chế từ vỏ chai rượu bỏ đi
Trong vai một người cần học hỏi “công nghệ” để về Q9 mở quán, chúng tôi được một nam nhân viên chia sẻ: mỗi mùi hương ở đây chủ quán bán 80 nghìn đồng một gói nhỏ. Khi mua về thì chủ quán sẽ xé nó ra, cho vào một hộp nhựa để tiện pha trộn ra các màu và mùi.
Nguồn thường mua trên mạng hoặc ở các chợ. Tại đường Trần Phú, nổi tiếng nhất là quán Trà Chanh Bờm. Ngoài tên gọi khá “độc” thì quán này còn tập trung nhiều em chân dài, quần short...
ĐỐT TIỀN TRONG KHÓI
Dân chơi lắm tiền nhiều của không thích ngồi vỉa hè thì chọn nhiều quán bar, vũ trường sang trọng để làm “bãi đáp” vì có máy lạnh để lấn át cái nóng oi nồng. Nhiều người chọn phố Tây (P. Phạm Ngũ Lão, Q1) để tận hưởng không khí sôi động, nhất là những ngày cuối tuần.
Một khuya trung tuần tháng 4, sau khi uống mấy ly rượu tây tại bar Buffalo tại “ngã tư quốc tế” của giao lộ Bùi Viện - Đề Thám, chúng tôi được mời tới quán H. để hút shisha.
Lẫn trong nhóm khách châu Âu, châu Mỹ cao lớn là nhiều bạn trẻ Sài Gòn sành điệu phả từng vòng khói tròn xoe lên trần nhà. Mỗi phòng ở đây được thiết kế rất sang trọng, đảm bảo không gian riêng tư cho từng nhóm bạn.
Có một số cặp tình nhân trẻ tuổi cũng chui vào đây để âu yếm và... để hút. Mỗi bình ở đây có giá vài triệu đồng tùy theo chất liệu ngoại nhập, cao gấp đôi so với bình tự chế ở các quán vỉa hè.
Cao cấp thì có bình medusa giá 3,5 triệu đồng, bình temple giá ba triệu đồng, bình LZ giá dưới một triệu đồng...
Bỏ than lên bình hút
Nói về xuất xứ, nhân viên của quán nổ như bom: “Thuốc nhập về từ Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) nên các anh hút rất yên tâm. Tụi em phải gửi tiếp viên hàng không mua giúp đó”.
Tuy nhiên, nhiều thông tin xác thực cho thấy, rất nhiều quán lấy hàng chủ yếu là... Trung Quốc. Hiện có ba thương hiệu shisha lớn là: al fakher, soex và starbuzz nhưng giá đắt và nếu lấy nguồn hàng này (thông qua việc lấy hàng từ Malaysia thì giá rất cao).
Trên trang web của al fakher có danh sách của “bạn hàng” gồm Việt Nam và Trung Quốc, nhưng mặt hàng này không được cấp phép nhập khẩu chính thức nên khi du nhập vào Việt Nam, chắc chắn chỉ qua đường tiểu ngạch.
Vũ, một dân chơi “lành nghề”, đi cùng chúng tôi, bảo: “Mỗi đêm, nhóm tôi nhậu rượu tây bên ngoài rồi vào đây hút shisha ngoại cho đã. Nghe nói hương liệu là hàng xách tay, gửi mua từ nước ngoài nên mới có giá đắt như vậy”.
Đối với dân sành điệu như nhóm bạn của Vũ, họ kiểm tra rất kĩ thuốc trước khi cho vào bình là phải có nguồn gốc, chứ không hút thuốc không nhãn mác.
Qua lời mời gọi của Vũ, không biết thuốc có phải nhập hay không mà khi hút thử, chúng tôi cảm thấy không khô cổ như các quán vỉa hè. Được vài phút, lấy cớ đi nhầm phòng, chúng tôi chứng kiến nhiều cặp tình nhân vừa hút vừa tình tự như chốn không người.
Nhiều cô gái trẻ mặc váy ngắn nhả khói không thua gì người tình trước mặt.
Khi chúng tôi trở lại bàn cũ thì kim đồng hồ đã chỉ một giờ sáng. Một số cặp tình nhân trẻ ra về, nhưng số còn lại vẫn quên thời gian trong làn khói như sương mờ. L
ấy cớ có việc phải về, chúng tôi được Vũ rủ rê và hẹn gặp vào tám giờ tối mai tại vũ trường P. để xem dân chơi thời thượng ngoài shisha còn có “món” gì khác?
Kỳ 2: Đêm hoang lạnh