Nạn nhân không phải ai xa lạ mà chính là bà Phai, một người hàng xóm, không những thế bà còn có họ hàng xa với gia đình Đạt. Còn với hung thủ, điều mà nhiều người không lý giải nổi, cậu thanh niên mới lớn, có tiếng ngoan hiền, đến con gà còn không dám cắt tiết, vậy mà không hiểu sao, anh ta dám gây ra chuyện tày đình như thế?
Người đàn bà xấu số
Nhà Đạt và nhà bà Phai chỉ cách nhau khoảng mươi mét, qua một con ngõ nhỏ. Do bà sống đơn thân trong căn nhà nhỏ nên bố mẹ Đạt cũng như những người hàng xóm thường xuyên qua lại thường trò chuyện, giúp đỡ bà. Vốn trước kia bà Phai là cô thôn nữ hiền lành, có duyên nhưng lại chậm đường chồng con, bởi từ nhỏ có biểu hiện bị bệnh động kinh. Căn bệnh này của bà Phai tuy nhẹ nhưng mỗi khi trái gió, trở trời nó cũng hành hạ bà đến khổ sở. Rồi qua mai mối, bà cũng có được một tấm chồng, đấy là một người đàn ông đã trải qua một đời vợ. Tưởng rằng tạo hóa cũng không đến nỗi quá bất công khi trao cho bà Phai hạnh phúc gia đình nhưng không ngờ, sau khi kết hôn, bà phát hiện chồng là kẻ vũ phu, rượu chè be bét.
Có với nhau 2 đứa con, một trai, một gái, những tưởng chồng bà sẽ thay tính, đổi nết, tu chí làm ăn cùng vợ nuôi nấng, chăm sóc con cái. Nhưng càng ngày ông ta càng sa vào con đường rượu chè, đánh đập bà không thương tiếc.
Hận chồng, bà bế đứa con gái nhỏ bỏ về nhà mẹ đẻ với hy vọng ông ta sẽ nghĩ lại mà tu tỉnh. Thật trớ trêu, lợi dụng khi bà Phai vắng nhà, gã chồng mang đứa con đi cho một gia đình hiếm muộn làm con nuôi, nhận một ít tiền rồi bỏ đi biệt tích. Đau đớn vì mất con, gia đình tan nát, bà ôm đứa con gái về sống với gia đình mẹ đẻ. Xin một mảnh đất nhỏ, bà dựng căn nhà nhỏ chỉ rộng khoảng hơn chục mét vuông để có chỗ cho hai mẹ con tá túc.
Bà được địa phương bố trí vào làm nhân viên trong tổ vệ sinh môi trường của xã. Tuy mất đứa con trai nhưng bà Phai còn cô con gái là niềm vui, là chỗ dựa và hạnh phúc của đời bà. Mặc dù nghèo khó nhưng hai mẹ con sống với nhau rất tình cảm. Rồi cô con gái đến tuổi cũng phải đi lấy chồng. Nhà nghèo, thương con, khi con gái đi lấy chồng, bà cũng thu xếp mua tặng cho con chiếc xe máy, gọi là có chút của hồi môn.
Ngoài năm mươi tuổi, đơn thân nhưng bà Phai sống hiền lành, cởi mở nên được vợ chồng người anh trai cùng bà con chòm xóm quý mến, thường xuyên qua lại nên cũng không đến nỗi cô quạnh. Bà mẹ Đạt lúc rỗi rãi thường sang ngồi nói chuyện với bà. Không chỉ thế, Đạt cũng hay sang nhà bà chơi, thậm chí có hôm đi chơi về muộn, anh ta còn xin bà vào cho ngủ ké. Sau khi kết hôn, bố mẹ Đạt đẻ sòn sòn 2 cô con gái.
Thường mọi gia đình đến đây thì dừng lại, không đẻ nữa, thế nhưng bố mẹ Đạt mong có cậu con trai để nối dõi tông đường nên “khát nước”, một lần nữa quyết đẻ. Thật trớ trêu, lần thứ ba, mẹ Đạt lại sinh thêm một… vịt giời. Quyết không chùn bước, mẹ Đạt lại mang thai lần thứ tư và lần này thì họ toại nguyện. Vì thế, Đạt được bố mẹ rất cưng chiều. Trong xóm, ngoài làng, khi nói về cậu con trai, bố mẹ Đạt đều tự hào, cậu là cả cơ nghiệp của gia đình.
Sợ gặp chuyện rủi ro, đen đủi, ngoài tên Đạt trong giấy khai sinh, gia đình còn đặt cho cậu ta với cái tên “Cu Tí”. Nhà có tới 6 miệng ăn, sống ở nông thôn, chủ yếu làm nghề nông nên gia đình Đạt tránh sao khỏi đói nghèo. Mặc dù vậy, bố mẹ Đạt vẫn cố gắng chắt chiu, gom góp tiền nong lo cho cậu con cưng được đi học đến nơi, đến chốn. Tuy nhiên, do học dốt và mải chơi nên học đến lớp 9 thì Đạt bỏ học. Được cái, sau khi nghỉ học, Đạt không lao vào chơi bời lêu lổng như những đứa trẻ khác trong thôn mà hàng ngày chịu khó phụ giúp bố mẹ đi bốc vác hàng thuê hoặc phụ việc làm nghề hàn xì sắt thép cho vợ chồng người chị gái.
Trở thành gã trai làng đốn mạt
Sống trên khuôn viên mảnh đất của cha ông để lại cùng với bà Phai còn có vợ chồng người anh trai bà. Con gái đi lấy chồng xa nên mỗi khi trái gió, trở giời, bà đều được vợ chồng người anh chăm sóc. Thấy người đàn bà tuy ngoại ngũ tuần nhưng sống có một mình, cậu thanh niên mới ngoài hai mươi tuổi nảy sinh ý đồ xấu. Cậu ta nhiều lần mò đến định giở trò sàm sỡ, gạ gẫm người góa phụ ngang tuổi mẹ mình. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng.
Trước đó khoảng một tháng, đêm khuya đang ngủ, bà Phai chợt giật mình khi thấy có tiếng đập cửa. Nghe tiếng người gọi cửa, bà biết đó là thằng Cu Tí, con nhà Gia (tên bố Đạt) nhưng bà không muốn mở cửa, bởi đêm hôm không thấy tiện chút nào. Tuy nhiên, khi nghe thấy Đạt khóc lóc, xin vào ngủ nhờ, trình bày do đi chơi về muộn bị mẹ mắng đuổi đi nên bà thương tình, mở cửa cho cậu ta vào. Trời lạnh, nhà chỉ có độc một chiếc giường, không lẽ bắt Cu Tí nằm đất nên bà Phai cho cậu ta lên giường nằm chung. Bà không ngờ mới nằm ấm chỗ, cậu trai trẻ kia giở trò sàm sỡ khiến người góa phụ ngoại ngũ tuần tức tối tát cho một cái rồi đuổi đi.
Đến đêm trước hôm xảy ra vụ án mạng, cảm thấy khó thở, bà Phai mở cửa cho thoáng rồi lên giường đi ngủ. Không ngờ, khi bà đang nằm ngủ thì thấy một thằng thanh niên lù lù mò vào, định giở trò bậy bạ. Bà Phai vùng ngay dậy, túm được gã thanh niên ấy, té ra lại là thằng Cu Tí. Tất nhiên, lần này anh cu chàng một lần nữa lại bị bà Phai chửi mắng, đuổi đi. Nghe tiếng bà Phai chửi mắng, người chị dâu của bà, nhà ở sát vách nghĩ rằng cô em chồng mê ngủ nên không chạy sang. Sáng hôm sau, bà có hỏi thì được bà Phai kể lại sự việc. Không chỉ thế, bà còn kể cho chị dâu về một vài lần Đạt đến gõ cửa xin ngủ nhờ và giở trò sàm sỡ.
Chân tình, người chị dâu có khuyên bà, thằng Cu Tí còn trẻ con, đừng kể lung tung, kẻo nó xấu hổ, nên gặp mẹ nó nhắc khéo để khuyên con. Sau này trước cơ quan điều tra, Đạt khai, đi chơi về khuya, sợ bố mẹ mắng, trước đó anh ta từng 2 lần đến đập cửa xin bà Phai cho… ngủ nhờ. Khi được bà Phai cho vào nhà, Đạt cũng thú nhận có ý định sàm sỡ góa phụ nhưng thấy bà có phản ứng dữ dội nên cầu xin bà giữ kín chuyện này đừng nói với ai. Thế nhưng mọi chuyện lại vỡ lở.
Nỗi dằn vặt của người mẹ
Sáng hôm sau, mẹ Đạt rảnh rỗi nên sang nhà bà Phai ngồi chơi. Nhà bà Phai chung sân, liền kề với nhà vợ chồng người anh trai. Chỉ có người chị dâu ở nhà nên ba người đàn bà ngồi nói chuyện với nhau. Hết chuyện làng trên, xóm dưới, bỗng nhiên mẹ Đạt thấy bà Phai hỏi, thằng Cu Tí năm nay bao nhiêu tuổi.
Sau khi được mẹ Đạt cho biết, năm ấy, nếu tính cả tuổi mụ thì Cu Tí đã 23 tuổi, bà Phai khuyên bà nên tìm một đám nào lấy vợ cho cậu con trai, không để nó đi khua khoắng lung tung nữa. Không hiểu bà Phai nói thế có ý gì, mẹ Đạt có hỏi lại thì được bà ấy nó rằng, mấy lần Đạt mò vào nhà gạ gẫm, sàm sỡ bà.
Nghe bà hàng xóm nói thế, bà mẹ Đạt sa sẩm cả mặt mày, không thể tin được, thằng bé mà vợ chồng bà cưng chiều lại đổ đốn đến như thế. Bàng hoàng tức giận xen chút xấu hổ, nghi ngờ, bà không thể ngồi lại nói chuyện tiếp với chị em bà hàng xóm, đứng dậy ra về. Chạy về đến nhà, bà thấy Đạt đang nằm trên giường nên dựng dậy căn vặn, mắng mỏ nhưng cậu chàng một mực kêu oan. Tức tối, bà mẹ Đạt mắng con: "Không có lửa làm sao có khói”. Không thanh minh được, Đạt bực tức lên chiếc xe máy của bố phóng đi.
Sau khi bà mẹ Đạt ra về, bà Phai cũng đứng dậy đi nấu cơm. Chỉ có một mình nên hàng ngày bữa cơm của bà hết sức đạm bạc, chủ yếu là rau, dưa. Còn Đạt, sau khi bị mẹ mắng, cậu thanh niên trẻ này nghĩ rằng bị bà hàng xóm bôi nhọ danh dự nên tức tối, quyết phải rửa nhục. Phóng xe lên chợ Bình Đà, Đạt tìm mua một con dao bầu, loại dao chọc tiết lợn giá 20 ngàn đồng, giắt vào trong người rồi quay về. Dựng xe máy ngoài ngõ nhà bà Phai, Đạt đi vào.
Lúc này, nạn nhân đang ngồi ăn cơm một mình, quay lưng ra cửa. Không nói, không rằng, Đạt vung dao đâm liên tiếp 3 nhát vào người bà Phai khiến bà chỉ kịp kêu lên: “Ối chị Môn ơi (tên người chị dâu), thằng Cu Tí nhà Gia nó đâm chết em rồi”. Nghe tiếng kêu, người chị dâu hốt hoảng chạy vào thì thấy bà Phai ngã gục xuống nền nhà, một tay vẫn còn cầm bát cơm, tay kia ôm ngực rên rỉ. Còn Đạt lao ra khỏi nhà chạy trốn. Khi lực lượng công an đến khám nghiệm hiện trường, xác định nạn nhân nằm chết ngay trước cửa nhà, nguyên nhân tử vong do bị đâm một nhát thấu tim dẫn đến mất máu cấp.
Ngay tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ 1 con dao nhọn còn dính máu. Sau khi gây án, Đạt bỏ chạy lên nhà người chị gái lấy chồng ở Bình Minh cùng trong huyện Thanh Oai, định tìm đường lẩn trốn nhưng ngay sau đó, anh ta bị CAH Thanh Oai bắt giữ. Trước cơ quan công an, Đạt khai rằng sợ bị mang tiếng, sợ xấu hổ và bị mẹ mắng chửi nên trong lúc quẫn trí, anh ta nghĩ đến việc trừng trị bà Phai để rửa nhục.
Sau khi con trai bị cơ quan công an bắt giữ, cả bố và mẹ Đạt đều đau đớn, xót xa, xấu hổ với bà con xóm làng. Riêng mẹ Đạt thì héo hon, dằn vặt. Con trai phạm tội giết người nhưng bà không trách con mà tự trách bản thân mình. Bởi bà quá nóng giận, không kiềm chế được tính tự ái và sĩ diện, sau khi nghe bà Phai nói chuyện, thay vì hỏi con cho rõ ngọn nguồn để khuyên bảo thì bà vội chạy về chửi mắng con.
Bị mẹ chửi mắng vì tội sàm sỡ với một góa phụ già khiến tay thanh niên chưa vợ cảm thấy nhục nhã, xấu hổ, không dám ngẩng mặt nhìn ai nên tinh thần bị kích động sinh ra hoảng loạn, không làm chủ được bản thân mới gây nên tội. Với tội “giết người”, Đoàn Bá Đạt đã phải lĩnh bản án tù chung thân.