Kỳ 1: Phạm pháp, giết người kinh hoàng vì ma túy đá
Đ.T.H.N (19 tuổi) - vào điều trị nghiện tại Trung tâm giáo dục dạy nghề Thanh thiếu niên 2 (huyện Củ Chi, TP.HCM) hơn một năm nay cho biết N. vẫn còn nhớ như in cảm giác vật vã, sợ hãi sau những lần chơi hàng đá.
N. kể dù em mới chỉ mới chơi hai tháng nhưng bên tai em luôn nghe thấy tiếng xì xào, cảm giác người khác đang nói xấu, đang rình mò ám hại mình.
Hoang tưởng, suy kiệt vì dính vào "hàng đá"
Mỗi lần có thuốc vào là N. không ăn, không ngủ được, sụt mấy cân liền. Người lúc nào cũng mệt mỏi, đầu óc căng thẳng dù theo các bác sĩ tại trung tâm thì trường hợp của N. chỉ mới sử dụng, chưa bị lạm dụng.
Với công việc làm nữ DJ ở một quán bar, N. hầu như dành hết tiền để mua thuốc bởi mỗi lần mua hàng cũng từ 300 - 600 ngàn, thậm chí 6-7 triệu để chia nhiều lần dùng dần.
Anh K. (33 tuổi, quận 7, TP.HCM) cũng là học viên cai nghiện tại trung tâm được 18 tháng thì kể đã chơi hàng đá gần 3 năm nay. Đến khi cơ thể suy kiệt, mệt mỏi, không đi lại được phải đến cai nghiện, anh mất gần một tháng mới ổn định để đi lại được.
Theo lời kể của K., anh có một người bạn cùng chơi hàng đá chung, dù chơi ít hơn nhưng lại thường xuyên hoang tưởng có người rượt theo đâm chém mình.
K. kể lại: “Có bữa tôi chở nó đi ngoài đường, đột nhiên nó chỉ ra sau hét lên là có người cầm dao đuổi chém, hối chạy nhanh lên. Nó nói có tới 4-5 người đuổi nhưng tôi nhìn ra sau chẳng thấy ai. Có khi đang ngủ nó cũng bật dậy kêu cứu vì có người rượt chém”.
Cả N. và K. đều cho biết khi chơi hàng đá thường xuyên, người chơi sẽ bị “dính” - tập trung bất thường vào một điều gì đó.
N. chơi xong thường đi tắm nhưng tắm 1-2 tiếng mà vẫn chưa cảm thấy chưa sạch. K. lại có lúc lấy đồ chơi của cháu bị hư để sửa, cảm thấy thôi thúc đến mức không xong không đi ngủ, đã thức thâu đêm để sửa.
“Không ghiền nhưng có tiền sẽ nhớ”, đó là câu nói mà theo K, dân chơi hàng đá thường hay nói.
K. từng làm ở công ty sửa chữa điện thoại di động nhưng khi đã dính vào ma túy, tiền lương không đủ chơi, phải bỏ việc chuyển sang đi đòi nợ thuê.
Từ manh động, dữ tợn đến tự hủy hoại mình
Ông Trần Hải Đăng - Phó giám đốc Trung tâm giáo dục dạy nghề Thanh thiếu niên 2 cho biết thời gian gần đây tỉ lệ học viên sử dụng hàng đá được trung tâm tiếp nhận vào cai nghiện tăng lên trên 50%, trong đó 10% bị nặng.
“Mỗi khi có một ca nghiện ma túy đá vào cắt cơn, các cán bộ, y bác sĩ rất vất vả, phải phân công túc trực, theo dõi 24/24 vì bệnh nhân bị ảo giác, trầm cảm có thể tự làm tổn hại bản thân.
Ở những trung tâm khác có những trường hợp bệnh nhân đã tự hủy hoại bản thân”, bà Hà Thị Nhâm - trưởng phòng Giáo dục hòa nhập cộng đồng của trung tâm kể.
Bà Nhâm cho biết những người nghiện ma túy đá khi được đưa lên đây đều không còn làm chủ được mình, liên tục nói sảng, hành động dữ tợn…
Đa số các trường hợp đều phải nhờ công an hỗ trợ đưa lên vì gia đình muốn cứu con nhưng không thể đưa đi được.
Thông thường, sau thời gian khoảng 5-10 ngày bệnh nhân ổn định nhưng cũng có trường hợp 2-3 tháng vẫn còn biểu hiện rối loạn tâm thần. Việc điều trị trầm cảm cũng có thể kéo dài cả năm.
“Người nghiện thường không chịu thừa nhận mình nghiện, không đồng tình khi được bố mẹ đưa lên đây, thậm chí chỉ tay vào mặt bố mẹ mà chửi khiến bố mẹ chỉ biết chảy nước mắt khi chứng kiến con mình lên cơn điên dại”, bà Nhâm cho biết,
Bà Nhâm kể có bệnh nhân khi đưa vào đã một mực đòi trung tâm “gọi điện cho bộ đội vào bắt mấy người công an giả danh”.
Rồi anh này đột nhiên xin uống nước và trước ánh mắt sững sờ của mọi người, anh vứt tờ giấy vừa khai thông tin xuống đất, đổ nước lên rồi lấy hai chân ráng sức đạp.
Vừa đạp vừa hét: “Tao giết, tao giết”. Hai cánh tay cũng liên tục đập mạnh xuống sàn, mắt long lên đỏ ngàu... khiến cán bộ sợ hãi.
"Phải nhờ công an, huy động nhân viên bảo vệ hỗ trợ đưa xuống phòng điều trị. Các em này được quản lý và điều trị với chế độ đặc biệt - ở trong phòng riêng, cử một học viên khác đã ổn định giúp canh giữ”, bà Nhâm kể.
Thậm chí có những trường hợp, người bệnh quá hung dữ, đập phá bàn thờ ở nhà, cầm dao gí cha khiến người cha phải ra nhờ công an phường can thiệp thì gí dao cả công an phường.
Khi đưa được lên trung tâm, người cha chỉ biết khóc, năn nỉ nhờ các cô giữ giùm. Nhưng người con quá hung hăng, tự làm mình bị thương nên công an phải hỗ trợ gia đình đưa đi khám.
Sau đó thì bệnh nhân này phải đi chẩn đoán tâm thần tại bệnh viện Hàm Tử và phải lưu lại bệnh viện tâm thần chữa trị chứ không thể đưa vào cai nghiện thông thường.
Nhiều học viên trung tâm khi vào điều trị vừa nghiện ma túy đá lại vừa nghiện heroin. Theo những người nghiện này “chơi đá rồi chơi heroin thì cảm giác rất là phê”. Và đây cũng là lý do khiến tình trạng nghiện, hút và cai nghiện ma túy càng trở nên phức tạp.
Theo kinh nghiệm của các cán bộ tư vấn tâm lý tại Trung tâm giáo dục dạy nghề Thanh thiếu niên 2, đối với người nghiện túy đá, lúc đầu cán bộ phải nhẹ nhàng xoa dịu, vỗ về để người nghiện dịu xuống.
Trong thời điểm họ dễ bị kích động nếu có ai nạt nộ, hăm dọa, họ sẽ lồng lộn, hung dữ hơn.
Bác sĩ Phạm Công Võ - cán bộ trung tâm cho biết triệu chứng lâm sàng chẩn đoán ma túy đá rất khó. Những người bị nhẹ thì khi uống thuốc điều trị chỉ ngủ li bì, khi bị tổn thương não bộ nặng triệu chứng mới rầm rộ và việc đánh giá mức độ nặng, nhẹ phải có thời gian.
Chẳng buồn ăn, buồn ngủ, chỉ thèm "bay"
Gặp N.L.V.T (30 tuổi, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) trong giờ phút tỉnh táo hiếm hoi, anh cảnh cáo ngay: “Gặp lúc bọn này đang phê thì đừng dại mà hỏi han gì. Bị xử như chơi đấy!”.
T. chia sẻ khi “bay”, có những ảo giác xuất hiện khiến người luôn thấy lo lắng, hoài nghi. T. kể có nhiều ngày hào hứng chơi không cần ăn, đêm chẳng buồn ngủ khiến không anh thể kiểm soát được hành động. Chẳng biết mình đang làm gì nữa.
Lúc bình thường, nhìn, Đ.Đ.C (21 tuổi) có dáng vẻ hiền lành, thư sinh với dáng dỏng cao, khuôn mặt đầy đặn, trắng. Nhưng khi gặp C. lúc vừa “bay” với nhóm bạn trong khách sạn, không thể nhận ra bởi đôi mắt C. đờ đẫn, sâu hoắm, vô hồn sau một tuần không ngủ.
Gia đình C. có hai chị em đều dính vào ma túy đá. Chị C. đang thụ án 12 năm tù ở Hàm Tân (Bình Thuận) về tội tàng trữ ma túy.
Năm 2011, C. cũng bị bắt đi trại cai nghiện bắt buộc tại trường Đức Thanh (Bình Phước) 2 năm. Ra trại C. xin làm bảo vệ tại một công ty nhưng khi nhóm bạn cũ tìm đến, rủ rê, C. lại tiếp tục lạc lối trong những cuộc “bay” sa đọa.
C. thuê một phòng nhỏ ở Q. Gò Vấp để 4 nam, hai nữ sống chung chạ, ăn ngủ với nhau.
Bước vào căn phòng rộng chừng 10m2 nhầy nhụa, lênh láng nước mưa, quần áo, chăn màn nam nữ ấm ướt, vứt bừa bãi, khắp phòng sặc mùi thuốc lá, tanh hôi đủ biết nhóm C vẫn còn những buổi thâu đêm chìm trong ảo giác của những viên đá trắng.
Trong phòng bày đầy đủ những vật dụng quạt điện, tua vít, loa tự chế… mà theo “trưởng đoàn” là Đ.Đ.C., là để nhóm trở thành phi hành đoàn lái con tàu vũ trụ chinh phục địa cầu mỗi khi cùng “lên tiên” với ma túy đá.
Những tiết lộ bất cần, chua chát của người thanh niên mới 21 tuổi khiến chúng tôi không khỏi rùng mình.
___________
Kỳ 3: Nhận diện con đường hủy hoại của ma túy đá