Đơn xin đăng ký kết hôn với người lĩnh án tử: Chưa có tiền lệ

Sự việc hy hữu đó là một người phụ nữ đề nghị được làm đăng ký kết hôn với người bị tuyên án tử hình.

Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM vừa nhận đơn của bà Ngô Thị M.L. (26 tuổi) đề nghị được làm đăng ký kết hôn với ông Đặng Văn Hai (57 tuổi), người đã bị TAND TP.HCM tuyên tử hình ngày 15/11/2013 trong vụ tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty cho thuê tài chính (ALC2). 

Trong hồ sơ gửi đến tòa, Sở Tư pháp TP.HCM, văn phòng bộ Công an, hai người này đều mong muốn được kết hôn với nhau. Sự việc chưa từng có tiền lệ này đang đưa những cơ quan hữu quan vào cuộc thử thách thực sự. Tình người liệu có chiến thắng rào cản pháp lý?

Sự việc chưa từng có tiền lệ

Khi được hỏi về câu chuyện đăng ký kết hôn với người bị kết án tử hình, rất nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý đều thừa nhận, đó là sự việc chưa từng có tiền lệ. Bởi, khi đã lãnh bản án tử hình, cũng đồng nghĩa với việc bị cáo phải đối diện với ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nên chẳng mấy khi họ còn tâm trí nghĩ đến việc đăng ký kết hôn. Hơn nữa, dù luật pháp không cấm nhưng chính những rào cản khi đang phải chịu án khiến họ khó thực hiện trọn vẹn mong ước của mình. Từ thực tế này khiến nhiều người băn khoăn khi nghĩ đến một kết thúc có hậu cho lời khẩn cầu "xin" được đăng ký kết hôn của bà Ngô Thị M.L. và ông Đặng Văn Hai.

Trở lại với sự việc, theo hồ sơ, trong đơn của ông Đặng Văn Hai có đoạn: "Đây là nguyện vọng chính đáng và mang tính nhân đạo của hai vợ chồng tôi. Đồng thời cũng là để hai đứa con chung của chúng tôi chính thức được pháp luật thừa nhận cha đẻ hợp pháp của mình". Trong khi đó, bà L. tha thiết xin các cơ quan hữu quan chấp thuận để bà được cùng ông Hai vượt qua chặng đường sắp tới, dẫu biết rằng, tương lai sẽ lành ít dữ nhiều bởi ông này đã bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình.

Trong đơn gửi tới cơ quan chức năng, bà L. giãi bày: "Đối với cá nhân tôi, tuổi đời còn trẻ, lựa chọn quyết định xin đăng ký kết hôn chính thức với ông Đặng Văn Hai đồng nghĩa với việc chịu các rủi ro có thể xảy đến trong tương lai khi không biết kháng cáo của ông Hai có được xem xét hay không. Do vậy, dẫu biết mọi khó khăn vẫn ở phía trước nhưng chính ở thời điểm này, với tư cách là một người vợ, tôi vẫn mong muốn được thăm nuôi, chăm sóc ông Hai trong thời gian chờ xét xử phúc thẩm. Các con của chúng tôi cũng sẽ có lúc được nhận cha mình, dù là tử tù đi chăng nữa".

Cũng theo lời kể của người phụ nữ này, dù không chính thức được công nhận nhưng bà luôn coi ông Hai như người chồng thực sự của mình. Sau khi ông Hai bị tạm giam, bà vẫn thực hiện việc thăm nuôi và chăm sóc ông với vai trò của một người vợ. Tuy nhiên, chính sự danh không chính ngôn không thuận khiến bà gặp nhiều rào cản, đặc biệt khi ông Hai vướng vào vòng lao lý. "Tôi không có danh phận gì để có thể được vào thăm anh Hai, trong phần khai quan hệ với bị cáo tôi thường bỏ trống", bà L. chia sẻ.

Từ thực tế đó, đặc biệt trong giai đoạn phiên tòa phúc thẩm đang đến gần, bà L. tha thiết mong các cơ quan hữu quan chấp nhận lời khẩn cầu của mình. "Tôi muốn thực hiện việc ấy càng nhanh càng tốt, bởi có thể ngày xét xử phúc thẩm không còn xa nữa. Đó là cái ngày mà tôi vừa mong, vừa sợ", bà L. nói thêm.

 - Ảnh 1

Bà Ngô Thị M.L. vừa có đơn xin được làm đăng ký kết hôn với bị cáo Đặng Văn Hai (57 tuổi) đã bị TAND TP. HCM tuyên tử hình trong vụ tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại công ty cho thuê tài chính (ALC2).

Câu chuyện nhân văn và tình huống pháp lý

Trước mong muốn "xin" được làm thủ tục đăng ký kết hôn với người bị kết án tử hình của bà L., các cơ quan hữu quan hiện đang tiến hành xem xét sự việc. Dù chưa đưa ra câu trả lời chính thức nhưng một vị Phó Chánh tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã ngỏ ý với báo giới rằng, việc này chưa từng có tiền lệ cho nên sẽ phải xem xét kỹ. "Nếu pháp luật không cấm thì tòa sẽ tạo mọi điều kiện để hai người đăng ký kết hôn bởi không chỉ là câu chuyện nhân văn và tình người mà còn là câu chuyện pháp lý của hai đứa trẻ", vị này khẳng định.

Dù chưa biết kết thúc sẽ ra sao nhưng những lời chia sẻ của vị Phó Chánh án cũng khiến "vợ chồng" bà L. cảm thấy an lòng. Hy vọng đang được mở ra. Trong những ngày chờ ông Hai ra trước vành móng ngựa của phiên toà phúc thẩm, bà L. vẫn sẽ tiếp tục tin tưởng hai người sẽ được pháp luật chính thức công nhận là vợ chồng. Dư luận cũng đang ngóng chờ một cái kết có hậu cho mong ước giản đơn của đôi vợ chồng sa cơ lỡ bước này.

Để tìm hiểu rõ hơn những tình tiết pháp lý xung quanh câu chuyện đăng ký kết hôn độc đáo này, PV đã trao đổi với nhiều chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm. LS Bùi Văn Đức, công ty Luật hợp danh Đông Nam Á (đoàn LS TP. Hà Nội) khẳng định, đây là sự việc chưa từng có tiền lệ. Thế nhưng, càng những việc khó như thế này càng là thử thách đối với những cơ quan tư pháp. "Theo quy định của pháp luật hiện hành, cả hình sự, dân sự lẫn hôn nhân gia đình đều không cấm. Thậm chí, không có văn bản dưới luật nào hướng dẫn cấm kết hôn với bị can, bị cáo. Tuy nhiên, do bị cáo đang bị giam giữ nên việc kết hôn sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì phải đến UBND xã, phường để làm thủ tục", LS Đức khẳng định.

Theo LS Bùi Văn Đức, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu được tòa án linh động giải quyết. Tuy nhiên, nếu được chấp thuận có thể tạo ra những tiền lệ. Trường hợp bị cáo là nữ, họ sẽ có khả năng mang thai và tình huống thoát án tử là hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, cần thiết phải ban hành văn bản hướng dẫn để cho bị can, bị cáo kể cả nam và nữ kết hôn nhưng phải giám sát thật chặt chẽ. "Khi áp giải ra UBND xã, phường thì cảnh sát áp giải phải canh phòng nghiêm ngặt. Thậm chí, để đảm bảo an toàn, có thể mời cán bộ tư pháp đến tận nơi giam giữ để làm thủ tục đăng ký kết hôn cho họ", vị này nói thêm.

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Văn Cừ, Phó Trưởng khoa Pháp luật dân sự (Đại học Luật Hà Nội) khẳng định, trong trường hợp này, bà L. và ông Hai vẫn có thể đăng ký kết hôn bình thường. TS Cừ nói: "Nếu hai người không thuộc diện cấm kết hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình thì người đang thụ án vẫn được quyền đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt hoàn toàn có thể linh hoạt. Không nhất thiết phải đến UBND xã, phường, bởi đối với đồng bào dân tộc thiểu số, do cách biệt địa lý, họ có thể tiến hành ngay tại thôn, sóc... Do vậy, trường hợp này có thể làm thủ tục ngay trong nhà giam".

Tuy nhiên, theo TS Cừ, gặp những hoàn cảnh như vậy, rất cần sự cảm thông, chia sẻ của những người trong bộ máy công quyền. Cán bộ tư pháp hoàn toàn có thể đến trại giam, chỉ có điều họ có thực sự muốn giúp đỡ hay không. Còn phía trại giam, theo luật, họ phải đồng ý bởi việc làm này là thực hiện và bảo hộ quyền của công dân. "Tôi nghĩ, đây là nguyện vọng chính đáng của hai người, luật pháp nên ủng hộ. Bản án có thể tước đi sinh mệnh nhưng không thể lấy đi quyền kết hôn của họ được", TS Cừ nói thêm.

Sở Tư pháp sẽ tạo mọi điều kiện

Phản hồi với báo giới về trường hợp này, đại diện sở Tư pháp TP.HCM cho biết, ông Đặng Văn Hai đang bị tạm giam nên muốn thực hiện các thủ tục phải được lệnh trích xuất của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM và cơ quan quản lý trại giam T17 bộ Công an. Sở Tư pháp sẽ tạo mọi điều kiện để hai người được đến đăng ký kết hôn tại một trong hai phường. Họ sẽ được đặc cách không phải xếp hàng, mà sẽ được ưu tiên ký giấy, ký sổ trước mặt lãnh đạo phường, cán bộ tư pháp và được cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.

Cơ quan chức năng nên ủng hộ

Nhìn nhận về sự việc này, LS Phạm Quốc Bảo, Phó Chánh văn phòng Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, đây là nguyện vọng hoàn toàn chính đáng. "Cũng bởi chưa có tiền lệ nên việc thực hiện sẽ lúng túng và gây tranh cãi. Tuy nhiên, đây là một nguyện vọng đẹp, từ trước đến nay chưa từng có nên các cơ quan chức năng nên ủng hộ và tạo điều kiện cho họ. Bản thân chị L. cũng có thể liên hệ với các luật sư để nhờ tư vấn, giúp đỡ", LS Bảo nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại