Đời lầm lạc của người phụ nữ buôn ma túy ra tù lại vĩnh viễn mất con

Nhật Lệ |

Để có tiền chữa trị cho con gái mang trọng bệnh, chị Hiệp đã hành động sai lầm, dấn thân vào đường dây buôn bán ma túy. Cái giá mà chị phải trả cho hành động tội lỗi này là 11 năm tù.

Trớ trêu thay, khi mãn hạn trở về, người mẹ đau đớn khi biết đứa con gái từng thoát khỏi bạo bệnh ngày nào đã ra đi bởi tai nạn giao thông...

Một bước sai lầm

Căn gác xép nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn, TP. HCM) là tổ ấm còn lại của chị Nguyễn Thị Hiệp, người phụ nữ vừa mãn hạn tù trở về trong niềm vui đoàn tụ với chồng con.

Ngước nhìn lên di ảnh con gái đầu, chị Hiệp thở dài: “Mới vài tháng trước đó, nó còn hẹn ngày lên thăm tôi. Vậy mà…”. Chị Hiệp bỏ lửng câu nói khi nhắc tới đứa con gái mới mất sau một vụ tai nạn giao thông.

Ngày trước, để kiếm tiền bằng mọi cách, chị đã làm liều sa chân vào tội lỗi. Giờ đây khi trở về thì người mẹ này lại rơi vào cảnh “người đầu bạc đưa tiễn kẻ đầu xanh”.

Kể về cuộc đời cơ cực của mình, chị Hiệp hướng ánh mắt nặng trĩu ra xa xăm. Sinh ra trong gia đình đông anh em, cha mẹ buôn thúng bán bưng nên chị sớm phải bươn chải với cuộc sống mưu sinh mà không hề biết đến mặt con chữ.

Ngày đó, cô bé Hiệp chưa tròn 10 tuổi rong ruổi khắp các con đường ở Sài thành để thu mua ve chai rồi giao bán lại cho chủ lò ve chai ở Q. Tân Phú.

Trải qua tuổi thơ “được bữa nay, lo bữa mai”, cô bé Hiệp ngày nào đã trở thành thiếu nữ đôi mươi với khuôn mặt khắc khổ vì gánh nặng mưu sinh. Rồi một ngày, chị Hiệp bắt gặp ánh mắt tình tứ của chàng thợ hồ Cống Văn Bửu làm việc gần lò ve chai mà chị hay lui tới.

Đồng cảm trước hoàn cảnh nghèo khó, hai người quyết định cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Chỉ một mâm cơm đạm bạc ra mắt gia đình, hai người dọn về chung sống cùng nhau mà không có một tờ hôn thú.

Tá túc ở nhà vợ được một thời gian, đôi vợ chồng trẻ quyết định dọn ra ở riêng. “Nhà tôi đông người nên rất chật chội, bên nội cũng không kém gì nên hai vợ chồng phải dọn đi nơi khác.

Nhưng biết đến chỗ nào khi mà làm không đủ nuôi miệng, vợ chồng đành bảo nhau ra khu nghĩa địa dựng cái lán nhỏ để sống qua ngày”, chị Hiệp kể. Và nỗi khổ cực càng tăng lên gấp bội khi chị sinh lần lượt hai cô con gái.

Chị còn nhớ rõ mồn một năm đó, khi sinh bé thứ hai trong nhà thương, vì không có tiền trả chi phí nên chị phải ẵm con bỏ trốn. Vậy là, cả 4 con người lại chen chúc, co ro trong túp lều rỗng tuếch giữa nghĩa địa vắng tanh.

Khổ cực chưa dừng lại ở đó, tai họa lại giáng xuống gia đình nhỏ khi cả hai cô con gái nhỏ đều mắc bạo bệnh. Nhắc đến đây, chị nói như mếu: “Bé Hội (con gái lớn) thì mắc hen suyễn, còn bé Hiếu (con gái thứ hai) thì mắc bệnh gan di truyền từ mẹ.

Di ảnh cô con gái đầu của chị Hiệp qua đời vì tai nạn giao thông.

Hai đứa nhỏ ốm yếu đã đành, lại bị thêm bệnh sốt phát ban, đứa lớn lây sang đứa nhỏ”. Nhìn hai đứa con sốt sình sịch, mặt tái mét, xanh xao nhưng chị không biết đào đâu ra tiền để mua thuốc và đưa con đi bệnh viện.

Bởi, gánh trái cây dạo của chị thì ế ẩm, công việc của chồng cũng bấp bênh. Gia đình nội ngoại đều nghèo nên không thể giúp gì cho cặp vợ chồng đang chạy ăn từng bữa.

Nghe có người mách chỗ “vay nóng”, chị Hiệp đành liều tìm đến để có tiền chạy chữa cho con. Dần dà lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền vay nợ đã lên tới hơn 70 triệu đồng, nằm ngoài khả năng chi trả của gia đình chị.

Những lần chủ nợ đến đòi, chị phải ôm con bỏ trốn. Nhưng chỉ được một thời gian, chị lại phải quay lại túp lều cũ nát và van xin chủ nợ cho khất ít bữa. Đang trong lúc khốn cùng ấy, người mẹ trẻ được một người quen “mách nước” đi bán ma túy lẻ.

“Lúc đó, hai đứa nó vẫn chưa khỏi bệnh lại phải theo mẹ đi lang thang trốn nợ, tôi khổ tâm lắm. Dù biết việc mình làm là phạm pháp mà tôi vẫn dại dột dấn thân vào”, chị Hiệp nói. Chỉ sau hai tháng bước vào con đường tội lỗi, chị đã nhanh chóng trả hết nợ nần.

Thậm chí, chị còn có dư tiền để mua một miếng đất nhỏ (vốn là cái nhà vệ sinh của người ta), rồi xây cất một căn nhà để lấy chỗ che mưa, nắng.

Nhà chuẩn bị xây xong, nhất là hai đứa con đã qua cơn bạo bệnh, chị thầm mãn nguyện và quyết định “tu tỉnh” để sống yên ổn cùng chồng con. Vậy nhưng...

Ra tù thì con mất

Chị Hiệp kể: Đó là vào một ngày đầu năm 1999, dù đã quyết định dứt bỏ cái nghề tội lỗi nhưng khi một người quen tìm tới nhờ chị Hiệp đi “lấy hàng” thì Hiệp vẫn nhận lời.

Chỉ vài hôm sau đó, người kia bị công an bắt quả tang khi đang giao hàng cho con nghiện. Và Hiệp cũng bị bắt vì có dính líu tới nguồn hàng trắng đó. Cộng thêm thời gian “hành nghề” trước đó,

Hiệp run rẩy khi nghe tòa tuyên với bản án 15 năm tù dài dằng dặc đang chờ đợi phía trước. “Lúc đó, bé Hội mới 6 tuổi, bé Hiếu 4 tuổi, chúng còn nhỏ dại lắm.

Vào tù nhưng nhìn chúng được khỏe mạnh tôi cũng được an ủi phần nào. Chỉ lo rằng chúng không còn được mẹ chăm sóc và sẽ mặc cảm với bạn bè vì có một người mẹ tù tội.

Thời gian thụ án, tôi chỉ biết cải tạo thật tốt và đếm từng ngày để được về với chồng con”, chị Hiệp nói. Nhưng số phận trêu ngươi, khi chị chưa kịp trút bỏ chiếc áo sọc tù thì tai họa đã ập xuống đầu đứa con gái lớn.

Dường như hiểu được sự hy sinh của mẹ, hai đứa con của chị Hiệp lớn lên rất ngoan hiền, hiếu thảo. Chị xúc động bảo: “Bé Hội có hiếu lắm. Lúc nhỏ thì theo bố lên thăm mẹ. Khi nó lớn lên một chút thì tôi được chuyển sang trại giam ở Bình Thuận.

Vậy mà hàng tháng, nó vẫn lặn lội lên thăm tôi. Những khi bận không lên được, nó vẫn không quên gửi quà cho người mẹ tù tội này. Ấy vậy mà…”. Chị còn nhớ rõ lần được gặp con gái trước khi mãn hạn tù 3 tháng.

“Khi ấy, tôi đã bảo với nó: “Ở đây xa xôi nên con cứ lo công việc ở thành phố đi đã”. Con bé lại quả quyết: “Chừng nào con chết mới hết thăm má!”. Nghe vậy, tôi mừng mừng tủi  tủi, hai mẹ con ôm nhau khóc.

Trước khi ra về, con bé còn hẹn với tôi rằng: “Tháng sau con lên thăm má!” Nó hiếu thảo là vậy, chỉ trách tôi đã lầm lạc, tự đưa mình vào cảnh không chăm sóc được con”, chị Hiệp nghẹn ngào.

Một tháng sau, người mẹ mong ngóng con gái quay trở lại như lời hẹn. Nhưng chị đợi mãi vẫn không thấy bóng dáng con đâu.

Lo có chuyện chẳng lành, chị xin phép cán bộ cho gọi điện về nhà hỏi thăm tin tức thì nhận được lời giải thích từ chồng: “Bé Hội tháng này bận bịu đi làm quá!”, anh cũng không quên gửi quà thăm nom lên trại cho chị như món quà của con gái hàng tháng.

Đến khi cánh cửa tự do đã mở ra, chị trở về căn nhà nhỏ của mình trong niềm vui đoàn tụ cùng chồng con thì mới ngã quỵ khi nghe hung tin, con gái đã chết một cách thương tâm bởi tai nạn giao thông.

“Lúc ấy, tôi chỉ muốn chết theo con. Tôi còn chưa chăm sóc cho con bé được ngày nào...”, vừa dứt lời, chị Hiệp bật khóc nức nở.

Gạt đi nỗi đau, chị lại cùng chồng lo kiếm tiền trả số nợ đã vay mượn để lo ma chay cho con. Số tiền ít ỏi kẻ gây tai nạn đền bù không đủ xoay sở, vợ chồng chị đành bán luôn căn nhà rồi dọn về sống tạm bợ trong căn gác xép chật chội của nhà nội.

Ba năm đã trôi qua nhưng chưa khi nào, chị Hiệp thôi nhớ thương con gái. Ngày ngày, chị gù lưng trên chiếc xe đạp đi nhặt ve chai kiếm từng đồng bạc lẻ, chồng chị thì làm nghề xe ôm để sống qua ngày. Còn cô con gái út đi phụ quán cà phê.

Mỗi lần đến ngày giỗ Hội, cả nhà phải tằn tiện cả tháng mới đủ làm mâm cơm cúng. Chị gượng cười nói: “Giá như nó còn sống, tôi sẽ làm bất cứ thứ gì để bù đắp cho con. Tôi còn nợ con nhiều lắm!”

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại