'Định tội' con ngựa bất kham gây tai nạn hy hữu ở Tiền Giang

Duy Khoa |

Đang chạy thẳng, con ngựa kéo xe bất ngờ lao ra đường rồi va vào hai vợ chồng cao tuổi đi xe máy ngoài ý muốn. Hậu quả, người chồng tử vong, còn vợ nạn nhân bị thương nặng.

Tai nạn hy hữu

Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) bình luận về vụ tai nạn giao thông hy hữu xe ngựa đâm chết người xảy ra tại xã Thới Sơn (TP Mỹ Tho, Tiền Giang).

 - Ảnh 1

Con ngựa gây ra tai nạn hy hữu.

Theo đó, vụ tai nạn giữa xe ngựa và xe máy này xảy ra vào 16h ngày 29/6 tại ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Theo tin tức từ người dân chứng kiến, thời điểm trên, ông Trần Văn Lân điều khiển xe máy chở vợ là bà Võ Thị Kim Liên (cùng 78 tuổi, ngụ xã Thới Sơn) lưu thông trên đường nhựa liên xã, hướng từ cầu Rạch Miễu về cồn Thới Sơn.

Khi đến khu vực trên, vợ chồng bà Liên gặp xe ngựa do ông Nguyễn Văn Đang (63 tuổi, ngụ xã Phú Lợi, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) điều khiển theo hướng ngược lại.

Bất ngờ con ngựa lao ra giữa đường, va chạm với xe máy của ông Lân, khiến vợ chồng nạn nhân ngã xuống đường.

Dù được người dân đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng vì vết thương quá nặng, ông Lân tử vong sau đó; bà Liên bị thương nguy kịch.

Theo một số người dân chứng kiến vụ tai nạn cho biết, do con ngựa trở chứng nên gây tai nạn và có thể ông Lân bị con ngựa giẫm đạp lên người làm bể bụng dẫn đến thương tích nặng và tử vong.

Người dân ở Cồn Thới Sơn cho biết, xe ngựa ở xã hiện nay rất nhiều, dùng để chở khách du lịch nhưng thời gian gần đây loại xe này lưu thông rất ẩu, rất dễ xảy va chạm với các phương tiện khác trên đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

 - Ảnh 2

Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn.

Trách nhiệm thuộc về con ngựa hay người chủ?

Vụ tai nạn hy hữu xảy ra, nhiều người băn khoăn vậy người điều khiển xe ngựa có thể là chủ thể của tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ hay không.

Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) cho biết, cấu thành cơ bản của tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được Khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự quy định như sau.

Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.

Từ đó, nếu chỉ xét riêng yếu tố về chủ thể, thì phải làm rõ người điều khiển xe ngựa theo quy định của Luật Giao thông đường bộ (Luật Giao thông đường bộ) có phải là người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ hay không.

Phương tiện giao thông đường bộ được luật xác định gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ.

Trong đó, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (gọi tắt là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (gọi tắt là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

Luật cũng quy định: “Người điều khiển phương tiện gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ”.

Như vậy, người điều khiển xe súc vật kéo nói chung, xe ngựa nói riêng là người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Luật sư cũng nhấn mạnh, khi tham gia giao thông, người điều khiển xe ngựa phải tuân thủ một số quy định nhất định. Trước tiên, người điều khiển xe ngựa phải có sức khỏe bảo đảm điều khiển xe an toàn và hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ.

Ngoài ra, người điều khiển xe ngựa phải tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ. Tuân thủ nguyên tắc tránh, vượt, sang đường và đi đúng làn đường quy định.

Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe ngựa phải đi trên làn đường bên phải trong cùng. Nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định và không được đi vào đường cao tốc.

Cụ thể về vụ tai nạn ở Mỹ Tho, xe ngựa đã chạy lấn sang làn ngược chiều, đâm vào xe máy gây tai nạn chết người.

Luật sư cho biết, ở đây, cần chia làm hai trường hợp: Nếu xác định xe ngựa chạy lấn làn là do người điểu khiển ra lệnh cho ngựa thì người điều khiển xe ngựa sẽ phạm tội.

Nhưng nếu do ngựa bất kham, không tuân theo lệnh điều khiển mà tự ý chạy sang làn đường ngược chiều thì người điều khiển xe ngựa không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Vì đây được coi là sự kiện bất ngờ, điều 11 Bộ luật Hình sự quy định.

“Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Sự việc ngựa bất kham, không tuân lệnh điều khiển rõ ràng nằm ngoài ý thức chủ quan của người điều khiển xe ngựa.

Người điều khiển xe ngựa không thể thấy trước được hậu quả ngựa tự ý chạy sẽ gây tai nạn và pháp luật cũng không buộc họ phải thấy trước, lường trước được hậu quả xảy ra.

Do đó, tuy gây hậu quả xảy ra trên thực tế, người điều khiển xe ngựa cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, dù không phải chịu trách nhiệm hình sự, người điều khiển xe ngựa với tư cách là chủ sở hữu xe ngựa hay chỉ là người điều khiển thuê vẫn phải bồi thường cho nạn nhân.

Vì Điều 625 Bộ luật Dân sự (BLDS) tại Khoản 1 và 2 đã quy định.

"Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường".

Căn cứ hướng dẫn tại Điều 610 BLDS và Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, người điều khiển xe ngựa sẽ phải bồi thường cho nạn nhân bị chết các khoản tiền về chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc nạn nhân trước khi chết, gồm.

"Tiền thuê phương tiện đưa người bị thiệt hại đi cấp cứu tại cơ sở y tế; tiền thuốc và tiền mua các thiết bị y tế, chi phí chiếu, chụp X- quang, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm, mổ, truyền máu, vật lý trị liệu... theo chỉ định của bác sỹ; tiền viện phí".

Chi phí hợp lý cho việc mai táng, gồm.

"Các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung (Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ).

Tiền cấp dưỡng cho những người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng. Khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của nạn nhân.

Nếu không có những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, thì người mà nạn nhân trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng nạn nhân được hưởng khoản tiền này.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại