Đếm ngược thời gian chờ ra pháp trường

Quỳnh Trang |

Sau khi bị tuyên án tử hình, các tử tội được đưa vào chốn biệt giam đợi ngày thi hành án.

Trong thời gian chờ “lên đoạn đầu đài”, bên cạnh một số tử tù đã xác định được tội lỗi của mình cũng có nhiều người diễn biến tâm lý rất phức tạp và có hành vi thiếu suy nghĩ. 

Đối với những trường hợp như vậy, người cán bộ quản giáo phải có kinh nghiệm giúp tử tù ổn định tâm lý để không gây ra những sự việc đáng tiếc.

Viết thư xin được xử tử sớm 

Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An hiện có 14 tử tội đang nằm chốn biệt giam chờ ngày ra pháp trường, trong đó có 3 phạm nhân nữ.

Tử tù có thời gian nằm lâu nhất cũng gần 12 năm, phần lớn trong số này là phạm tội buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, giết người, cướp của và hiếp dâm.

Có thâm niên trông coi tử tù từ nhiều năm nay, thượng úy Đậu Vĩnh Thành, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An nắm rất rõ tâm lý của các đối tượng này.

Anh Thành chia sẻ, đối với cán bộ quản giáo ở các khu nhà biệt giam, ngoài những kinh nghiệm vốn có thì cần phải thể hiện tình cảm chân thành để tạo sự thân thiện, giúp họ ổn định tâm lý.

Nhiều tử tù sau khi nhận án tử, bị đưa vào chốn biệt giam chờ ngày thi hành án còn dùng cả vũ lực chống lại quản giáo.

Cũng có những người lại viết đơn xin được thi hành án sớm để bớt bị áp lực với cái chết không biết đến bất cứ lúc nào.

Đó là trường hợp tử tù Nguyễn Văn Thành (SN 1989, trú xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, Nghệ An), kẻ đã gây ra vụ giết người, hiếp dâm và cướp tài sản tại địa bàn huyện Diễn Châu.

Mặc dù đang bị phạt 15 tháng tù treo về tội cướp tài sản, nhưng Thành không biết ăn năn hối cải mà tiếp tục phạm tội với hành động mất nhân tính.

Hai tử tù Nguyễn Trọng Xin, Nguyễn Văn Thành

Tối 30-6-2011, biết cậu mình đi làm ăn ở bên Lào, chỉ còn mợ là chị Phạm Thị H. (SN 1982, trú cùng xã) ở nhà một mình.

Mặc dù biết chị H. đang mang thai, nhưng Thành vẫn lấy cớ vay tiền rồi đến nhà giở trò đồi bại. Khi bị chị H. phản ứng, Thành vẫn cố thực hiện hành vi hiếp dâm rồi ra tay sát hại nạn nhân.

Gây án xong, y bình thản lột đôi bông tai bằng vàng của nạn nhân. Với tội ác mất nhân tính này, Nguyễn Văn Thành bị TAND tỉnh Nghệ An tuyên phạt tử hình ở cả hai cấp xét xử.

Những ngày tháng nằm trong phòng biệt giam chờ thi hành án, qua khe cửa nhỏ, những tia ánh sáng tự do lọt vào buồng giam càng làm cho Thành day dứt với tội ác tày đình và ngày đền tội bất chợt đang cận kề khiến y càng trở nên áp lực.

Chính vì thế, thời gian đầu Thành luôn tỏ ra chống đối, bất hợp tác với cán bộ quản giáo. Nhiều hôm y còn có hành vi dùng vũ lực để uy hiếp cán bộ quản giáo.

Thậm chí, có lúc Thành đã viết thư gửi cho Chủ tịch nước xin được thi hành án sớm để tự giải thoát mình.

Thượng úy Đậu Vĩnh Thành

Để giúp tử tù Nguyễn Văn Thành lấy lại cân bằng, suốt một thời gian dài thượng úy Đậu Vĩnh Thành thường xuyên gặp gỡ, động viên tinh thần.

Lúc tiếp xúc hằng ngày như khoảng thời gian 15 phút mở xiềng làm vệ sinh cá nhân và tập thể dục, thượng úy Thành luôn cố gắng thu hẹp khoảng cách, không để cho Nguyễn Văn Thành có cảm giác bị xa lánh, kỳ thị mà luôn gần gũi nên sớm giúp tử tội này ngoan ngoãn, chấp hành tốt nội quy tại nơi giam giữ, không còn thái độ bất mãn, chống đối như những ngày đầu.

Sau khi được sự động viên, giúp đỡ của quản giáo, cuối tháng 7 vừa qua, Nguyễn Văn Thành đã viết thư với tựa đề “Những lời xin lỗi muộn màng của một tử tù” gửi cho bố mẹ của nạn nhân.

Bức thư có đoạn: “Thưa bác Minh (ông Minh là cha của nạn nhân Phạm Thị H.) cùng đại gia đình bác.

Hôm nay cháu muốn viết lên mấy dòng nói lên lời xin lỗi chân thành từ trong thâm tâm của cháu, gửi đến gia đình bác những lời xin lỗi muộn màng.

Từ khi sự việc xảy ra đến nay, trong thâm tâm cháu luôn thấy hối hận, day dứt, bị ám ảnh về những việc mình đã làm.

Và cháu cũng đã nhận ra việc mình gây ra là sai trái với pháp luật, trái đạo đức luân thường, lương tâm làm người, làm mất hết nhân tính của một con người.

Giờ cháu nhận ra điều đó thì đã quá muộn, trong khi thời gian không thể quay trở lại”.

Nỗi day dứt của “đệ tử” Hợi “chim cú”

Đa số những tử tù đang nằm trong phòng biệt giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An chờ thi hành án đều phạm tội buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Trong số đó có Nguyễn Trọng Xin (SN 1976, trú xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), là “đệ tử” của tên tội phạm ma túy khét tiếng Trần Văn Hợi (tức Hợi “chim cú”, SN 1971, quê xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An).

Xin vốn là một con nghiện ma túy, nhưng quyết tâm đoạn tuyệt với chất độc dược này nên gã đã tìm đường sang Lào.

Những tưởng trên đất nước Triệu Voi, Xin sẽ tự cô lập được mình để cai nghiện, nhưng oái oăm thay gã lại gặp người đồng hương Hợi “chim cú”, một ông trùm ma túy.

Từ một người đi cai nghiện, Xin bị Hợi khuất phục thành kẻ gieo rắc “cái chết trắng”. Với nhiệm vụ vận chuyển ma túy khối lượng lớn từ Lào về Việt Nam, Xin được Hợi trả công mỗi chuyến 15 triệu đồng.

Thấy công việc dễ kiếm tiền, Xin về rủ thêm anh trai là Nguyễn Trọng Hiến (SN 1973) cùng tham gia. Được Hợi tin cậy, có những chuyến hai anh em Xin - Hiến mang 3 tỷ đồng đi “gom hàng”.

Năm 2003, khi đường dây ma túy của Hợi “chim cú” bị triệt phá, Nguyễn Trọng Hiến bị bắt và nhanh chóng nhận tội, riêng Xin bỏ trốn sang Lào suốt 6 năm trời.

Trong một lần Xin lén lút về thăm vợ con thì bị Công an tỉnh Nghệ An mai phục bắt giữ.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, đường dây ma túy của Hợi “chim cú” vận chuyển 5.500 bánh heroin, trong đó Xin - Hiến đã trực tiếp tham gia trót lọt 155 bánh.

Với tội danh trên, Nguyễn Trọng Xin lãnh án tử hình, còn anh trai y Nguyễn Trọng Hiến lãnh án chung thân.

Những ngày tháng nằm ở phòng biệt giam, tử tội này luôn day dứt, ân hận là đã lôi anh trai mình vào con đường buôn bán ma túy để rồi dính vào vòng lao lý.

Trung úy Trần Đình Thế, cán bộ quản giáo trực tiếp coi sóc tử tội Nguyễn Trọng Xin cho biết, mặc dù Xin bị bệnh lao phổi, thường xuyên phải điều trị nhưng được sự chăm sóc, động viên của các quản giáo cùng với việc tuần nào mẹ già và vợ con cũng vào thăm nuôi nên tâm lý của tử tù cũng đỡ căng thẳng hơn những ngày đầu mới vào.

“Phía sau bản án tử hình của những con người đang đếm ngược thời gian chờ ngày đền tội ấy còn có gia đình, người thân. Ở một khía cạnh nào đấy của phận người, họ cũng có những khoảnh khắc tình người trỗi dậy.

Chính vì vậy, nhiệm vụ của những người quản giáo làm công tác trông coi tử tù không đơn thuần chỉ là canh giữ, đảm bảo quyền lợi cho họ mà chúng tôi còn phải tạo nên bầu không khí thân thiện trong giao tiếp, ứng xử hằng ngày, làm thế nào để không tạo áp lực tâm lý căng thẳng cho tử tù” - trung úy Thế chia sẻ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại