Đại gia đình tướng cướp khét tiếng miền Đông - Kỳ 2: Lai lịch tướng cướp Trần Văn Rốp

Long Thiên |

Dân chúng vùng sông nước huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến nay vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện, lúc sinh thời dù là một tiều phu nhưng Mười Rốp là tay “đột vòm” lão luyện.

Kỳ 1: Chuyện chưa kể về đại gia đình tướng cướp khét tiếng miền Đông

Người đặt nền móng đầu tiên là anh tiều phu to con giỏi võ có tên Trần Văn Rốp, không ai nhớ năm sinh, ngày mất nhưng dân chúng thường gọi là Mười Rốp.

Ngay từ hồi sống ở vùng sông nước Thủ Đức- Biên Hòa, Mười Rốp đã thành lập băng đảng, thực hiện những vụ trộm cướp.

Thế nhưng, phần lớn Mười Rốp và toán quân đều nhằm vào gia đình quan chức quyền thế, đồn Tây, tàu buôn… của cải thu được chỉ giữ lại một phần, còn chia hết cho dân nghèo.

Những người con của Mười Rốp ai nấy đều siêng năng, cần cù, làm ăn lương thiện, duy chỉ có cô Hai Tép (tức bà Tám Lũy hiện nay) mê mẩn bên chiếu bạc, tự biến mình thành nữ tướng cướp lúc nào không hay.

Bà Tám Lũy năm nay đã bước vào tuổi 77, nhưng người ta biết đến bà là “nữ tướng cướp miền Đông” hơn là cái tên “cúng cơm” do cha mẹ đặt cho.

Những năm sau giải phóng, bà nổi lên với vai trò chỉ huy, điều hành mọi hoạt động gồm hơn 20 tên cướp là con cháu và những tên “lục lâm thảo khấu” vùng sông nước miền Đông Nam Bộ.

Tám Lũy sinh được 13 người con, nhưng gần như chừng ấy người (cả dâu, rể - PV) đều có tên trong “sổ đen” của CA các cấp. Người con đầu của bà Tám Lũy tức là Hai Cư “lé” từng bị bắt về tội tiêu thụ tài sản phi pháp nhưng nay đã tu chí làm ăn.

Con trai thứ hai là Nguyễn Văn Tùng từng bắn chết một cán bộ CA xã Đại Phước vì dám cản trở việc “làm ăn” của hắn. Tiếp đó, y nổ súng bắn chết hai du kích xã Phú Hữu để giải cứu hai đứa em là Hoàng, Sanh (Khanh) khỏi một vụ trộm cắp.

Năm 1984, Tùng bị bắt, trong lúc bị áp giải về trụ sở CA, tuy tay đã tra còng nhưng hắn đã vùng dậy nhảy xuống đường định tẩu thoát thì bị xe tải phía sau lao tới cán chết tại chỗ. Tùng chết, hai em Sanh, Hoàng nổi lên thay anh dẫn dắt băng cướp.

Bà Tám Lũy chính là con đầu của ông Mười Rốp bây giờ.

Dù là em nhưng Hoàng tỏ ra lấn lướt Sanh, mới 21 tuổi đã cầm đầu một băng cướp có súng AK, cac bin, M16, lựu đạn… gây ra hàng chục vụ cướp trên địa bàn sông nước vùng Nhơn Trạch.

Hắn cũng là kẻ nã đạn vào nhóm dân quân tự vệ làm một người bị thương để tháo chạy trong một vụ cướp bất thành. Năm 1986, Hoàng bị kết án 20 năm tù, y trốn trại nhưng bị bắt vài ngày sau đó.

Ngày 18-1-2006, chấp hành xong hình phạt, gã trở về địa phương trong mác người hoàn lương, sớm hôm cùng bà Tám lũy chăn nuôi lợn gà, chăm sóc điền trang rộng hàng ngàn m2.

Không chỉ hàng xóm của gã bị lừa mà mẹ hắn, cựu tướng cướp Tám Lũy cũng đinh ninh con trai đã “cải tà quy chính”. Bà Tám vui mừng chờ ngày đón con dâu thì đột nhiên Hoàng bị bắt và bị tòa tuyên án tử về tội cướp của giết người.

Trong lúc chờ thi hành án, hắn thắt cổ tự tử, kết thúc cuộc đời của kẻ chuyên gieo rắc tội lỗi.

Trong số em trai Hoàng, đặc biệt nổi lên tên Nguyễn Văn Thâu (SN 1977, tự Thâu “ròm”) nổi tiếng lì lợm. Thâu có tiền sự, năm 1998 y bị đưa đi cưỡng bức 12 tháng tù.

Ra trại, Thâu tiếp tục hành nghề trộm cắp xe máy, CQCA thống kê mỗi đêm y kiếm 2- 3 triệu bạc dễ như trở bàn tay. Tháng 7-1999, hắn cùng Sanh “đá nóng” thành công một chiếc Dream cáu cạnh dựng bên lề đường.

Tuy nhiên, vài tuần sau khổ chủ vô tình phát hiện ra tài sản bị mất, liền bí mật báo cho CQCA tóm gọn cả hai tại một bãi xe ở quận Bình Thạnh (TP HCM). Lần này, Thâu “ròm” lãnh 6 năm bóc lịch.

Thụ án xong, hắn trở lại quê nhà với vẻ mặt lạnh tanh, lầm lì ai nhìn cũng khiếp sợ. Không như Hoàng biết giấu mình, Thâu sống lông bông, ăn chơi trác táng, quan hệ tình cảm bừa bãi, sống như vợ chồng với hàng tá gái bia ôm.

Vùng đất ông Mười Rốp khẩn hoang nay là nơi con cháu sinh sống.

Nói về băng cướp Tám Lũy nếu không nhắc đến đám con gái, dâu rể thì quả là thiếu sót lớn. Trong số này, nổi bật nhất có vợ chồng cô Ba Phấn.

Suốt hành trình trốn nã, những tên cướp lui về rừng ngập mặn Cần Giờ ẩn thân và chiếm luôn một cơ sở nuôi tôm ở vùng Tam Thôn Hiệp làm căn cứ hoạt động.

Nhờ sự giúp đỡ  đặc biệt là vợ chồng Ba Phấn, đám cướp không chỉ nắm rõ tình hình lựa đường hành động, được ăn sung mặc sướng mà tất cả các chiến lợi phẩm thu đều được “hậu phương” rửa tiền một cách ngon lành.

Khi Tùng chết, hắn đã kịp để lại hậu duệ là Nguyễn Văn An.

Vào năm 1999, nghe tin công việc “làm ăn” của anh trai bị đám trai làng làm khó dễ, Sanh kéo theo hai cháu ruột có “số má” là An và Phạm Văn Tèo đi tới quán bida lôi những kẻ dám “vuốt râu hùm” đánh cho một trận “thừa sống thiếu chết”.

Sợ bị bắt, Sanh bỏ trốn, vì còn nhỏ nên An, Tèo bị mời lên CA xã nhưng vì chưa đến tuổi nên chúng chỉ bị phạt hành chính.

Trần Văn Rốp to con, nổi tiếng giỏi võ nghệ và có khí chất nghĩa hiệp của kẻ trượng phu. Thời trai trẻ, Rốp sống bằng nghề chài lưới trên sông, khi lập gia đình ông kiêm thêm nghề đốn củi.

Những năm 1943-1945, nạn đói hoành hành, cả ngày đẫm mình dưới sông kéo lưới, gồng mình chặt củi cũng không kiếm đủ miếng cơm cho cả nhà. Bí thế, Mười Rốp đánh liều lẻn vào các thuyền buôn trộm mấy thứ đồ lặt vặt.

Việc trộm cắp dễ dàng không tốn mấy công sức lại kiếm được nhiều tiền, dần dà ông thành lập hẳn một băng nhóm  trộm cướp chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, Rốp không trộm tài sản của người lương thiện mà chỉ nhằm vào nhà những tham quan, đồn Tây, quan Tây , tàu buôn để hành động… Khi thu được chiến lợi phẩm thì phân phát cho người nghèo.

Năm 1945, Nhật đầu hàng đồng minh, Rốp nhanh chân tóm được ba tên lính Nhật rồi trói gô lại và thu súng ống bỏ hết lên xe bò kéo đi giao nộp cho cách mạng trong sự cổ vũ, reo hò của người dân.

Cũng từ đó, danh tiếng Mười Rốp vượt ra ngoài khu vực, nhân cơ hội Mười Rốp chiếm luôn một số lãnh địa các băng nhóm lân cận mở rộng địa bàn hoạt động.

Tiếng tăm càng lớn thì càng bị để ý, việc chỉ tập trung trộm cướp tài sản của tham quan khiến cho những kẻ quyền thế tức giận, lo lắng, buộc chính quyền thực dân Pháp phải tầm nã ráo riết. Năm 1947, Mười Rốp bị bắt đi tù, băng cướp tan rã.

Bốn năm ngồi tù đã khiến Rốp “cải tà quy chính”, ngay khi mãn hạn ông đốt luôn chiếc chòi, đưa vợ con vượt sông Đồng Nai về vùng Phú Hữu - Nhơn Trạch sinh sống, mong đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi.

Tại đây, vợ chồng con cái Mười Rốp dựng một cái chòi nhỏ ven sông, sắm một chiếc xuồng cũ hành nghề đốn củi, chăng lưới mưu sinh qua ngày.

Gia cảnh nghèo khó cùng cuộc sống tách biệt hẳn với bên ngoài khiến những đứa con lớn lên chẳng biết mặt chữ, bù lại chúng đều là những thanh niên ngoan ngoãn, không ăn chơi đua đòi.

Mấy cô con gái thì theo mẹ chài lưới trên sông, con trai theo cha vào rừng đốn củi đi bán. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng êm đềm yên ả, ước mơ đoạn tuyệt với nghề cướp với Mười Rốp cuối cùng đã trở thành hiện thực.

Kỳ 3: Sự manh động, độc ác của kẻ nối ngôi tướng cướp

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại