Cần xử nghiêm vụ thiếu tá công an gây náo loạn trường học

THÁI BÁ DŨNG |

Nếu làm rõ khẩu súng mà thiếu tá Trần Vũ Khiêm sử dụng gây náo loạn trong trường học là súng quân dụng thì hành vi ông Khiêm có dấu hiệu tội đe dọa giết người.

Ngày 8-3, ông Võ Thanh Hùng - chủ tịch UBND huyện Đức Cơ tỉnh Gia Lai cho biết đã yêu cầu Công an huyện Đức Cơ làm rõ và xử lý nghiêm vụ thiếu tá Trần Vũ Khiêm - trưởng Công an xã Ia Dơk - vào Trường THCS Quang Trung (thị trấn Chư Ty) đánh bị thương bảo vệ, gây náo loạn trường học.

Ông Hùng cho biết hiện công an đang xác minh có hay không việc khi vào trường học ông Khiêm đã dùng súng ngắn đe dọa 
nhiều người.

Nhiều thầy cô giáo Trường Quang Trung thuật lại: khoảng 16g30 ngày 2-3 khi học sinh đang học trong lớp thì thiếu tá Khiêm chạy xe máy đến cổng trường, yêu cầu bảo vệ trường mở cửa để vào lớp 8B tìm gặp cháu Nguyễn Ngọc Quang.

Ông Khiêm nói rằng vì cháu Quang đã gây xích mích với con ông (cùng là học sinh lớp 8 Trường Quang Trung) nên ông đến để “hỏi tội”.

Thấy ông Khiêm đằng đằng sát khí, bảo vệ trường là anh Nguyễn Đức Nam ra can ngăn, đồng thời chạy vào báo cáo với ban giám hiệu.

Lúc này ông Khiêm to tiếng và lao vào xô xát. Ông Khiêm rút một vật mà những người chứng kiến cho là súng ngắn trong người ra gí vào mặt anh Nam và dọa sẽ giết, sau đó dùng vật này táng liên tiếp vào đầu khiến anh Nam ngất xỉu.

Ông Khiêm tiếp tục vào lớp 8B dọa nạt chửi bới các giáo viên và đánh em Nguyễn Ngọc Quang khi em này còn ngồi trên lớp.

“Lúc đó thấy ông Khiêm căng thẳng, cầm súng la hét như thế nên nhiều người hoảng loạn, giáo viên cũng sợ quá không dám vào can ngăn. Nhiều học sinh bỏ chạy tán loạn ra bên ngoài” - một giáo viên kể lại.

Chiều 8-3, anh Nguyễn Đức Nam vẫn còn phải điều trị tại Bệnh viện Hoàng Anh Gia Lai (TP Pleiku) với năm vết khâu trên đầu, anh Nam cho biết sức khỏe vẫn còn yếu, hay choáng váng.

Bà Nguyễn Thị Hồng - hiệu trưởng nhà trường - cho biết công an huyện và các lực lượng chức năng đang tập trung làm việc với các bên để điều tra, làm rõ sự việc.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, thiếu tá Trần Vũ Khiêm nói: “Do tôi bức xúc, có uống chút rượu rồi nóng nảy quá. Thời gian gần đây con tôi đi học về và hay khóc với bố mẹ, cháu nói rằng bị bạn cùng lớp trêu chọc với lý do rất tế nhị.

Chiều 2-3 tôi đến trường như với tư cách của một phụ huynh mang nỗi bức xúc để hỏi chuyện. Lúc đó tôi dùng... hộp quẹt gas có hình giống khẩu súng rồi đánh anh Khiêm mấy cái vào đầu chứ không phải súng, tôi là công an xã nên không có súng”.

Ông Khiêm cho biết sau khi sự việc xảy ra ông cảm thấy rất hối hận và đã đến trường trực tiếp xin lỗi những người liên quan, bản thân ông cũng đã đến thăm hỏi và đưa một khoản tiền để chi phí điều trị ban đầu cho anh 
Nguyễn Đức Nam.

* Ông Thái Duy Hằng (hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, huyện Chư Sê):

Cư xử như thế là phản cảm

Tôi có con gái đang làm giáo viên ở trường nơi xảy ra sự việc. Là người đã từng trải qua nhiều sự việc tương tự, tôi cho rằng cách hành xử như thiếu tá Trần Vũ Khiêm đã thất bại hoàn toàn ở cả hai khía cạnh: làm cha và làm cán bộ công an.

Ông Khiêm là công an nên mọi thái độ cư xử bên ngoài cũng phải khác, hành vi như thế đúng sai thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhưng cư xử như 
thế là phản cảm.

Chúng ta nên cư xử với nhau bằng cách hãy ngồi lại và trò chuyện với con, làm bạn cả với bạn của con để nghe con mình nói những gì, rồi con và bạn giận nhau vì lý do gì để chúng ta khuyên răn, tìm cách tháo gỡ.

Tháo gỡ không được thì chúng ta tìm đến thầy cô giáo, tìm đến nhà trường...

* Bà Nhan Thị Hằng Nga (nguyên phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai):

Không thể vào trường gây náo loạn

Dù bức xúc với lý do gì đi chăng nữa thì cũng không thể có cách hành xử phản cảm như thế. Thứ nhất, nơi xảy ra sự việc là một ngôi trường cấp II, một môi trường mà lẽ ra phải dành những điều tốt đẹp chứ không phải đánh nhau.

Thứ hai nữa ông Khiêm là công an, con của ông Khiêm lại đang theo học ở ngôi trường đó.

Dù bức xúc gì thì cũng có nhiều cách để giải quyết sao cho mang tính giáo dục, vừa tạo điều kiện cho con cái, các cháu ở trường học hành và trưởng thành chứ không thể vào trường rồi làm náo động như thế.

* Thạc sĩ Bùi Văn Vân (chuyên gia tâm lý ĐH Sư phạm Đà Nẵng):

Hiểu con để tìm cách tháo gỡ

Hiện nay môi trường học đường đang tồn tại rất nhiều vấn đề, đặc biệt là các em học sinh đang ở tuổi cấp II, cấp III. Những mâu thuẫn, khúc mắc trong đời sống, trên trường lớp, bè bạn là điều không thể tránh khỏi.

Bởi vậy những người có trách nhiệm, đặc biệt là làm cha mẹ cần phải thật sự làm bạn với con, tìm hiểu tâm tư để biết những điều từ đáy lòng của con để từ đó tìm cách tháo gỡ.

Không nên để con có những nỗi niềm, để con cô đơn trong suy nghĩ rồi dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Cụ thể ở đây là mâu thuẫn với bạn bè rồi không giải quyết được, bố lại đến trường gây mất trật tự.

* Luật sư Tạ Quang Tòng (Đoàn luật sư Đắk Lắk):

Có dấu hiệu 
của hành vi đe dọa giết người

Việc thiếu tá công an không phải đi thi hành nhiệm vụ mà vào trường học và có những lời lẽ dọa nạt như thế là sai hoàn toàn, cơ quan có thẩm quyền cần phải xử lý nghiêm.

Hiện nay cơ quan công an cần phải làm rõ có hay không việc ông Khiêm mang súng vào trường rồi gí vào nhiều người đe nẹt, nếu đúng là súng quân dụng và có đe nẹt, dọa dẫm nhiều người như thế thì rõ ràng ông Khiêm đã có hành vi đe dọa giết người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại