Đột kích “ổ nhóm” tội phạm Trung Quốc trên đất Cảng
Liên quan đến vụ việc bắt giữ hàng chục người nước ngoài có quốc tịch Trung Quốc và Đài Loan thuê căn biệt thự Anh Dũng, địa chỉ tại quận Dương Kinh, Tp. Hải Phòng để tổ chức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, pv đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Hải (65 tuổi) - chủ nhân của ngôi nhà.
Ông Hải cho biết: "Tôi hoàn toàn không biết đến nhóm người nước ngoài này, bởi thực tế tôi thực hiện việc cho thuê nhà với một người khác và được người này cho nhóm người nước ngoài thuê lại. Thời gian thuê bắt đầu từ ngày 26/09/2014, với giá thuê là 8 triệu đồng/tháng, hợp đồng được ký kết với thời hạn 6 tháng một, và thanh toán tiền 3 tháng một lần".
Ngôi nhà được nhóm người nước ngoài sử dụng nằm tại một khu đất vắng vẻ và xa đường quốc lộ
"Khi đến thuê nhà thì họ chủ động lắp đặt các hệ thống điện tử của họ, trong đó có hệ thống camera trong nhà cũng được chính họ lặp đặt. Tôi thì thi thoảng mới về đây một lần, nên nhà cửa chủ yếu là họ quản lý". ông Hải cho biết thêm.
Ông Lê Đức Hải trao đổi với phóng viên
Với tâm trạng lo lắng, chị Vũ Diệu Linh (con dâu của ông Hải) cho biết: "Thực tế thì gia đình tôi không ai biết được mục đích sử dụng ngôi nhà của người thuê, vì khi thỏa thuận thuê nhà với một người phụ nữ tại Thái Bình thì người này nói là thuê cho hai người phụ nữ ở, nghĩ là phụ nữ ở thì gọn gàng và không có gì phải lo ngại, nên gia đình chúng tôi mới đồng ý cho thuê. Đến thời điểm hiện tại, gia đình tôi mới biết được ngôi nhà được sử dụng là nơi cho một nhóm người nước ngoài thực hiện hành vi phi pháp".
Sau khi sự việc xảy ra, chị Linh và người nhà mới đến đây dọn dẹp, toàn bộ máy móc của nhóm người này đã đem đi hết, chỉ còn lại phòng không.
Hàng trăm mét dây cáp được nhóm này sử dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo
Hệ thống camera trước cửa ngôi nhà được nhóm người nước ngoài lặp đặt
Theo quan sát của phóng viên, toàn bộ các phòng của ngôi nhà đều trống không, "tàn dư" còn lại là môt mớ hỗn độn hàng trăm mét dây cáp mạng để bừa bộn trong nhà. "Tạm thời, gia đình tôi không cho thuê ngôi nhà này nữa"- chị Linh chia sẻ
Liên quan đến vụ việc, trước đó Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm Công nghệ cao C50 (Bộ Công an) đã phối hợp với Công an TP Hải Phòng, đột nhập vào một căn biệt thự thuộc phường Anh Dũng (quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng). Kiểm tra có dấu hiệu hoạt động phạm tội, lực lượng chức năng đã bắt giữ 44 đối tượng đang có hành vi gọi điện thoại quốc tế qua mạng Internet.
Trong số đối tượng này có 21 đối tượng là người Trung Quốc, 20 đối tượng người Đài Loan. Ngoài ra, 3 người Việt Nam cũng đã bị bắt giữ. Cùng với đó, lực lượng chức năng đã thu giữ nhiều tang vật gồm một số điện thoại bàn, máy vi tính, sổ sách mà nhóm đối tượng này dùng để thực hiện hành vi phạm tội.
Theo nguồn tin từ lực lượng chức năng, thời gian trước, một nhóm đối tượng người nước ngoài đến địa bàn TP Hải Phòng sinh sống nhưng sau đó lại bỏ đi nơi khác. Quá trình rà soát cho thấy, nhóm đối tượng trên có quốc tịch Trung Quốc và Đài Loan. Họ đến Việt Nam bằng nhiều đường khác nhau. Họ thường thuê những căn biệt thự ở nơi vắng vẻ và ít khi giao tiếp với bên ngoài. Đặc biệt, nhóm người này thuê các đường truyền Internet tốc độ cao và có đặc điểm thường chỉ ở một chỗ trong vòng 3 tháng, sau đó bí mật chuyển chỗ ở khác.
Nghi ngờ đây là nhóm đối tượng lừa đảo, Công an TP Hải Phòng đã rà soát và xác định nhóm đối tượng thuê một ngôi biệt thự tại Lô 34 (khu biệt thự Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) và thuê hai đường truyền Internet tốc độ cao. Trinh sát đã phát hiện các đối tượng thường thực hiện rất nhiều cuộc gọi (giao thức VOIP) gọi đến các số điện thoại cố định và di động ở Trung Quốc. Phối hợp với Công an Trung Quốc, Công an TP Hải Phòng có đủ tài liệu xác định nhóm đối tượng trên có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Trung Quốc.
Hình thức lừa đảo của nhóm người này là lắp đặt các thiết bị điện tử viên thông hiện đại tại 3 điểm thuộc TP. Hải Phòng và giả danh là lực lượng Công an, VKSND Trung Quốc, sau đó gọi điện về nước cho những người là bị hại trong một số vụ án tại nước này và yêu cầu các bị hại nộp tiền vào tài khoản để làm tang chứng của vụ án mà họ liên quan. Khi các bị hại gọi lại để xác minh thì các cuộc gọi sẽ tự động chuyển hướng về hệ thống của nhóm người này.
Qua đó, khi xác minh xong, tin tưởng là người của lực lượng chức năng “chính hiệu”, những người bị hại chuyển tiền vào tài khoản và nhóm này cũng dựa vào đó để chiếm đoạt.
Công an Hải Phòng nhận định đây là tổ chức tội phạm có quy mô lớn, liên kết chặt chẽ, do đó sẽ tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ.