Bồi thường bằng tiền của dân sao đủ sức răn đe?

TÂM LỤA |

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy sau sáu năm thực hiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã giải quyết 204 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền bồi thường là hơn 111 tỉ đồng.

Tuy nhiên, trong số 204 vụ việc thì chỉ có 22 vụ việc cán bộ công chức làm sai đã thực hiện trách nhiệm hoàn trả với số tiền chỉ có 676 triệu đồng.

Nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao tiền bồi thường lên tới 111 tỉ đồng nhưng tiền hoàn trả từ cán bộ, công chức có hành vi sai trái lại chưa tới 1 tỉ đồng?

Tại sao cán bộ, công chức làm sai lại đi lấy tiền thuế của dân để bồi thường cho hành vi sai trái? Tiền hoàn trả thấp như vậy liệu có đủ sức răn đe?

Câu trả lời được ông Nguyễn Văn Bốn, cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước - Bộ Tư pháp, khẳng định: Mức bồi hoàn hiện nay là thấp, chưa có tác dụng răn đe!

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định người thi hành công vụ phải hoàn trả ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Tuy nhiên luật lại có quy định trong hoạt động tố tụng hình sự, người thi hành công vụ có lỗi vô ý thì không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.

Trên thực tế, lĩnh vực tố tụng đã có tới 132 vụ việc do công chức “vô ý” mà Nhà nước phải bồi thường hàng chục tỉ đồng.

Đơn cử như vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) thụ án tù oan 10 năm và đã được tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội bồi thường hơn 7,2 tỉ đồng.

Từ đó, rất nhiều biện pháp đã được đặt ra, đó là phải nâng mức bồi hoàn cho tương xứng với số tiền mà Nhà nước đã bỏ ra bồi thường, xem xét mức độ lỗi, trách nhiệm của công chức trong mỗi vụ việc để buộc họ phải hoàn trả kinh phí cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn như Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc: “Dù có tăng mức hoàn trả cao lên cũng không thể bù được mấy chục tỉ mà Nhà nước đã bỏ ra bồi thường”.

Ông Ngọc đề xuất phải có chế tài về mặt chính trị, buộc dừng công tác, cho đi học bồi dưỡng nghiệp vụ khi cán bộ công chức gây ra oan sai. Biện pháp đó theo ông Ngọc còn “đau hơn, thấm vào đời nhiều hơn việc bị trừ đi mấy tháng lương”.

Đề xuất của ông Ngọc được khá nhiều người đồng tình bởi ngoài sứ mệnh bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại do hành vi sai trái của cán bộ công chức gây nên, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn một ý nghĩa không kém phần quan trọng là nâng cao ý thức trách nhiệm và hiệu quả của cán bộ công chức khi thực thi công vụ.

Nếu không sửa luật, nếu cứ duy trì cơ chế như hiện nay: cán bộ làm sai, lấy tiền thuế của dân để bồi thường cho hành vi sai trái thì đâu có tác dụng răn đe!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại