Liên quan đến vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ngày 30/01/2015 tại xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng đang được dư luận quan tâm, ngày 30/7/2015, TAND tỉnh Cao Bằng đã đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Lãnh Đức Dũng
Bị cáo Dũng, khi gây tai nạn đang là Bí thư Huyện ủy Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Hậu quả khiến 3 người tử vong là anh Vương Văn Tiến (SN 1979, trú tại xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng), bà Nông Thị Điền (SN 1953) và cháu Vương Gia Khang (SN 2014).
Sau phần nghị án, tòa đã tuyên phạt bị cáo Dũng 3 năm tù cho hưởng án treo.
Mức án này dư luận cho rằng quá nhẹ so với hậu quả nghiêm trọng bị cáo gây ra.
Trao đổi với PV, luật sư Trương Quốc Hòe, trưởng Văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, VKSND tỉnh Cao Bằng truy tố bị cáo Dũng theo Khoản 3, Điều 202 BLHS là hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật.
Khoản 3 Điều 202 quy định: "Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm".
Theo luật sư Hòe nếu như đúng các thông tin mà công luận đưa tin về vụ án, Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm nhận thấy bị cáo Dũng có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
Cụ thể: bị cáo Dũng là người có công với nước, được nhiều khen thưởng của Đảng và Nhà nước, được gia đình bị hại xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra bản thân bị cáo Dũng đã có trách nhiệm khắc phục hậu quả cho gia đình bị hại với tổng số tiền 920 triệu đồng, tích cực khắc phục hậu quả, lo mai táng phí.
Cũng theo luật sư Hòe, trong quá trình xét xử, HĐXX đã xem xét toàn diện vụ án và áp dụng các nguyên tắc theo hướng có lợi nhất cho bị cáo thông qua việc áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để ra quyết định xử phạt.
“HĐXX đã áp dụng Điều 47 BLHS, bị cáo Dũng chỉ cần “có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 của Bộ luật này.
Tòa án cũng có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật.
Vì vậy, với hai tình tiết giảm nhẹ này bị cáo Dũng sẽ được xem xét để giảm khung hình phạt theo Điều 47 BLHS.
Từ đó xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo theo Khoản 2 Điều 202 BLHS, trong đó mức hình phạt thấp nhất của khung này là 3 năm tù, quyết định này theo đúng quy định pháp luật”, luật sư Hòe nói.
Trước đó, sáng ngày 30/01/2015, ông Lãnh Đức Dũng điều khiển chiếc ô tô Ford Everest BKS 11A-018.34, đang lưu thông trên đường bất ngờ gặp một khúc cua có đống đá bên phải đường nên ông Dũng đánh tay lái xe ô tô qua bên trái để tránh chướng ngại vật.
Vì vậy buộc ông Dũng phải tránh sang làn đường bên trái. Đúng lúc này, xe gắn máy BKS 11S1-007.68 do ông Tiến điều khiển chở bà Điền và cháu Khang đi theo chiều ngược lại khiến ông Dũng không kịp xử lý, tông thẳng vào xe của ông Tiến.
Hậu quả là ông Tiến, bà Điền và cháu Khang tử vong.
Với những tình tiết và hậu quả nêu trên, hành vi của Dũng đã cấu thành tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại Khoản 3, Điều 202 Bộ luật Hình sự (theo bản Kết luận điều tra và Cáo trạng).
Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.