Án oan 10 năm: Chống ép cung, nhục hình bằng…phim Mỹ

Bùi Hải |

(Soha.vn) - Vụ án oan 10 năm đã vang vọng trên diễn đàn Quốc hội bằng cách này hay cách khác, mặc cho một số người nào đó không hề thích.

Thậm chí, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đã dẫn ra một truyện ngụ ngôn thời hiện đại để đẩy vấn đề đến đỉnh điểm. Ông Thuyền đặt câu hỏi: Bao giờ thì mới hết chuyện Thỏ bị tuyên án là Gấu?

Truyện ngụ ngôn hiện đại ấy được lan truyền trên mạng xã hội ngay sau khi vụ án oan 10 năm của ông Chấn được phanh phui.

Truyện rằng có cuộc thi truy tìm một con thỏ được thả vào rừng. Trong khi cảnh sát Anh, Mỹ dùng tất cả các biện pháp nghiệp vụ siêu đẳng, thậm chí đốt trụi cả cánh rừng nhưng tung tích chú thỏ vẫn biệt tăm.

Chỉ đến khi cảnh sát “nước X” vào cuộc thì mới có kết quả mỹ mãn. Nhà chức trách còng tay dẫn từ rừng ra một chú Gấu bị đánh đập tơi tả, miệng chú Gấu đó không ngớt van xin: “Em xin các anh đừng đánh em nữa, em chính là Thỏ đây!”

Đáp lại những chất vấn của ĐBQH, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình chốt lại: “Việc có phát hiện ép cung hay không là rất khó”.

Quả là khó thật. Tìm lại chứng cứ 10 năm đã khó, nhưng cái khó hơn vạn lần là nhiệm vụ tìm ra bằng chứng ấy lại được giao vào tay những người đã góp phần đưa dân vô tội vào vòng lao lý.

Vì quá khó, nên chiếc camera đột nhiên được coi như vị cứu tinh. Một trong những giải pháp khiến dư luận hân hoan cao độ là sáng kiến đưa chiếc camera vào phòng giam, phòng hỏi cung, để ngăn chặn các điều tra viên “ép Gấu thành Thỏ”.

Trong niềm hân hoan sáng kiến ấy, người ta quên rằng, camera là một vật vô tri nên việc lừa nó dễ hơn nhiều việc lừa một đứa trẻ.

Những con Gấu rất có thể vẫn tiếp tục bị còng tay và đánh đập tơi tả cho đến khi nó chịu ngồi trước camera và khai nhận “em là Thỏ”. Cũng trong tình trạng chú Gấu, khi thực nghiệm hiện trường, ông Chấn đã phải thuần thục diễn lại cảnh mình giết người trước hàng trăm cặp “camera mắt” của người dân mà không dám tố mình bị ép uổng.

Vì vậy, từ chỗ dùng để ngăn chặn điều tra viên phạm tội, chiếc camera có thể trở thành đồng phạm của tội ác.

Cho nên, muốn ngăn chặn ép cung, nhục hình, cần phải có thêm những chiếc “camera sống” khác.

Người Việt có thể không học được chiêu thức của cảnh sát Mỹ trong việc truy tìm con Thỏ tội nghiệp trong rừng, nhưng lại có thể học giải pháp từ… phim Mỹ.

Trong mỗi bộ phim Mỹ, khi một nghi phạm tra tay vào còng, câu đầu tiên mà anh ta nói một cách không sợ sệt với cảnh sát là: “Tôi sẽ không nói gì cho đến khi có luật sư riêng”. Luật sư, trong trường hợp này, chính là chiếc “camera sống” giúp ngăn ngừa tội ác trong phòng hỏi cung.

Câu nói quen thuộc và tối thiểu ấy, đương nhiên chưa xuất hiện trong các phim made in Vietnam, vì vậy càng khó xuất hiện trong đời thực.

Cho nên có luật sư đã phải ngửa mặt lên trời than rằng: Dù có quyền theo luật định, nhưng nhiều khi xin được tiếp cận với bị can và hồ sơ vụ án, khó như leo Himalaya. Những lúc ấy, luật sư phải van vỉ, xin xỏ công an, kiểm sát, tòa án như kẻ ăn mày.

Tất nhiên khi nói câu ấy, các luật sư đều hiểu: Ăn mày ở Việt Nam cũng khác hoàn toàn với ăn mày ở Mỹ.

LTS: Mời Quý độc giả bình luận, phản hồi về vấn đề này. Xin gõ ý kiến vào ô Viết bình luận cuối bài báo. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại