Trong dấu hiệu mới nhất cho thấy nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Macron với Nga, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly sẽ có cuộc gặp với hai người đồng cấp Nga ở thủ đô Moscow. Đây là lần đầu tiên hai nước Nga và Pháp có cuộc gặp theo hình thức "2+2" kể từ khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Nga đã tạo ra một không khí không khác gì thời Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây. Phương Tây không chỉ tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga mà còn tiến hành tẩy chay Moscow trong các hoạt động chính trị, ngoại giao. Những bước đi của phương Tây chỉ khiến Nga thêm cứng rắn, khiến cuộc khủng hoảng giữa Moscow và phương Tây thêm phần trầm trọng.
Tuy nhiên, Tổng thống Macron đang có nhiều bước đi hòa dịu và cởi mở hơn với người đồng cấp Nga Putin. Nhà lãnh đạo nước Pháp đã mời người đồng cấp Putin đến khu nghỉ dưỡng mùa hè của ông này trước thềm hồi nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng trước.
Sau cuộc gặp gỡ trên, ông Macron đã nói với các đoàn ngoại giao rằng, đã đến lúc hai bên bỏ qua “những hiểu lầm” và “suy nghĩ lại về mối quan hệ của chúng ta với Nga”.
Ở thủ đô Moscow, giới chức Pháp sẽ khai thác “con đường hợp tác” trong một loạt vấn đề chiến lược được chú ý, đặc biệt là cuộc khủng hoảng Ukraine, và cả vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran cũng như cuộc chay đua vũ trang giữa Nga và Mỹ hiện tại, một quan chức trong nội các của Pháp cho hay.
Đây sẽ là lần đầu tiên Tổng thống Macron nỗ lực thực hiện vai trò trung gian trong việc giải quyết những xung đột nóng nhất của thế giới.
"Các điều kiện đang khá thuận lợi đối với ông Emmanuel Macron. Ông này đang đảm nhiệm chức Chủ tịch G7 và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu. Đức không còn đóng vai trò tích cực trong những vấn đề này trong khi London đang tê liệt vì vụ Brexit”, bà Tatiana Kastoueva-Jean thuộc Viện Quan hệ Quốc tế của Pháp (IFRI) nhận định. Theo nữ chuyên gia này, “ông Macron trên thực tế đang là nhà lãnh đạo của Châu Âu và có thể hợp pháp đại diện cho tiếng nói của phương Tây”.
Không thể đoán trước được liệu những nỗ lực của ông Macron có giúp Nga và phương Tây tháo gỡ mâu thuẫn và tiến lại gần nhau hay không. Tuy nhiên, tương lai không mấy sáng sủa bởi hiện tại, một số nước như Anh và Mỹ tỏ ra không mấy mặn mà với việc nối lại quan hệ với Nga. Anh vẫn khăng khăng đổ lỗi cho Nga về việc thực hiện vụ đầu độc một cựu điệp viên hai mang trên đất Anh vì thế London không muốn nhượng bộ với Moscow.
Trong khi đó, Mỹ tỏ ra hờ hững với nỗ lực của Pháp. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi cuối tuần vừa rồi đã nói với người đồng cấp Pháp Florence Parly rằng, “sẽ rất tuyệt nếu chúng ta có thể khiến Nga cư xử như một quốc gia bình thường hơn. Nhưng các bạn không thể bỏ qua những việc xảy ra trong nhiều năm qua khi Nga xâm lược Gruzia, sáp nhập Crimea và hiện giờ đang chiếm đóng một số phần của Ukraine đồng thời đe dọa các quốc gia Baltic”.
Việc Pháp thúc đẩy đối thoại với Moscow mà “không có nguyên tắc hay điều kiện tiên quyết nào thì điều đó đồng nghĩa với việc dung túng cho những lợi ích bất hợp pháp của Nga”, hai nhà phân tích James Nixey và Mathieu Boulegue thuộc tổ chức tư vấn Chatham House của Anh đã nhận định gay gắt như vậy.
Tuy nhiên, ông Andrei Kortunov – Chủ tịch Hội đồng Các vấn đề Quốc tế của Nga, cho rằng, Tổng thống Macron và Tổng thống Putin cần nhau nếu muốn thúc đẩy giải quyết các vấn đề quan trọng nhất của mỗi bên. “Và hiện tại, Tổng thống Macron là nhà trung gian tốt nhất giữa Nga và G7".