Pháp-Đức gia tăng bất đồng tại Thượng đỉnh Liên minh châu Âu

Quang Dũng |

Ngày làm việc đầu tiên của Thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels kết thúc trong đêm 20/10 với việc các nước châu Âu vẫn tranh cãi về việc áp giá trần khí đốt, trong đó Pháp-Đức ngày càng thể hiện các bất đồng công khai.

Lãnh đạo Đức và Pháp. Ảnh: Le Monde.

Lãnh đạo Đức và Pháp. Ảnh: Le Monde.

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên của Thượng đỉnh EU sau 11 tiếng thảo luận đến tận rạng sáng ngày 21/10, nguyên thủ các nước EU vẫn chưa thể đưa ra một quyết định thống nhất liên quan đến các chính sách khẩn cấp nhằm hạ nhiệt giá năng lượng đang tiếp tục tăng cao tại châu Âu, trong đó biện pháp trọng tâm là việc áp giá trần khí đốt.

Một nhóm nước, đứng đầu là Pháp, tích cực vận động Liên minh châu Âu áp dụng một cơ chế được gọi là “cơ chế Iberia”, tức mô hình áp giá trần đối với khí đốt được dùng để sản xuất điện mà hai quốc gia ở bán đảo Iberia là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang triển khai.

Tuy nhiên, một số nước khác như Italy, Hy Lạp, Bỉ hay Ba Lan lại muốn áp trần đối với giá bán buôn khí đốt, trong khi một số nước khác như Hà Lan, và đặc biệt là Đức, lại không muốn thảo luận về việc áp giá trần khí đốt, với lập luận rằng một biện pháp như thế sẽ chỉ khiến các nhà cung cấp khí đốt bỏ rơi châu Âu để bán giá cao hơn cho các nước khác, đồng thời người tiêu dùng châu Âu cũng sẽ không có áp lực phải tiết kiệm việc sử dụng năng lượng.

Cuối cùng, một số nước thành viên ở Trung và Đông Âu, nổi bật là Hungary, tiếp tục phản đối toàn bộ ý tưởng áp giá trần khí đốt do các nước này vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào khí đốt từ Nga và lo ngại sẽ bị Nga cắt toàn bộ nguồn cung nếu châu Âu áp giá trần với khí đốt của Nga.

Mâu thuẫn công khai giữa nước thành viên khiến ngày họp Thượng đỉnh đầu tiên của EU kết thúc với một tuyên bố chung rất mơ hồ, rằng “Ủy ban châu Âu được yêu cầu sẽ tiếp tục nghiên cứu tất cả mọi biện pháp khẩn cấp khác” nhằm hạ nhiệt giá năng lượng và các lãnh đạo EU sẽ tiếp tục thảo luận về các biện pháp cụ thể vào cuối tháng 10/2022 hoặc đầu tháng 11/2022.

Giới quan sát tại châu Âu nhận định, việc Thượng đỉnh EU không thể đưa ra bất kỳ biện pháp cụ thể nào để kiềm chế giá năng lượng một mặt cho thấy cuộc khủng hoảng về nguồn cung và giá năng lượng hiện nay tại châu Âu quá phức tạp, do mỗi quốc gia có các cấu trúc năng lượng và lợi ích khác nhau nên gần như không thể có một biện pháp chung cho tất cả. Mặt khác, đáng chú ý hơn, đó là cuộc khủng hoảng hiện nay đang khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Pháp và Đức, hai quốc gia đầu tàu của Liên minh châu Âu.

Mặc dù cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đều cố gắng giảm nhẹ mâu thuẫn này trong cuộc gặp song phương trước khi Thượng đỉnh diễn ra nhưng các diễn biến tại Hội nghị cho thấy, hai quốc gia trụ cột của EU đang hành động theo các ưu tiên khác nhau. Giới ngoại giao châu Âu cho rằng, chính quyền Pháp đang tức giận trước việc chính phủ Đức của Thủ tướng Olaf Scholz đơn phương hành động vì lợi ích của Đức mà không tham khảo các đồng minh châu Âu, như việc tung ra gói bảo vệ tài chính lên tới 200 tỷ euro để trợ giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình Đức trước khủng hoảng năng lượng .

Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai chỉ trích hành động của Đức và cho rằng điều này sẽ làm tổn hại đến sự thống nhất và thị trường chung châu Âu, tạo sự cạnh tranh bất bình đẳng, do hầu hết các nước EU khác không có đủ nguồn lực tài chính để hành động như nước Đức. Tuy nhiên, trước khi bước vào Thượng đỉnh EU, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đáp trả các cáo buộc này bằng lập luận rằng nước Đức chỉ đang hành động giống các chính phủ khác tại châu Âu và Đức luôn thể hiện sự đoàn kết với EU khi đóng góp đến 26% ngân sách hàng năm cho EU.

“Nước Đức, giống như nhiều nước khác, chỉ đang hỗ trợ cho các công dân của mình bằng một lá chắn tài chính mà chúng tôi dự kiến sẽ được Nghị viện thông qua trong tuần này. Với lá chắn này chúng tôi sẽ có khả năng hỗ trợ việc chi trả hoá đơn điện và khí đốt cho các công dân Đức trong năm nay và các năm sau đó. Nếu nhìn toàn cảnh thì đó cũng chính xác là những gì mà các chính phủ Pháp, Italy hay Tây Ban Nha đang thực hiện”.

Ngoài bất đồng trong các chủ đề chung của châu Âu, giới quan sát cho rằng quan hệ Pháp-Đức còn đang rạn nứt lớn trong các vấn đề song phương. Một ngày trước Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels, Pháp-Đức đã thông báo huỷ cuộc họp Hội đồng chung Pháp-Đức dự kiến diễn ra vào tuần tới tại lâu đài Fontainebleau ở Pháp và lùi cuộc họp cấp cao giữa chính phủ hai nước đến tháng 01/2023.

Giới nghiên cứu tại Pháp đánh giá, Pháp-Đức đang bất đồng về việc trợ giúp vũ khí cho Ukraine, khi Đức muốn mua các hệ thống phòng không của Mỹ để cung cấp cho Ukraine thay vì các hệ thống của châu Âu. Pháp cũng không ủng hộ kế hoạch của Đức và Tây Ban Nha xây đường ống dẫn khí đốt Midcat chạy qua Pháp để vận chuyển khí đốt từ bán đảo Iberia sang Đức và Trung Âu. Ngoài ra, việc Đức tiến hành tái vũ trang với khoản ngân sách đặc biệt 100 tỷ euro sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra cũng khiến cán cân quan hệ Pháp-Đức bị tác động mạnh khi tương lai của các dự án quốc phòng chung của hai nước bị đặt dấu hỏi./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại