Ngày 20/3 (giờ Paris), tại hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Pháp Francois Hollande xác nhận sẽ cử tàu tuần dương Jeanne d'Arc (R97) đến biển Đông tham gia huấn luyện quân sự với Anh-Mỹ-Nhật trong những tháng tới.
Cụ thể, vào cuối tháng 4, hạm đội tàu Pháp sẽ tới thăm Nhật Bản trước khi tham gia cuộc diễn tập quân sự trên. Tổng thống Pháp nhấn mạnh, Nhật-Pháp sẽ tăng cường triển khai hợp tác, giúp việc triển khai chung của lực lượng hai nước trở nên dễ dàng hơn.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên hải quân Pháp tham gia diễn tập quân sự với quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tháng 5/2015, hải quân Pháp-Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản từng tổ chức diễn tập hải quân chung trong ba ngày ở ngoài khơi bờ biển phía Tây đảo Kyushu, Nhật Bản. Đây cũng là lần diễn tập đầu tiên giữa ba nước tại vùng biển Nhật Bản.
Trước đó, tháng 5/2015, tàu hộ vệ FS Guepratte của hải quân Pháp cũng đã tham gia hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông cùng nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ.
Tàu hộ vệ FS Guepratte của Pháp tham gia hoạt động trên biển Đông cùng nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ. Ảnh: Thời báo Hoàn cầu
Theo giới quan sát, động thái này của Pháp có thể xuất phát từ hai nguyên nhân.
Thứ nhất, một số quần đảo, lãnh thổ phụ thuộc Pháp như Polynesia, New Caledonia, Wallis và Futuna nằm tại khu vực Nam Thái Bình Dương. Cử tàu tuần dương tới Thái Bình Dương chính nhằm nâng cao sức ảnh hưởng của Paris tại khu vực này.
Thứ hai, Pháp hiện đang là nhà cung cấp thiết bị quốc phòng lớn của một số nước châu Á nên đưa tàu tới biển Đông cũng có thể coi là một lần "trình diễn" trang thiết bị quân sự của Pháp.
Một số ý kiến cho rằng, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức lên nhậm chức, chiến lược quân sự tại khu vực châu Á Thái Bình Dương vẫn chưa rõ ràng nhưng ảnh hưởng của Washington tại biển Đông sẽ không suy yếu.
Tháng 7 tới, lực lượng hải quân Mỹ cũng sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân chung có tên Malabar với Ấn Độ và Nhật Bản trên Ấn Độ Dương. Tháng 4 này, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ công du Nhật, Australia và Indonesia, đặc biệt Indonesia còn từng kêu gọi hải quân Australia tham gia tuần tra chung trên biển Đông.
Theo luồng ý kiến này, những động thái trên cho thấy, Washington đã có những bước đi đầu tiên trong chiến lược quân sự tại châu Á Thái Bình Dương nên Pháp "nhân cơ hội, lựa chọn đứng chung với Mỹ, Nhật".
Trước động thái của Pháp, trang tin Haijiangzx thuộc Hội thúc đẩy giao lưu văn hóa Hải Nam (Trung Quốc) lo lắng cho rằng, có thể một tổ chức liên quân tám nước mới sẽ xuất hiện tại khu vực này.
Cụ thể, trang tin của Hải Nam nhận định, do hồi cuối năm 2016, Trung Quốc đưa tàu sân bay Liêu Ninh tới Thái Bình Dương tiến hành tập trận quân sự nên Nhật-Pháp sẽ tăng cường hợp tác trên lĩnh vực an ninh.
"Cùng với đó, một "liên quân tám nước" (ngoài Nhật - Pháp còn bao gồm Mỹ - nước nhiều lần tuần tra ở biển Đông, Australia, Anh, Indonesia - những nước tán thành tham gia tuần tra biển Đông, Singapore - nước tỏ ý sẵn sàng hành động ở biển Đông và Ấn Độ - nước do dự) nhằm ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc đang hình thành", Haijiangzx viết.
Trang tin này nhận định, Tổng thống Trump chưa có chính sách rõ ràng với châu Á Thái Bình Dương nhưng tuyên bố chính sách tái cân bằng châu Á của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obam đã bị "khai tử" mới đây của Quyền trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Susan Thornton đã khiến bộ phận các nước châu Á lo lắng.
Theo đó, nếu Mỹ giảm bớt ảnh hưởng tại khu vực này, Nhật Bản rất có thể sẽ tích cực gánh vác nhiều trách nhiệm hơn trong chiến lược tái cân bằng châu Á, nhưng do "sức mạnh hải quân và ảnh hưởng chính trị chưa đủ mạnh" để đối đầu Trung Quốc nên Nhật Bản đặt mục tiêu bắt tay với quốc gia khác, tạo thành liên quân tám nước mới, báo Trung Quốc nhận định.