Pháp thúc giục EU tuần tra biển Đông
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 5/6, Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Liên minh châu Âu (EU) phản đối bất kỳ hành động nào đe dọa tự do hàng hải trên biển Đông.
Cũng theo ông Le Drian, trong tương lai gần EU sẽ tổ chức lực lượng hải quân các nước thành viên tham gia gìn giữ tự do hàng hải ở khu vực này.
Ông chỉ ra rằng tự do hàng hải ở biển Đông đi kèm với nhiều lợi ích kinh tế của EU và kêu gọi EU điều tàu chiến định kỳ gìn giữ an ninh trên biển, cũng như thúc giục các nước trong khu vực đối thoại giải quyết mâu thuẫn.
Bộ trưởng quốc phòng Pháp được cho là đã cảnh cáo không đích danh Trung Quốc "cần phải thận trọng trong phát ngôn và hành động".
Trong bài phân tích trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 12/6, hai chuyên gia Vương Anh Lương và Uông Tù thuộc Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) cho biết, trên thực tế từ hôm 3/5, tàu hộ vệ FS Guepratte của hải quân Pháp đã tham gia hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông cùng nhóm tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ.
Bộ trưởng Le Drian cho biết, kể từ đầu năm 2016 Pháp đã tham gia 3 hoạt động tự do hàng hải trên biển Đông.
Việc thêm một quốc gia ngoài khu vực và là đồng minh của Mỹ tuyên bố can thiệp vào tình hình biển Đông khiến giới phân tích Trung Quốc hết sức quan tâm.
Tàu FS Guepratte của Pháp đồng hành cùng tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ trên biển Đông hồi tháng 5. (Ảnh: Huanqiu)
Pháp "tái thiết" hình ảnh cường quốc
Theo hai nhà nghiên cứu Vương, Uông, mục tiêu của Paris là xây dựng lại hình ảnh nước lớn, thay đổi ấn tượng quen thuộc về một "đầu cầu của chủ nghĩa chống Mỹ tại châu Âu".
Can thiệp vào vấn đề biển Đông là tín hiệu cho thấy chính quyền của Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có sự điều chỉnh về chính sách Đông Á.
Kể từ thập niên 1990, Paris bắt đầu tỏ thái độ đối lập với "chủ nghĩa hành động đơn phương" của Mỹ.
Trong các lĩnh vực chống khủng bố, khủng hoảng di cư châu Âu, trừng phạt Nga, phát triển quan hệ với Nga hay vấn đề quốc phòng châu Âu, giữa Pháp và Mỹ tồn tại nhiều bất hòa.
Các chuyên gia Trung Quốc đánh giá, tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Pháp tại Shangri-La cho thấy nước này sẽ tích cực hiện diện ở biển Đông và kêu gọi EU đồng hành cùng Washington trong vấn đề này.
"Trong chính sách biển Đông, Pháp đã khởi động phương án chọn phe rõ ràng," Vương và Uông bình luận.
Tích lũy kinh nghiệm để tiến vào Bắc Băng Dương, Địa Trung Hải
Vương Lương Anh và Uông Tù nhận định, biển Đông là cơ hội để Pháp tích lũy kinh nghiệm xử lý các vấn đề trên biển, tạo tiền đề cùng kinh nghiệm tích lũy để nước này giải quyết các mâu thuẫn ở Địa Trung Hải và Bắc Băng Dương.
Bắc Băng Dương từ trước đến nay được Nga xem là "địa bàn". Những năm gần đây, quân đội Nga đã tăng cường khí tài ở đây, đồng thời thiết lập lực lượng chuyên biệt để đối phó các sự cố.
Trong khi Nga "cố thủ" phần lớn tuyến hàng hải Bắc Cực, Pháp muốn đạt mục tiêu duy trì vị thế quốc tế thì buộc phải bảo đảm sự hiện diện ở "điểm tựa chiến lược quan trọng của thế giới" này.
Đồng thời, sự xuất hiện với tần suất dày hơn của tàu chiến Nga trên Địa Trung Hải và cuộc khủng hoảng di cư châu Âu thúc đẩy chính phủ Pháp đánh giá lại tầm quan trọng của vùng biển này đối với an ninh châu Âu.
Các học giả Trung Quốc nhận định, biển Đông là khu vực tồn tại một số mâu thuẫn mang nhiều đặc điểm tổng hợp của các vấn đề ở Địa Trung Hải lẫn Bắc Băng Dương.
Pháp tuyên bố lập trường về biển Đông vào thời điểm này "chắc chắn sẽ khiến tình hình khu vực bị phức tạp hóa", "làm leo thang căng thẳng và thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề biển Đông" - Vương, Uông đánh giá.
Tàu tuần dương USS Mobile của Mỹ tổ chức huấn luyện ở biển Đông. (Ảnh: Huanqiu)
Mô hình kiềm chế Trung Quốc kiểu mới
Bài viết trên Hoàn Cầu chỉ trích Mỹ có ý định xây dựng một "bản đồ lớn" nhằm vào Trung Quốc và cáo buộc Lầu Năm Góc đề ra "chiến lược kiềm chế lần thứ ba" vào năm 2014 để "bao vây" Bắc Kinh về chính trị, kinh tế, quân sự và không gian mạng.
Theo Hoàn Cầu, việc Pháp lên tiếng là dấu hiệu Mỹ nhận thấy sự hạn chế khi "đơn thương độc mã" đối đầu Trung Quốc ở biển Đông.
Theo đó, sự can thiệp của NATO nếu trở thành sự thực, cùng với sự ủng hộ từ Nhật Bản đối với ASEAN, thêm vào đó là "quan hệ đặc thù" đã hình thành giữa Mỹ với Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines... sẽ hình thành một mạng lưới liên kết đối đầu với Trung Quốc.
Cục diện này hình thành sẽ bù đắp được sức mạnh quân sự còn thiếu để lực lượng của Mỹ đóng tại Afghanistan đe dọa Trung Quốc từ phía Tây.
"Việc quy tụ sức mạnh của NATO, trước mắt là hai thành viên sáng lập (Pháp-Mỹ), ở biển Đông cũng mở ra mô hình kiềm chế Trung Quốc kiểu mới," bài báo kết luận.