Afrin, một vùng đất nhỏ ở miền bắc Syria, đang trở thành tâm điểm cho mâu thuẫn ở Trung Đông.
Trong những ngày qua, truyền thông quốc tế đã ghi nhận cuộc đổ bộ của hàng loạt binh sĩ, xe tăng, pháo tự hành và xe thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ tiến về phía khu vực biên giới Syria. Lực lượng người Kurd tại đây cũng gấp rút chuẩn bị, sẵn sàng cho cuộc chạm trán đang được "đếm ngược" từng ngày.
Theo RT phân tích, trận chiến ở Afrin tuy nhỏ, nhưng sẽ "đổ thêm dầu vào lửa" vào mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, Mỹ sẽ không thoát khỏi "cái kết đắng" khi bắt tay với các phe chống đối lẫn nhau tại Syria và những khu vực khác.
Quân đội người Kurd trong chiến dịch chống IS. Ảnh: Reuters
Mỹ giữa 2 lựa chọn
Mỹ tỏ ra khá "mập mờ" trong mối quan hệ với người Kurd. Một mặt, Mỹ đào tạo và tài trợ cho lực lượng YPG, mặt khác lại khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ có quyền tuyên chiến với nhóm người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi là "phe khủng bố".
Mới đây, khi biết tin Mỹ sắp cho ra đời Lực lượng Biên giới Syria (SBF) gồm 30.000 lính Kurd bố trí dọc biên giới Syria, ông Erdogan đã cam kết sẽ "nhấn chìm phe khủng bố trước khi nhóm này ra đời."
Cùng lúc, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi NATO phải ra tay ngăn chặn sự hình thành của lực lượng nói trên.
Với thái độ cứng rắn, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson rằng nước đi của Mỹ "sẽ đe dọa quan hệ song phương tới mức không thể cứu vãn được."
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ được vận chuyển tới biên giới với Syria. Nguồn: RT
Làn sóng phản đối Mỹ đang dần hình thành. Nhiều chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn kêu gọi cấm Không quân Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik cho tới khi Lầu Năm Góc cắt đứt quan hệ với người Kurd ở Syria.
Ông Dogu Perincek, thủ lĩnh đảng Cánh tả Vatan, cho rằng đã tới lúc trục xuất lính Mỹ khỏi căn cứ Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ, thành lập liên minh Thổ - Nga - Iran để "ngăn cản bước tiến của Mỹ."
Trong khi đó, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục đưa tin về sự hiện diện của Mỹ tại Syria, cho rằng Tổng thống Trump đang mở ra một trận Chiến tranh Lạnh mới trên chính trường Trung Đông.
Hôm thứ Tư (17/1), Lầu Năm Góc cho rằng thông tin về 30.000 lính Kurd không nên bị nhìn nhận gay gắt như vậy.
"Mỹ tiếp tục đào tạo lực lượng an ninh địa phương ở Syria và Mỹ nhận thức rất rõ ràng mối lo ngại an ninh biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh quan trọng trong NATO và liên quân chống IS của Washington."
Nga im lặng, Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng
Afrin nằm khá gần căn cứ Không quân Khmeimim của Nga. Căn cứ này được bảo vệ bởi hệ thống phòng không S-400 phức tạp, nằm cạnh tỉnh Idlib, trong đó có khu vực Afrin.
Tuy nhiên, theo ông Igor Korotchenko, chuyên gia quân sự Nga, hệ thống phòng không S-400 được sử dụng để bảo vệ căn cứ khỏi bị kẻ thù tấn công, chứ không phải được dùng để bảo vệ các khu vực ở Syria.
"Nếu chuyện xảy ra ở không phận của Syria, thì đó là trách nhiệm của không quân Syria, không phải của Nga," ông Korotchenko nhận định.
Hệ thống phòng thủ tại căn cứ Không quân Khmeimim, Nga.
Moskva vẫn thường xuyên theo dõi hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria, luôn thúc giục các bên đoàn kết dân tộc, lãnh thổ. Bên cạnh đó, Ankara nên cập nhật thông tin quân sự cho Nga để tránh những tai nạn đáng tiếc.
Những ngày gần đây, Nga tỏ ra khá im lặng trước kế hoạch tấn công Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ duy nhất hôm thứ Hai (15/1), Ngoại trưởng Sergey Lavrov lên tiếng cho rằng người Kurd cũng là một phần của Syria, và chính quyền Syria nên "quan tâm tới quyền lợi của người Kurd".
Chiếm Afrin không phải dễ dàng
Không ai biết chính xác Ankara sẽ tấn công Afrin như thế nào, nhưng có khả năng cao quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giao tranh trực tiếp và áp đảo bằng hỏa lực.
Ngoài các phương tiện, vũ khí được chuyển tới, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này còn đem theo cả máy phá sóng và thiết bị gây nhiễu tín hiệu, báo hiệu cho một cuộc chiến tranh điện tử khốc liệt.
Tuy nhiên, quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đi tiên phong trong cuộc chiến. Trong các chiến dịch trước đây trên đất Syria, Ankara tận dụng các nhóm nổi dậy khác ở Syria để chống lại người Kurd. Cuộc đụng độ sắp tới có thể sẽ không phải ngoại lệ.
Hôm thứ Ba (16/1), khi được hỏi về các lực lượng người Syria nổi dậy trong chiến dịch Afrin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói: "Tất nhiên chúng tôi sẽ tiến quân cùng nhau. Trận chiến này là vì quyền lợi của họ. Không phải vì chúng tôi."
Hệ thống tên lửa của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới với Syria. Nguồn: RT
Trước đó, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chiến dịch nói trên sẽ khởi đầu bằng việc dùng chiến cơ và máy bay không người lái để không kích 149 mục tiêu của Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG).
Tờ Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin quân sự, cho biết Afrin và các khu vực lân cận đã được quan sát kĩ trong nhiều tuần liền bởi lực lượng đặc nhiệm của Ankara.
Các chuyên gia cũng bày tỏ nghi ngờ liệu đợt tiến quân của Thổ Nhĩ Kỳ có dễ dàng như được dự đoán hay không. Trả lời RT, Grigory Lukyanov, giáo sư tại Đại học Kinh tế tại Moskva, nhận định rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã yếu đi nhiều sau cuộc đảo chính năm 2016, khi một số sĩ quan dày dạn kinh nghiệm đã bị khai trừ khỏi quân ngũ hoặc chịu án tù giam.
Ông Lukyanov đánh giá: "Chiến dịch Lá chắn Euphrates cho thấy các tướng lĩnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn thiếu kinh nghiệm trong các chiến dịch phức tạp gồm chiến đấu trên không, trên đường bộ và bằng phương tiện thiết giáp."
Trong khi quân đội của Ankara không thiếu đạn dược và nhân lực, ông Lukyanov cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ thiếu những nhân tố kì cựu có thể vận hành các hệ thống như máy bay không người lái hoặc có người lái.
Các trận chiến trước cho thấy quân Thổ Nhĩ Kỳ đã chịu thiệt hại lớn về người, nhiều xe thiết giáp phát nổ hoặc hư hại nặng nề do sự lãnh đạo không ổn định của các tướng lĩnh.