Pháo thủ xe tăng bắn hạ tiêm kích “thanh bảo kiếm” của Không quân Mỹ bằng súng 12,7 mm

Tuấn Trung |

Vào dịp 30/4 hàng năm, những Cựu chiến binh của Binh chủng Tăng Thiết giáp thường tìm đến Bảo tàng Lực lượng Tăng Thiết giáp để ôn lại kỷ niệm chiến trường. Trong dòng ký ức về một thời khói lửa, chiến công của pháo thủ xe tăng Đỗ Văn Hường bắn rơi máy bay tiêm kích F100 (được mệnh danh “thanh bảo kiếm” của đế quốc Mỹ) bằng súng phòng không 12,7 mm trên vùng trời Quảng Bình ngày 5/10/1968 đã trở thành niềm tự hào của những người lính xe tăng anh hùng.

Đồng chí Đỗ Văn Hường sinh năm 1946, tại số 3 Lê Quý Đôn, phường Bạch Đằng, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Nhập ngũ ngày 27/7/1967, đồng chí thuộc biên chế của Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn xe tăng 202.

Năm 1966, thực hiện chủ trương của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Thiết giáp thành lập một tiểu đoàn xe tăng bí mật hành quân vào tuyến lửa Vĩnh Linh, sẵn sàng cùng các đơn vị khác tiêu diệt quân Mỹ - Ngụy nếu chúng đưa quân ra Bắc vĩ tuyến 17, đồng thời sẵn sàng cơ động vào chiến trường miền Nam, cùng quân, dân miền Nam đánh Mỹ xâm lược.

Bộ Tư lệnh Thiết giáp đã quyết định đưa Tiểu đoàn tăng 4 từ Vĩnh Phúc vào chiến trường và được đặt phiên hiệu 177 để kỷ niệm ngày Bác Hồ kêu gọi cả nước quyết tâm đánh Mỹ (17/7/1966).

Đầu năm 1968, sau 10 ngày hành quân vào đến nơi tập kết, Tiểu đoàn 177 ém quân ở phía nam Quảng Bình. Bộ đội đào hầm sâu xuống đất cho xe tăng trú ẩn, trên lợp mái lá tranh lụp xụp như nhà dân, dưới bụng xe tăng là căn hầm nhỏ vừa đủ cho kíp xe làm nơi ở…

Đây là nơi máy bay địch thường xuyên đánh phá, nhưng do đảm bảo bí mật tốt nên mọi việc sinh hoạt, học tập vẫn diễn ra bình thường.

Nhân ngày kỷ niệm 9 năm thành lập Binh chủng Thiết giáp (5/10/1959 – 5/10/1968), Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 202 tổ chức tuyên truyền, ôn lại lịch sử truyền thống của binh chủng cho cán bộ chiến sĩ của đơn vị.

Đúng ngày hôm đó, Đỗ Văn Hường – pháo thủ xe tăng 711, Trung đội 3, Đại đội 1 đến phiên thực hiện nhiệm vụ "anh nuôi" cho đơn vị. Tổ "anh nuôi" có 3 người, một người đi chợ, một người xuống sông xách nước, một mình Hường đang đảo chảo cơm đầy phè, không những lo cơm không dẻo, lại lo gió táp đổ bếp, bay mái.

Bỗng một chiếc máy bay Mỹ bay thấp lao vụt qua, bỏ lại phía sau tiếng rít rợn người cùng luồng phản lực làm gió cuộn lên.

Nhanh như cắt, "anh nuôi" Hường cắp nách chiếc xẻng quân dụng chuyên dùng đảo cơm quên cả bỏng, vồ lấy vung đậy kín chảo cơm tránh bụi. Chiếc máy bay bỗng vòng quặt lại đúng hướng bay cũ,

Hường nhìn nhanh lên trận địa 12,7 mm trên đỉnh đồi nghĩ thầm: "Chắc nó đánh hơi thấy gì rồi! Cho nó nếm đạn 12,7 mm. Truyền thống của quân đội chẳng đã có một người, một súng cũng tiến công đó sao!".

Đây là trận địa 12,7 mm của đơn vị đi trước để lại để hành quân vào Nam. Trận địa vẫn còn các giá súng còn cả ổ xoay. Nhìn về đơn vị, các tốp cảnh giới đã vào vị trí theo phương án chiến đấu đã luyện tập.

Thấy chiếc xe tăng để dưới hầm gần nhất, khẩu 12,7 mm đã lắp trên tháp pháo, Hường lao đến, bằng những thao tác thuần thục, anh tháo khẩu súng, tay xách hòm đạn chạy băng băng lên đỉnh đồi.

Lắp đạn, bật kính ngắm, chân đứng vững, hướng nòng súng về phía chiếc máy bay từ biển lao vào. Đồng chí bình tĩnh đưa mục tiêu vào vòng kính ngắm, hai ngón tay cái thử co duỗi ấn nhẹ trên lẫy cò.

Chiếc máy bay địch lớn dần lên trong kính ngắm, Hường ấn cò điểm xạ 1, mũi chiếc máy bay trùm kín và nằm đúng tâm điểm kính ngắm, anh xiết cò điểm xạ 2.

Chiếc máy bay vụt qua đầu tuôn ra tiếng gầm rít đinh tai. Hường xoay súng bám theo mục tiêu và định bồi thêm mấy loạt đạn nữa, chợt anh nhìn thấy chiếc máy bay đuôi phụt khói đen rồi lửa bùng lên, nó vòng sang trái loạng choạng bay ra biển.

Quá bất ngờ, Hường buông súng ngơ ngác một thoáng rồi hét lên: "Rơi, máy bay rơi rồi", cùng lúc tiếng reo: "Máy bay rơi, máy bay rơi!" rộ lên từ bốn phía.

Đang phấn khích reo hò nhìn theo vệt khói đen loang to về phía chân trời, đồng đội đã chạy đến xung quanh anh, Đại đội trưởng hỏi:

- Hường, cậu bắn à?

- Vâng. Máy bay cháy đẹp quá anh anh ạ!

- Đẹp, đẹp cái con ếch!

Ngay lập tưc mệnh lệnh được ban ra: Tất cả chuẩn bị chiến đấu. không có lệnh không được nổ súng. Các xe về vị trí chiến đấu bảo vệ xe.

Chỉ một loáng, các ngọn đồi có trận địa phòng không được triển khai. Người vác đạn, lắp đạn, tiếng người đôn đốc, nhắc nhở nhau… Hường chợt nhận ra một vấn đề nghiêm trọng đang đến.

Chỉ lệnh tiếp theo: Pháo thủ Đỗ Văn Hường gặp cán bộ tác chiến tiểu đoàn để làm báo cáo kiểm điểm, tường trình.

Loay hoay mãi trên trang giấy mà Hường vẫn chỉ viết được mấy dòng mào đầu, còn động cơ nổ súng, nhận thức tác hại, hậu quả, tầm quan trọng của khu vực giấu quân cứ ong ong trong đầu.

Có thể chỉ ít phút nữa thôi, máy bay Mỹ sẽ ào đến oanh tạc địa điểm này. Một máy bay Mỹ đâu đổi được cả một tiểu đoàn xe tăng đã bí mật ém quân sẵn sàng chiến đấu trong gần năm trời!

Sĩ quan tác chiến Tiểu đoàn 177 nhìn dáng điệu khổ sở của Hường, từ tốn hỏi:

- Đồng chí nổ súng lúc mấy giờ?

- Khoảng chừng mười giờ ạ.

- Thế vì sao bắn?

Ậm ờ, loay hoay gãi đầu gãi tai, đắn đo một lúc, Hường thốt ra:

- Em trót bắn rồi thủ trưởng ạ…

Cán bộ tác chiến suýt phì cười.

- Thế cậu bắn bao nhiêu viên?

- Em bắn hai loạt. Mọi người kiểm tra sau đó báo cáo bắn 11 viên.

Được gợi mở, Đỗ Văn Hường tường thuật diễn biến của trận đánh từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc chưa đầy 20 phút. Người cán bộ tác chiến ghi chép cẩn thận vào bản báo cáo và sơ đồ đường bay những điều cần thiết.

Pháo thủ xe tăng bắn hạ tiêm kích “thanh bảo kiếm” của Không quân Mỹ bằng súng 12,7 mm - Ảnh 1.

Khẩu súng 12,7 mm được pháo thủ xe tăng Đỗ Văn Hường sử dụng bắn rơi máy bay F100 của Mỹ bằng 11 viên đạn trên vùng trời Quảng Bình ngày 5/10/1968.

18 giờ chiều hôm đó, tin vui chính thức bay về: Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Mặt trận công nhận chiến công bắn rơi máy bay F100 của Mỹ cho Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 177, Trung đoàn xe tăng 202 và được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba. Pháo thủ Đỗ Văn Hường được tặng giấy khen của Tiểu đoàn do Chính trị viên Tiểu đoàn 177, Đại úy Bùi Văn Tùng ký.

Sau giải phóng, pháo thủ Đỗ Văn Hường giải ngũ và trở về với cuộc sống đời thường. Những dịp thăm lại hiện vật "khẩu súng 12,7 mm" đã bắn hạ máy bay F100 của Không quân Mỹ trên bầu trời Quảng Bình năm xưa.

Đồng đội vẫn thường nói vui: "Đấy, ông chuyên bắn pháo xe tăng Đỗ Văn Hường lúc 21 tuổi đời, 1 tuổi quân đã hạ gục phản lực Mỹ bằng 11 viên đạn súng máy và sở hữu tờ Giấy khen đáng giá một "thanh bảo kiếm" Mỹ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại