Năm 20 tuổi, ông vào chiến trường miền Nam, viết kịch, làm thơ, từng giành giải Nhì Hội Văn nghệ Việt Nam 1955 với kịch bản Lửa cháy lên rồi và là đạo diễn các phim Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại…
Ông được biết tới như một nhà thơ tài hoa kể từ khi một phần trường ca Em ơi Hà Nội phố được Phú Quang phổ nhạc, trở thành một trong những bài hát về Hà Nội hay nhất.
Phan Vũ trả lời nhà thơ PN.Thường Đoan cuối năm ngoái: “Những người làm được thơ, tôi nghĩ họ luôn là con người ngay thẳng chân chính. ‘Làm được thơ’ có nghĩa là ‘không vay mượn của người khác’, do đó những gì họ đưa vào thơ đều xuất phát từ chính cuộc sống họ. Vậy thì tính ra, giữa thơ và đời không có khoảng cách nào hết. Với tôi, thơ không phải là thứ đi thuyết giảng cho đám đông.
Tôi từng ngừng đọc thơ giữa chừng vì thấy xung quanh mình quá ồn ào và thơ vô tình bị xem như thứ trang sức. Tôi không làm thơ theo kiểu tưởng tượng vịnh lá, tả hoa... Tôi chỉ viết ra giấy khi có những sự việc ám ảnh, day dứt hay chấn động đời mình”.
Từng là biên kịch, đạo diễn, rồi họa sĩ (ông bắt đầu vẽ khi đã ngoài 70 và có hàng chục triển lãm trong, ngoài nước), nhưng rút cuộc cái tên Phan Vũ có vẻ gắn với thiên chức nhà thơ hơn cả.
Dù ngay từ khi đặt bút viết bài thơ đầu tiên Bình vỡ, đã có điềm báo không lành. Bài thơ đó ông làm tháng 5/1956 gửi báo Nhân văn số 6 nhưng không được in vì tờ báo bị đình bản vĩnh viễn. Phan Vũ bị treo bút suốt “mười lăm năm trong một giấc mơ đen”- như ông viết.
Nhưng theo BTV Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, có thể chính vì không chọn viết làm nghiệp chính nên ông đã có một cuộc đời bề ngoài có vẻ ít bão tố hơn so với những người bạn cùng cảnh.
Bản trường ca Em ơi, Hà Nội phố ra đời tháng 12/1972, khi Mỹ rải bom Hà Nội, cũng phải đến năm 2008 mới chính thức phát hành.
Nhưng bài thơ đã được “truyền khẩu” trước đó, nhất là kể từ khi 21/440 câu thơ của Em ơi Hà Nội phố được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng năm 1987 qua giọng hát Lệ Thu.
“Bây giờ tôi đang chạy đua với thời gian hẹp và ít, chiến đấu với gã tử thần từng mi-li-phút. Mặc dù tôi biết, kết cuộc là tôi sẽ thua.
Nhưng khi tôi thua, tôi vẫn còn có cái để lại cho đời, cho bạn bè, cho những người từng quen tôi, còn hắn - gã tử thần - hắn mất trắng vì chỉ cướp được cái xác trần cát bụi này thôi”.
Phan Vũ có tiếng đa tình và cũng rất chung tình. Ông gặp Phi Nga - phát thanh viên Đài tiếng nói Nam bộ năm 1952, khi cô làm diễn viên trong một vở kịch phong trào do ông đạo diễn. Hai người vì mến tài nhau mà yêu nhau.
Năm 1954, khi tập kết ra Bắc, họ cưới nhau. Hai năm sau, khi đã hạ sinh hai người con, bệnh tim bẩm sinh của Phi Nga mới được phát hiện. Tổng cộng Phan Vũ có 28 năm chăm vợ ốm trong đó gần mười năm cuối đời, Phi Nga bị tai biến, không thể đi lại.
Mãi tới tuổi 73, Phan Vũ mới tái hôn với nhà báo Diễm Chi khi đó 37 tuổi. Hai người đến với nhau sau lần Diễm Chi tới phỏng vấn Phan Vũ. Được biết hồi trước khi ra Bắc, Phan Vũ đã có vợ tên là Lê cùng hai cô con gái.
Theo Phan Vũ, ông có ba cuộc chiến đấu: vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do sáng tạo, và cuối đời là chiến đấu với... tử thần.
Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải kể: “Nhớ hồi ông vào tuổi 84 vẫn phóng xe ào ào, bị can ngăn ông bảo: ‘Tuổi này, khi không dám làm nữa mà dừng cái gì là mất nó vĩnh viễn. Bây giờ vẽ và làm thơ mỗi ngày- đó là thứ vũ khí để tôi chiến đấu với tử thần’”.