Phản ứng trái chiều của các thành viên NATO sau khi Ukraine xin gia nhập

Hồng Nhung |

Ngay sau khi Nga tuyên bố sáp nhập 4 vùng ở Ukraine vào Nga, Tổng thống Volodymyr Zelensky thông báo Kiev đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO. Động thái này không phải mới nhưng đã gây bất ngờ cho nhiều nước thành NATO do lo căng thẳng với Nga gia tăng.

Phản ứng trái chiều của các thành viên NATO sau khi Ukraine xin gia nhập. Ảnh: NATO

Phản ứng trái chiều của các thành viên NATO sau khi Ukraine xin gia nhập. Ảnh: NATO

Phản ứng trước động thái của Ukraine, một số nước thành viên NATO, đặc biệt là các nước Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva bày tỏ ủng hộ việc Ukraine nộp đơn xin gia nhập NATO và mong muốn quá trình diễn ra "càng sớm càng tốt".

Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Urmas Reinsalu, Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkēvičs và người đồng cấp Litva Gabrielius Landsbergis trong dòng trạng thái đăng tải trên trang Twitter cá nhân đã nhấn mạnh thông điệp Ukraine sẽ giúp liên minh vững mạnh.

Tuy nhiên, đáp lại sự quyết tâm của Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg lại có phần thận trọng. Tổng thư ký Jens Stoltenberg nhấn mạnh NATO vẫn kiên định với việc cởi mở đón nhận thành viên mới, nhưng lại không tỏ ý trực tiếp ủng hộ đề nghị của Ukraine. Ông Jens Stoltenberg cho biết việc này cần có sự đồng thuận của tất cả 30 thành viên trong liên minh.

“Mọi nền dân chủ ở châu Âu đều có quyền nộp đơn xin gia nhập NATO và các đồng minh NATO tôn trọng quyền đó. Cánh cửa NATO luôn rộng mở. Điều đó đã được chứng minh trong vài năm qua. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, chúng tôi đã nhấn mạnh rằng, ủng hộ con đường đi của Ukraine. Ukraine có quyền lựa chọn con đường riêng của mình, quyết định loại thỏa thuận an ninh mà họ muốn tham gia. Tuy nhiên, việc quyết định về tư cách thành viên NATO phải được thực hiện bởi tất cả 30 quốc gia đồng minh và chúng tôi đưa ra các quyết định này bằng sự đồng thuận”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Dù vẫn ủng hộ vũ khí cho cuộc xung đột ở Ukraine song Mỹ lại có phần hờ hững với quyết tâm này của Kiev. Báo chí Mỹ thậm chí còn dùng từ dội nước lạnh để nói về phản ứng của Mỹ về đề nghị gia nhập cấp tốc NATO của Ukraine khi dẫn ra phát biểu của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tại cuộc họp báo thường kỳ.

Chỉ vài giờ sau tuyên bố của ông Zelensky, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã nói rằng Mỹ cam kết thực hiện chính sách mở cửa về việc kết nạp các thành viên mới vào NATO, nhưng giờ chưa phải lúc thích hợp để xem xét đơn xin gia nhập của Ukraine.

“Trong vài thập kỷ qua, chúng tôi luôn ủng hộ chính sách mở cửa của NATO. Bất cứ quyết định về tư cách thành viên của NATO đều phải có sự đồng thuận giữa 30 quốc gia thành viên và quốc gia muốn gia nhập. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi nghĩ rằng cách tốt nhất để giúp Ukraine là thông qua hỗ trợ thực tế, còn quá trình gia nhập NATO nên được thực hiện vào một thời điểm khác”, ông Sullivan nói.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 30/9 thông báo nước này đã nộp đơn xin gia nhập NATO, kêu gọi liên minh này đẩy nhanh quá trình xét duyệt. Tuyên bố của ông Zelensky được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 30/9 ký sắc lệnh sáp nhập 4 khu vực ở Ukraine vào Nga.

Kể từ năm 2019, Ukraine đã đưa mục tiêu gia nhập các liên minh phương Tây vào hiến pháp. Đứng trước động thái này của Ukraine, tháng 12/2021, Nga đã gửi Mỹ và NATO bản đề nghị an ninh gồm 8 điểm, trong đó nêu rõ các quan ngại an ninh. Theo đó, giới chức Nga nhiều lần nói rằng viễn cảnh Ukraine gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới NATO sẽ là một trong những lằn ranh đỏ, điều sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh và lợi ích chiến lược của Nga.

Trên thực tế, việc thông qua tư cách thành viên của một quốc gia trong NATO yêu cầu sự nhất trí tuyệt đối, tức là chỉ cần một thành viên không tán thành thì thỏa thuận sẽ không thể thông qua. Và các lãnh đạo NATO, Mỹ và cả Nga đều hiểu rõ điều này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại