Mỹ phản ứng yếu ớt
Ngày 15/12, tại vùng biển gần Philippines, một chiếc tàu nhỏ của Trung Quốc dần dần tiến lại gần tàu nghiên cứu hải quân Mỹ và lấy đi thiết bị lặn không người lái (UUV).
Chỉ trước đó một ngày, trong bài phát biểu ở Australia, Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ khẳng định, nước Mỹ có công thức giành chiến thắng quân sự.
"Sức mạnh cộng quyết tâm và cảnh cáo bằng răn đe", tướng Harris nhấn mạnh.
Tờ New York Times (Mỹ) cho hay, xét từ góc độ các đồng minh châu Á của Mỹ, hành động Trung Quốc đối đầu hải quân Mỹ ở vùng biển phía Tây Bắc cách vịnh Subic, Philippines khoảng 50 hải lý (92,6 km) đã dấy lên nghi ngờ về "công thức chiến thắng" của tướng Harris.
Một số ý kiến cho rằng, đây là sự nhạo báng đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sau khi ông đặt nghi vấn về chính sách "một Trung Quốc" cũng như cam kết thực hiện các biện pháp cứng rắn về một số vấn đề như thương mại đối với Bắc Kinh.
"Quyết tâm là một mắt xích yếu kém, Trung Quốc đang thăm dò cũng như dẫn dụ, thu hút Trump", ông Euan Graham - Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Lowy (Sydney) nói.
"Sức mạnh là có thật và cũng mang tính cảnh cáo ví như [Washington] tuyên bố sẽ điều siêu chiến đấu cơ F-22 Raptor đến Australia. Nhưng phản ứng vô cùng chậm chạp và lặng lẽ, đồng nghĩa 'công thức' [của tướng Harris] khó có kết quả do thiếu quyết tâm".
Theo NYT, các nhà ngoại giao và giới phân tích chính trị châu Á đang cảm thấy khó hiểu khi chính phủ của Tổng thống Barack Obama không có phản ứng cứng rắn trước hành động khiêu khích của Trung Quốc.
Họ thắc mắc khi Washington không cử tàu khu trục đến địa điểm phát sinh sự cố bởi vịnh Subic trước đây từng là căn cứ hải quân của Mỹ. Một số ý kiến cho biết, tàu khu trục Mỹ vẫn thường xuyên xuất hiện ở đây.
Tàu USNS Impeccable bị tàu TQ chặn đường trên Biển Đông năm 2009. Ảnh: UPI
Khiến đồng minh lo ngại và có thể "tiếp tay" cho Trung Quốc
NYT cho hay, sau khi Nhà Trắng thảo luận xong cách thức đối phó vấn đề, chính quyền Obama mới đưa ra tuyên bố phản đối ngoại giao với Bắc Kinh, yêu cầu hoàn trả lại UUV.
Sang thứ Bảy (17/12, giờ Mỹ), Trung Quốc đồng ý trả lại nhưng không nói rõ thời gian và cách thức hoàn trả.
Cũng theo tờ này, sự kiện Trung Quốc thu giữ UUV của Mỹ sớm được CNN đăng tải dù chính quyền Obama muốn lặng lẽ giải quyết vấn đề.
Giới phân tích nhận định, kết quả cuối cùng của sự việc này chính là: Trung Quốc sẽ càng trở nên táo bạo hơn, vì đây giống như hành động hỗn chiến. Nó tiêm cận sự khiêu khích dẫn tới xung đột, nhưng lại không gây ra hậu quả rõ rệt.
"Đồng minh và giới quan sát rất dễ nhận ra rằng, sức mạnh của Washington ở khu vực này đã giảm sút", Douglas H. Paal - Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế nói.
Quan trọng hơn, Trung Quốc không chỉ thu giữ UUV của Mỹ ở trên vùng biển quốc tế mà đó còn thuộc phạm vi ngoài cái gọi là "đường chín đoạn" - yêu sách Bắc Kinh tự đưa ra nhằm tuyên bố chủ quyền trái phép trên biển Đông.
Có ý kiến cho rằng, Bắc Kinh xử sự như vậy vì muốn ngông cuồng thể hiện "cả biển Đông là lãnh thổ của họ", bất chấp sự hiện diện quân sự của Washington trên vùng biển quốc tế.
Những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng thể hiện sức mạnh quân sự nhằm "diễu võ ra oai" và thách thức với sự tồn tại của Mỹ và các đồng minh, đối tác tại vùng biển tranh chấp này.
Theo NYT, về bản chất, sự kiện này không giống với những hành động nguy hiểm từng xảy ra trong xung đột Trung - Mỹ trước đây nhưng đều dấy lên lo ngại.
Năm 2001, sau khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức không lâu, máy bay do thám EP-3 của Mỹ đã va chạm với một máy bay chiến đấu của Trung Quốc và bị buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam. Sau đó, nó đã được trả lại sau khi bị tháo rời các thiết bị.
Đến năm 2009, sau khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức được hai tháng, nhiều tàu Trung Quốc đã bao vây tàu khảo sát biển USNS Impeccable của Mỹ. Lầu Năm Góc khi đó gọi đây là hành động vô cùng nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, lần này Bắc Kinh đã dùng một phương thức khác để thách thức Washington, đặc biệt về vấn đề thời gian, vào giai đoạn chuyển giao trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức, chứ không phải kiêu khích Tân thổng thống như trước đây.
Ngoài ra, UUV bị "bắt" cũng không phải thiết bị vô cùng quan trọng. Lầu Năm Góc cho biết, việc triển khai thiết bị lặn này là để thu thập số liệu hải dương học phục vụ cho công tác do thám chiến tranh chống ngầm.
Giáo sư Alexander Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ nhận định, thông qua hành động này, "Trung Quốc muốn chứng tỏ họ đang thiết lập quy tắc trên biển Đông và thúc đẩy các chủ trương của mình. Bắc Kinh cho rằng, biển Đông là sân sau của họ".
"Nếu hành động này của Trung Quốc không bị trừng phạt sẽ mang lại tín hiệu đáng sợ cho các nước trong khu vực", Vuving nhấn mạnh thêm.