Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto. Ảnh: Reuters
Phần Lan đã cân nhắc việc gia nhập NATO kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cuối tháng 2 vừa qua. Theo Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, chiến dịch này đã “làm thay đổi tình hình chính sách an ninh theo cách không thể quay trở lại như trước đây”.
“Khi tất cả các chính đảng của chúng tôi đã sẵn sàng, gần đây nhất là đảng Dân chủ Xã hội vào hôm 7/5, khi đó chúng tôi sẵn sàng hành động như một chính phủ và thảo luận về quy chế thành viên NATO, tiếp đó là các bước tại Quốc hội, có thể bắt đầu từ Thứ Hai tới. Sau đó, chúng tôi sẵn sàng nộp đơn xin gia nhập NATO”, ông Haavisto nói.
Chính phủ liên minh tại Phần Lan hiện nay gồm 5 đảng. Dự kiến ngày 12/5, Tổng thống Sauli Niinisto sẽ tuyên bố quan điểm về việc Phần Lan gia nhập NATO, bắt đầu một loạt hành động dẫn tới việc chính thức nộp đơn.
Phần Lan không phải là nước duy nhất cân nhắc lại chiến lược an ninh trong bối cảnh xung đột Nga-Ukaine. Thụy Điển cũng đang cân nhắc lại quan điểm của nước này.
“Tôi thực sự ủng hộ việc chúng tôi [Phần Lan và Thụy Điển] cùng nhau gia nhập NATO và hiện nay có vẻ như chúng tôi sẽ thực hiện một tiến trình song song với nhau”, ông Haavisto nói, đồng thời cho biết, Thụy Điển có thể sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO cùng hoặc gần thời điểm với Phần Lan.
“Phần Lan có quan hệ hợp tác khá tốt trong các vấn đề quân sự với Thụy Điển. Chúng tôi có thể cùng giám sát không phận, các vùng biển… và chúng tôi cũng dựa vào nhau khá nhiều, nếu điều đó diễn ra trong tương lai mà một bên đã gia nhập liên minh quân sự và bên còn lại vẫn chưa gia nhập, điều đó có thể cản trở mối quan hệ hợp tác tốt đẹp của chúng tôi”, ông Haaviston cho biết.
Tới nay một số thành viên NATO, trong đó có Đức và Mỹ, đã bày tỏ sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Thụy Điển và Phần Lan trong khoảng thời gian từ khi 2 nước này nộp đơn xin gia nhập cho tới khi trở thành thành viên chính thức.
Để trở thành thành viên chính thức của NATO, Phần Lan và Thụy Điển cần phải được sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên của khối. Quá trình này có thể mất vài tháng.
Việc gia nhập NATO sẽ là bước chuyển đáng kể trong chính sách trung lập hàng chục năm qua của Phần Lan. Động thái này có thể vấp phải sự đáp trả của Nga, bởi Moscow lâu nay phản đối việc mở rộng NATO, coi đây là mối đe dọa an ninh quốc gia./.