Tôi đã từng gặp qua rất nhiều trường hợp như thế này: Nhân viên mới bị nhân viên cũ châm biếm, ganh ghét, chỉ trích rằng nhờ có mối quan hệ với cấp trên mới được vào làm, bởi vì thấy họ là người mới mà lại có lương cao hơn mình.
Lấy một ví dụ cụ thể:
Tôi có một đứa cháu gái tên Nguyệt, sinh năm 1997, vừa tốt nghiệp vào cuối năm trước và xin vào làm ở một công ty sản xuất linh kiện xe đạp.
Nguyệt tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, tuy khả năng nghe, nói của con bé không thuộc loại xuất sắc, nhưng vì biết thêm ngoại ngữ hai là tiếng Trung, nên sau ba vòng phỏng vấn, con bé rất nhanh đã được tuyển vào vị trí trợ lý giám đốc phòng kinh doanh.
Mức lương mà lãnh đạo đề nghị cho Nguyệt là 12 triệu/ tháng, bởi vì trước đây chưa từng có kinh nghiệm làm việc ở công ty, chỉ mới dịch thuật online trên mạng, nên con bé vui vẻ đồng ý với mức lương thế này.
Trong bộ phận của Nguyệt có 10 người: 8 nữ, 2 nam (tính cả sếp của nó), chỉ có mình Nguyệt là người mới.
Lãnh đạo giao Nguyệt cho Ella chỉ việc, nhưng Ella chỉ đưa nó đến chỗ ngồi đã được chuẩn bị trước, sau đó để nó "tự bơi".
Vốn dĩ người mới nào cũng thường sẽ gặp tình huống này, nên nhắc đến cách đối xử của Ella với Nguyệt, tôi cũng không thấy có gì lạ. Bởi vì ai nấy đều có công việc riêng, bọn họ rất bận, và thực sự không "rảnh" để quan tâm đến bạn.
Thế nên, sau khi tốt nghiệp, điều đầu tiên phải học chính là cách tự mình thích nghi với môi trường, tự mình học hỏi công việc, tự mình tìm ra phương pháp làm việc phù hợp nhất với bản thân.
Nhưng lí do Ella không muốn hướng dẫn Nguyệt là vì mức lương hiện tại của Ella là 13,5 triệu/ tháng, chỉ cao hơn người mới vào như Nguyệt 1,5 triệu.
Ella là bạn thân của Hồng – bộ phận kế toán và Chi – bộ phận nhân sự. Cô ấy đi nói với hai người kia là Nguyệt có quen biết với lãnh đạo nên được "đặt cách". Do đó cả công ty, có rất nhiều người nói xấu Nguyệt, khiến con bé chịu áp lực rất lớn.
1. Tiền lương phải tương xứng với năng lực, năng lực đến đâu thì tiền lương đến đó.
Tại sao sự chênh lệch tiền lương giữa một người mới và một nhân viên cũ lại không lớn?
Thứ nhất: Tuy Ella vào làm trước Nguyệt 2 năm, nhưng cô ấy là nhân viên kinh doanh, công việc chủ yếu là giao tiếp với khách hàng online. Khi nào không nhớ tiếng Anh, cô ấy có thể nhờ các phần mềm dịch hỗ trợ. Hơn nữa, cô ấy chỉ cần làm đủ 8 tiếng là được về.
Ngược lại, Nguyệt là trợ lý giám đốc, không chỉ phải biết rõ quy trình sản xuất sản phẩm, còn phải nắm rõ bảng màu, giá cả mỗi loại để giới thiệu với cả khách hàng online và những khách hàng trực tiếp đến công ty. Nếu khi nào khách hàng hối thúc, hoặc lãnh đạo cần người đi đón khách hàng từ nước ngoài về, dù là ban đêm có việc, con bé cũng phải gác lại để tăng ca ở công ty.
Thứ hai: Ella tốt nghiệp quản trị kinh doanh, chỉ biết giao tiếp tiếng Anh cơ bản. Còn Nguyệt chuyên tiếng Anh, lại có vốn tiếng Trung, có thể nói chuyện với cả khách hàng người Anh, Mỹ và Đài Loan...
Có nhiều người giống như Ella, nhìn vào chỉ thấy mức lương bạn cao, mà lại không biết bạn đã bỏ ra bao nhiêu công sức mới có thể đạt được nó.
Nhưng bạn biết không, những người thành công đều sống rất thực tế. Khi họ cảm thấy mức lương của mình thấp, vậy họ nhất định sẽ cố gắng hết sức nâng cao khả năng của mình, biến bản thân thành người có giá trị cao hơn, chứ họ sẽ "không rảnh" ngồi một chỗ mà nhìn chằm chằm vào tiền lương của người khác.
Bạn có bao nhiêu năng lực thì tiền lương bạn đạt được sẽ tương xứng như vậy. Cần gì phải suốt ngày oán trách người này người kia?
2. Thu nhập cũng phụ thuộc vào giai đoạn phát triển nghề nghiệp
Ngay từ khi còn học ở trường, tôi đã xác định rằng, khi mới ra trường, dù doanh nghiệp trả lương 5 triệu/ tháng đi nữa tôi vẫn sẽ làm cho bằng được.
Vì khi đó tôi chỉ là một tờ giấy trắng, mặc dù tiền cũng rất quan trọng, nhưng cơ hội để học tập, làm việc lúc này còn quan trọng hơn.
Tất nhiên, nếu khi bạn mới ra trường đã có một CV khá "dày dặn" về mặt kinh nghiệm, vậy cũng đừng ngần ngại mà đề nghị một mức lương tốt hơn, phù hợp với khả năng của bản thân hơn.
Ngoài ra, bởi vì mức lương cơ bản mỗi năm không giống nhau, nên có nhiều người năm 2020 vào làm mà lương lại cao hơn người đã vào làm từ năm 2019.
3. Muốn kiếm được nhiều tiền hơn, cần làm được 2 điều:
Thứ nhất: Năng lực học tập mạnh mẽ
Thời đại này là thời đại của sự thay đổi. Tốt nghiệp đại học xong, có bao nhiêu người dám chắc chắn mình nhớ được 100% kiến thức và vận dụng nó?
Dù bạn có nhớ hết đi nữa, nếu không học được cách thích nghi với môi trường mới, cũng sẽ sớm bị OUT khỏi nơi làm việc.
Để thành công, bạn phải học cả đời. Bạn có thể ngừng làm việc trong một thời gian ngắn, nhưng bạn không thể ngừng học hỏi.
Thứ hai: Năng lực hành động tuyệt đối
Khi làm việc ở môi trường công sở, khả năng kiếm tiền của bạn chủ yếu thể hiện ở năng lực hành động. Bạn có thể hoàn thành xong, hoàn thành tốt mọi việc, chứng tỏ bạn làm việc có hiệu suất cao. Như vậy, nhất định có khả năng được thăng chức, tăng lương.