"Phản bội" phiến quân, Mỹ gửi thông điệp "cầu cứu" Nga ở Syria?

Quốc Vinh |

Bằng việc cắt đứt viện trợ cho quân nổi dậy Syria ở miền Nam, Mỹ đang gửi tín hiệu về việc muốn nhờ Nga giúp đỡ trong thượng đỉnh Trump-Putin.

Bằng cách ngừng viện trợ cho quân nổi dậy Syria ở miền Nam, Mỹ đang gửi thông điệp cho Moscow trước cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và đối tác Mỹ Donald Trump - nhà phân tích địa chính trị Mylene Doublet O'Kane nhận định với Sputnik - các bên có khả năng sẽ thảo luận về sự hiện diện của Tehran trong khu vực.

Theo nhà phân tích, việc Washington không còn viện trợ quân sự cho phiến quân ở miền Nam trong bối cảnh quân Chính phủ Syria tiến công về đây có thể là một phần trong quyết định mang tính bước ngoặt của Mỹ.

Trước đó, Reuters dẫn các nguồn tin ở Syria, nói rằng Washington đã thông báo với phiến quân về việc họ không nên trông đợi Mỹ sẽ ủng hộ và bảo vệ họ trước những diễn biến mới.

Nhà phân tích O'Kane đánh giá, Washington có thể đã "nhượng lại" quyền kiểm soát phần phía tây nam của lãnh thổ Syria với Moscow và Damascus, trong khi nhờ cậy Nga giải quyết vấn đề "bành trướng sức mạnh" của Iran trong khu vực.

Trước đó, cả Israel và Mỹ liên tục thúc giục Tehran rút khỏi Syria, đe dọa sẽ thực hiện các biện pháp chống lại những gì mà hai nước này coi là một sự tăng cường quân sự có ý đồ của Iran trong khu vực.

Về phần mình, Damascus và Tehran nhấn mạnh sự hiện diện của Iran chỉ giới hạn ở các cố vấn quân sự trên chiến trường mặt đất.

Nhắc đến cuộc tấn công miền Nam của quân đội Syria, chuyên gia O'Kane nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nga trong những chiến dịch đang diễn ra gần đây.

"Chiến dịch chiếm lại miền nam Syria đã huy động lực lượng khá đáng kể để chống lại phe đối lập vũ trang do Mỹ hậu thuẫn xung quanh vùng Daraa. Nhưng có vẻ như Tổng thống Bashar al-Assad đang mạo hiểm, vì không có sự hỗ trợ của Nga trong những ngày gần đây. Nếu không cẩn thận cuộc tấn công của miền Nam sẽ trở thành một thảm họa tổng thể", bà nói.

Về phần mình, nhà bình luận chính trị Israel Avigdor Eskin cho rằng sự tiến quân về phía Nam của quân đội Chính phủ Syria đã được "phối hợp" và báo trước với Israel và Mỹ vì không có lực lượng Iran hay Hezbollah nào được đưa vào hoạt động này.

"Israel sẽ không ngăn cản lực lượng của Assad đến các vị trí gần biên giới Israel nếu Iran và Hezbollah không đi cùng. Chúng ta có thể thấy đó là một sự phát triển tích cực", chuyên gia Eskin nhấn mạnh với Sputnik.

O'Kane tin rằng, vấn đề về sự hiện diện của Iran trong khu vực có thể trở thành một trong những nội dung then chốt trong các cuộc đàm phán sắp tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16/7 tại Helsinki.

Trước cuộc hội nghị thượng đỉnh được mong đợi từ lâu, Quân đội Syria nên cẩn thận trong khi tiến hành hoạt động quân sự phía Nam, nhà phân tích địa chính trị lưu ý, cảnh báo rằng sự cân bằng khu vực đặc biệt mong manh.

"Chiếc bánh" năng lượng bị xâu xé của Syria

Phản bội phiến quân, Mỹ gửi thông điệp cầu cứu Nga ở Syria? - Ảnh 1.

Damascus có thể đang mạo hiểm với chiến dịch tiến quân miền Nam khi không có Nga hỗ trợ.

Các nhà phân tích nhấn mạnh, việc bố trí các lực lượng trong khu vực có sự tương quan mạnh mẽ với vị trí của các mỏ dầu và các tuyến ống dẫn chạy qua Syria.

"Việc kiểm soát và tiếp cận năng lượng và các tuyến ống dẫn đang là mục tiêu khao khát của các bên ở Trung Đông với Syria không chỉ là nhà sản xuất dồi dào mà còn là một lãnh thổ trung chuyển năng lượng quan trọng", chuyên gia O'Kane giải thích.

"Syria sở hữu một mạng lưới kết nối các đường ống, thông qua đó năng lượng chạy từ Iran và qua Iraq (tạo thành trục Đông-Tây). Một trục Nam-Bắc khác cũng đảm bảo nguồn năng lượng quá cảnh đến từ các nước vùng Vịnh". ​​

Cả hai trục đều chọn một số điểm kết nối, đặc biệt là miền bắc Syria - ví dụ trong đó là khu vực Manbij - tất cả các bên đều vẽ lên một bản đồ các vị trí chiến lược để kiểm soát.

Do đó, hầu như không có gì đáng ngạc nhiên khi các cuộc đụng độ lớn giữa các lực lượng chính phủ Syria và phe người Kurd, phiến quân do Mỹ hậu thuẫn đang diễn ra xung quanh các khu chiến lược này, bao gồm các thành phố gần các mỏ dầu dọc sông Euphrates (Deir ez-Zor , Raqqa, Al Thuwara…), chuyên gia O'Kane nhấn mạnh.

Nhà phân tích này chỉ ra rằng khoảng 2/3 nguồn năng lượng của Syria, tập trung ở phần phía Đông của sông Euphrates, vẫn đặt dưới sự kiểm soát của các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn.

Bình luận về cáo buộc Mỹ sơ tán các thủ lĩnh IS bằng máy bay quân sự tại al-Hasakah được đưa ra bởi Cơ quan Tin tức Ả Rập Syria (SANA) vào ngày 26/6, chuyên gia O'Kane chỉ ra những nhân vật này có thể là "các chỉ huy phiến quân địa phương do Mỹ hậu thuẫn", hiện đang được di tản sang các vùng lân cận của al Shaddadi, nơi Mỹ có căn cứ quân sự kể từ cuối năm 2017 gần với các mỏ dầu al-Shaddadi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại