Tôi có một thời gian bị stress nặng, nặng đến mức tôi cảm thấy mình như một oan hồn, sống bên ngoài cuộc đời, mọi sự kết nối của tôi và thế giới càng ngày càng đứt đoạn, không còn mạch lạc.
Tôi cứ bập bềnh trong không khí, nghĩ về cái chết, về điểm đến cuối cùng của cuộc đời mình. Những lúc nằm trên giường, hướng đôi mắt lên trần nhà, tôi đã nghĩ cái ngày mình giải thoát sẽ là ngày mai, cũng có thể ngày mốt...
Tôi không biết, nhưng thật sự, tôi đã sẵn sàng.
Vậy mà đến khi gặp chị, suy nghĩ của tôi về cuộc đời xám ngắt nhất trần đời của mình đã bay biến. Tôi không biết vì sao, có thể vì chị có một cuộc đời tàn úa hơn tôi.
Chị ví cuộc đời chị như bông hoa kề bên đóm lửa, cứ bập bùng từ ngày này qua ngày khác, nhưng chị vẫn cứ cố gắng sống mỗi ngày.
"Cuộc đời chị đi qua bao nhiêu chông gai nên chị nghĩ mình không thể ngày một ngày hai mà từ bỏ không muốn sống nữa, đâu có được" – chị Nguyễn Kim Thơ, người đàn bà đã gắn bó cả cuộc đời mình với nghề đi làm osin cho người ta, đã hồi sinh tôi như vậy.
Bị bỏ rơi lúc 2 tháng tuổi, lớp 1 tập tành lột tôm, 14 tuổi bắt đầu "sự nghiệp" buôn bán
Chị Thơ sinh năm 1977, có lẽ (chị đoán vậy, vì chẳng còn nhân chứng nào xác nhận) sự có mặt của chị là nỗi gánh nặng của mẹ cha, nên khi tròn 2 tháng tuổi, cha mẹ ruột mang chị cho một gia đình khác nuôi, tại Cà Mau.
Cho đến tận bây giờ, khi đã 40 tuổi, chị cũng không biết mặt của cha mẹ đã sinh ra mình như thế nào. Chỉ là thi thoảng, trong giấc ngủ chập chờn, chị tự tưởng tượng ra gương mặt của họ. Đó không phải là ký ức.
Một đứa trẻ vừa lọt lòng ít lâu, được bú mớm 2 tháng trời rồi dứt hơi mẹ, làm sao mà nhớ nổi điều gì. Đó là hình ảnh được vẽ nên từ lời kể chắp vá từ cha mẹ nuôi và những lần chị đi tìm cha mẹ ruột mà mãi không được.
Sau khi về gia đình mới, cô bé con còn đỏ hỏn được cha mẹ mới yêu thương nuôi nấng. Tiếng nói cười trẻ thơ đã khiến gia đình hiếm muộn ấm áp hơn phần nào.
Hai năm sau đó, chắc có lẽ trời thương, cha mẹ chị có được một đứa con trai đầu lòng, con cầu con khẩn. Từ đó, chị có thêm một người em.
Ở quê khổ quá, cả gia đình dắt nhau lên Sài Gòn mưu sinh. Năm đó, Thơ tròn 6 tuổi. Học lớp 1, Thơ bắt đầu đi lột tôm ở chợ đầu mối để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi.
Cha mẹ chị làm quần quật suốt ngày mà cũng không khá nổi. Mọi chuyện kéo dài đến năm lớp 3, chị từ bỏ con chữ, làm mọi thứ giúp đỡ cha mẹ, trông em, nấu cơm, phụ mẹ bán cơm tấm buổi sáng.
"Tới khi 14 tuổi chị tập tành buôn bán nhỏ. Thấy người ta được đi học, có này có kia, mình thì không có, buồn lắm nên chị ráng buôn bán kiếm chút ít phụ ba mẹ tiền chợ, thi thoảng cho em trai tiền ăn bánh".
Chị nói, đó là khoảng thời gian hiếm hoi trong đời chị được sống một cuộc sống bình lặng, hạnh phúc.
Chị vẫn còn nhớ những ngày đó, khi đi bán hàng về đến nhà, chị thấy cha đang dạy em đọc chữ, mẹ chị đang nấu cơm, cả gian nhà thơm mùi canh trứng cà chua - món ăn rẻ tiền quen thuộc của cả nhà, có vậy thôi mà đầm ấm lắm.
Cú sốc đầu đời: tình đầu bị gia đình người yêu ngăn cấm, làm giúp việc bị chủ khinh khi
"Khi 19 tuổi, chị với anh kia quen nhau, nhưng gia đình ảnh nói gia đình chị không xứng, tìm cách ngăn cản. Cuối cùng tụi chị cũng không đến được với nhau.
Trời ơi, em mà có bồ em biết, tình đầu là mối tình khó quên nhất, bị ngăn cản em không buồn, không khóc, chị tính sao cũng tính à" - chị Thơ ngậm ngùi kể.
7 năm sau đó, chị sống không tình yêu, chị biết lao đầu vào làm việc, buôn bán nhiều hơn để hy vọng gia đình mình có tiền để xây một căn nhà mới.
Nhưng thời thế thay đổi, hoặc cũng có thể cuộc đời chị chỉ gắn liền với tai ương, công chuyện làm ăn buôn bán của chị càng ngày càng thua lỗ.
Chị trở về thân phận làm mướn cho yên tâm, cho có cơm ăn chắc bụng. Nhưng hồi đó chỉ học tới lớp 3 rồi nghỉ, nên một con chữ bẻ đôi cũng không nhớ để mà đọc, mà viết, chị chọn cho mình nghề giúp việc.
Đều đặn mỗi ngày, chị làm hết công chuyện trong nhà người ta từ giặt giũ, cơm nước, lau chùi nhà cửa toilet, đi đón con giùm người ta.
Mà mắc cười, làm giúp việc nhưng chị có cái "tật" hào phóng, thi thoảng đi chợ sớm, chị thấy trái cây mới từ vựa chuyển về tươi tốt, tiện tay chị mua ít ký cho chủ ăn hay cúng ông bà.
Lâu lâu, chủ sai đi mua gói mì, ly cà phê mà quên trả tiền, chị cũng không nhắc, vì "coi như mời người mình thương chứ có gì đâu em".
Có khi, thấy chủ bệnh uống thuốc hoài không hết, chị hỏi thử mấy bà trong xóm, nghe ai chỉ bài thuốc hay, sáng hôm sau vội vàng chạy đi tìm mua mang qua cho gia chủ uống.
Có những nhà thương chị như người thân, nhưng cũng có nhà "mắc cười" lắm, như chị kể: "Hồi đó, chị có làm cho một nhà bên quận 3, chủ thì có một người thôi nhưng cực kỳ xấu tính.
Tính chị thì hay tiết kiệm, chắc do nghèo nên quen, thấy cái gì tiết kiệm được thì tiết kiệm giùm cho chủ.
Vậy mà có lần, thấy chỉ xả nước ít để rửa có chút xíu chén dĩa, ông chủ nói "ở quận 8 (nhà chị) chắc nghèo quá đâu có nước xài nên phải vậy hen". Chị hơi buồn vì bị khinh khi nên xin nghỉ việc.
Lần khác thì một nhà bên quận 7, nhà này rất thích bắt chị một lúc làm nhiều việc. Như có lần sai chị xuống bếp nấu ăn, vừa coi con chó ở phòng khách đừng cho nó chạy ra đường.
Chị nói, vậy thì đóng cửa chút đi, chứ chị làm ở bếp đâu có quản được. Chủ bảo phải mở cửa cho thoáng.
Ừ, chị cũng nghe, xuống bếp làm, lâu lâu dòm con chó. Mà chó mèo đâu phải cứ ngó là được em, nó bỏ chạy ra đường, chị dí theo bắt nó về mệt gần chết, còn bị chửi là đồ vô dụng, đồ này đồ kia nữa".
Chuyến xuất ngoại đầu tiên: sang Đài Loan làm osin xứ người, gặp người chồng yêu vô điều kiện
Theo nghề giúp việc giúp việc được vài năm, chị Thơ được một vài người bạn trong nghề giới thiệu cho đi Đài Loan làm, ở đó nghe nói giúp việc có giá hơn.
Với một người đàn bà trải qua quá nhiều khổ ải như Thơ, hai từ "có giá" nó làm chị mơ ước nhiều. Suy nghĩ vài ngày, chị quyết định đi Đài Loan làm việc. Đó là năm 2003.
Sẵn sàng tư tưởng đánh đổi cái "có giá" với cơ cực hơn, nhưng may mắn, chị Thơ gặp những người chủ rất tình nghĩa.
Không cần biết chị có khổ thật như vẻ ngoài thô kệch của chị hay không, cũng không cần biết có hiểu hết những câu chuyện ở quê nhà mà chị bập bẹ kể bằng thứ ngôn ngữ cơ thể, múa tay múa chân hay không, họ vẫn dành tấm lòng cho chị.
"Có nhà thương chị lắm, nhiều khi thấy chị quần quật cả ngày, họ cũng bảo thôi về sớm nghỉ ngơi, mai lại làm tiếp. Rồi ở trọ nữa, mới đầu chủ nhà lấy 100 đô mỗi tháng, nhưng sau tự dưng thương mến, họ lấy còn phân nửa à, bảo chị để dành tiền gửi về cho gia đình".
Đài Loan không những tốt với chị mà còn mang đến người đàn ông chị yêu, một tình yêu muộn màng sau cái lần tình đầu dang dở tuổi 20.
Nhắc về anh, mắt chị vẫn sáng ngời rạng rỡ: "Chị đi Đài Loan chỉ nghĩ đi làm, trai gái chi cho mệt, mình vừa nghèo, vừa xấu, ai mà yêu.
Chị định ở vậy tới già rồi. Vậy mà đúng lúc đó, tình yêu thật sự đến với chị. Ảnh thương chị lắm, dắt chị về ra mắt ba má ảnh luôn, họ cũng thương, chào đón chị lắm!".
Nhiều người có lẽ nghĩ, tình yêu của một người đàn bà xuất khẩu lao động với một người đàn ông nước ngoài là tình yêu vụ lợi đổi chác.
Nhưng tình yêu của chị Thơ thì không như vậy. Chị khoe, người đàn ông đó thương chị thật lòng, anh là người tốt, muốn chở che cho cuộc đời chị.
"Ảnh nói chị thôi đừng làm giúp việc nữa, để ảnh lo cho. Mà chị đâu có chịu. Chị không muốn người ta nói chị đã nghèo, đã rách mà còn không "sạch", không "thơm", lợi dụng người khác.
Chị nói với ảnh, yêu nhau thì được, nhưng chị vẫn muốn làm công việc của mình, không dựa dẫm gì ảnh hết.
Hạn visa của chị tại Đài Loan chỉ có đúng 1 năm, đến tháng 7 năm 2004 thì hết hạn.
Lúc đó, chị yêu ảnh lắm rồi, nhưng không thể ở lại lâu hơn. Chị đánh bạo nói, nếu ảnh cũng yêu chị thì cùng về Việt Nam với chị luôn. Anh chịu liền, và nói sẽ về Việt Nam hỏi cưới chị luôn".
Một tháng sau, chị làm đám cưới, với đầy đủ họ hàng đôi bên.
Đám cưới ấy như kéo chị lại gần hơn về giấc mơ gia đình, một gia đình nhỏ mà chị được làm mẹ của những đứa con, được vỗ về ôm ấp con mỗi buổi sáng trước khi còn đi học, được nấu ăn cho chồng, để tối tối cả gia đình cùng xem tivi.
Chị tự nhủ, có lẽ chị sẽ sắp xếp thời gian biểu cho gia đình bằng tất cả những kinh nghiệm làm giúp việc bao nhiêu năm nay, những kinh nghiệm nhuộm màu ấm áp, khẽ khàng loang ra trước mặt chị, trong những khi tủi thân muốn khóc ở một góc bếp của một gia đình nào đó mà chị đang làm việc cho họ.
Người chồng bạc mệnh "bỏ đi" chỉ 6 tháng sau ngày cưới, khi chết không được nhìn nhau lần cuối
Đúng 6 ngày sau khi cưới, chồng chị phải quay về Đài Loan để chuẩn bị giấy tờ hôn thú. Nửa tháng sau đó, chồng chị gọi điện báo là bị bệnh phải nằm viện. Chị an ủi anh, chị nói là vài hôm sẽ khỏi.
"Ảnh cao 1m8, nặng 80kg, khỏe mạnh lắm em, vậy mà bác sĩ nói ảnh bị bệnh ung thư bao tử. Mà ảnh đâu có nói chị, ảnh giấu, ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm.
Lần nào thắc mắc, hỏi sao ảnh bệnh gì nằm viện lâu quá, ảnh cũng nói là bệnh nhẹ, Ảnh nói bệnh nhẹ, nhưng khó chữa dứt nên để ảnh chữa luôn cho khỏi, sau này khỏi làm phiền vợ. Vậy mà…" - rơm rớm nước mắt, chị nhớ lại.
6 tháng sau ngày nằm viện, chồng chị Thơ qua đời, ngay ngày mùng 5 Tết. Ngày đó, chị hoàn toàn suy sụp. Anh chính là mối liên kết của chị với cuộc đời, là hy vọng, là ước mơ, hạnh phúc của chị. Anh đi rồi, chị không còn muốn sống.
Nói đúng hơn, chị đã không còn sống sau cái ngày nghe tin anh mất. Cứ thở một nhịp là chị sẽ tìm cách xóa đi ký ức của mình về cuộc đời. Chị đau khi có ai gọi tên mình, Chị sợ cả từng giấc mơ khi thấy anh trong đó.
Chị không khóc, bởi khi người ta khóc, người ta vẫn còn nghĩ về sự chia ly, rằng âm dương cách trở. Chị tìn tin rằng mình cũng đã chết cùng anh rồi, chẳng qua là chưa gặp lại thôi, nên chị không khóc.
Đau đớn trong 1 tháng, chị quay lại cuộc sống loài người.
Chị bảo, mình phải kiếm đủ tiền để cho cha mẹ mua được một căn nhà, hoặc ít ra cũng đủ tiền để cho em trai chị làm một cái đám cưới, có một gia đình, khi đó chết thật cũng chưa muộn, "Chị phải làm cho cái chết của mình có ý nghĩa cái đã", chị Thơ cười buồn nói.
Còn tiếp...
Mời độc giả theo dõi phần 2 "Phận bạc người phụ nữ cả đời làm osin" vào 7 giờ sáng chủ nhật 13/8.