Trong ngày 16/8/2016, tại phiên tòa xét xử đại án gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, luật sư Phan Trung Hoài - người bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đã trình bày trong bài phát biểu (sau đó được gửi lên Hội đồng Xét xử) về lịch sử hình thành và phát triển của Tập đoàn Thiên Thanh như sau:
“Hãng gạch Bông Hương Sơn do cha ruột của ông Phạm Công Danh là ông Phạm Tòa thành lập, hoạt động từ năm 1964, chuyên sản xuất kinh doanh các sản phẩm vật liệu xây dựng được chế biến từ ciment như gạch bông, ngói ciment, ống cống ciment.
Hãng gạch Bông Hương Sơn không chỉ nổi tiếng tại Quảng Ngãi mà còn mở rộng ra các tỉnh miền Trung và các tỉnh thành khác từ trước giải phóng.
Sau khi đất nước được giải phóng, tiếp nối truyền thống ngành nghề sản xuất kinh doanh của gia đình, đến đầu năm 2000, ông Phạm Công Danh thành lập công ty TNHH TM- VLXD- Thiết bị Nội thất Thiên Thanh, phân phối độc quyền các sản phẩm gốm sứ, trang thiết bị vệ sinh Thiên Thanh tại TP Hồ Chí Minh và các tinh thành khác.
Quá trình phát triển, ông Phạm Công Danh đầu tư thành lập thêm các công ty con của Công ty Thiên Thanh và đưa Công ty Thiên Thanh trở thành Tập đoàn Thiên Thanh, mở rộng hoạt động đa ngành nghề như: Tư vấn xây dựng; kinh doanh mặt bằng- kho bãi, khách sạn; mua bán, sửa chữa, bảo trì lắp ráp, kinh doanh ô tô; đầu tư kinh doanh khách sạn và du lịch thông qua các Trung tâm kinh doanh VLXD- Trang thiết bị Nội thất Thiên Thanh, đặt ở những vị trí đắc địa tại nhiều địa phương trên cả nước.
Trên cơ sở truyền thống gia đình và kinh nghiệm đầu tư, Tập đoàn đã được Lãnh đạo TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và Bộ Tư lệnh Quân khu 7 chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án quy mô lớn, đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Mục đích nhằm để đầu tư các Trung tâm thương mại chuyên nghành về vật liệu xây dựng và trang thiết bị nội thất theo mô hình mà các nước phát triển đã hình thành từ lâu tại Mỹ, Đức, Trung Quốc... mà Thiên Thanh đang phấn đấu trở thành nhà tổ chức phát triển ngành xây dựng theo mô hình này đầu tiên ở Việt Nam”.
Tuy nhiên, trong phần trình bày của mình, hình như Luật sư Phan Trung Hoài đã “quên” một chi tiết rất quan trọng liên quan đến Phạm Công Danh. Đó là án tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN mà ông Danh phải nhận vào năm 1992.
Lật lại hồ sơ vụ án, Phạm Công Danh vốn có nghề sản xuất gạch hoa nên Danh đã liên kết với nhiều nơi để ký kết hợp đồng sản xuất như Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trường Nguyễn Ái Quốc 3 Đà Nẵng.
Ngày 10/6/1989, Phạm Công Danh liên kết với Bộ tham mưu quân khu 5 để sản xuất vật liệu xây dựng. Đôi bên ký kết hợp đồng với nội dung Bộ tham mưu chịu trách nhiệm về mặt bằng, nhà xưởng... dưới dạng khoán hẳn cho phía Danh sản xuất.
Phía Danh lo máy móc, thiết bị sản xuất các loại vật liệu xây dựng. Thời điểm đó, bên Danh đầu tư một hệ thống máy móc sản xuất tấm lợp Ciment với số vốn 600 triệu và máy sản xuất gạch hoa 40 triệu đồng. Phạm Công Danh phải chịu trách nhiệm về việc thành lập bộ máy tổ chức trong quá trình sản xuất.
Ngày 16/6/1989, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có quyết định thành lập XN sản xuất vật liệu xây dựng và dịch vụ sản xuất trực thuộc Bộ tham mưu Quân khu 5 và bổ nhiệm Phạm Công Danh làm giám đốc XN.
Khi đã có quyết định thành lập XN và bổ nhiệm làm giám đốc, Danh không lo kiện toàn bộ máy tổ chức, đầu tư thiết bị mà y đã sử dụng chức danh giám đốc và con dấu của XN để lao vào những hoạt động phi pháp.
Tính đến thời điểm bị bắt, Phạm Công Danh còn nợ Công ty Ngoại thương Trà Bồng gần 159 triệu tiền gốc và hơn 25 triệu tiền lãi; nợ HTX tín dụng Quảng Ngãi hơn 338 triệu tiền gốc và gần 145 triệu tiền lãi; nợ Công ty Công nghệ phẩm Quảng Nam - Đà Nẵng gần 51 triệu đồng và chịu lãi 3,9%/tháng; nợ cửa hàng Công nghệ phẩm số 1 gần 1 triệu đồng tiền mua hàng; nợ Trung tâm đầu tư Chợ Lớn CIDEC TP HCM gần 20 triệu đồng; nợ XN dịch vụ tổng hợp thuộc Công ty công tư hợp doanh xây lắp Đà Nẵng hơn 21 triệu đồng; nợ nhà máy Amiăng Đồng Nai tiền thuê 250 khuôn tôn (1.250.000 đồng/tháng) và hơn 12 triệu đồng tiền mua chịu 10 tấn Amiăng; không thanh toán đúng tiến độ cho Công ty Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng 476 TP HCM kinh phí lắp đặt dây chuyền sản xuất tấm lợp với tổng trị giá 400 triệu đồng; nợ vợ chồng anh Lê Văn Châu 57 triệu đồng; gây thiệt hại cho Bộ tham mưu Quân khu 5 gần 66 triệu đồng…
Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu giữ các tài sản của Danh để trả toàn bộ hoặc một phần cho các khoản nợ trên.
Ngày 30/11/1991, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã đưa vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” ra xét xử và tuyên phạt Phạm Công Danh 20 năm tù giam.
Ngày 11/12/1991, bị cáo có đơn kháng cáo. Ngày 29/2/1992, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt Phạm Công Danh 6 năm tù giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN”.
Điều lạ ở đây là không hiểu bằng cách nào để qua mặt Ngân hàng Nhà nước để ngồi vào vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam?
Trong phần xét hỏi đối với Phạm Công Danh tại tòa, HĐXX đã yêu cầu bị cáo khai rõ về lý lịch. Danh khai đã học phổ thông và trình độ đại học.
Khi HĐXX hỏi học tại trường nào thì bị cáo Danh nói xem trong hồ sơ. HĐXX công bố hồ sơ cho thấy trong lý lịch bị cáo gửi ngân hàng Nhà nước để xin tái cơ cấu ngân hàng, bị cáo Danh khai mình học đại học ngành quản trị kinh doanh tại trường Đại học Kinh tế Sài Gòn. Tuy nhiên, sau khi xác minh thì trường này cho biết không có học viên nào tên là Phạm Công Danh đã học tại trường và bằng đại học của bị cáo Danh là bằng giả.
Tất cả những điều vừa được dẫn ra ở trên cho thấy, Phạm Công Danh luôn sẵn sàng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để đạt được mục đích cá nhân của mình.
Nhìn lại “bề dày thành tích” của Phạm Công Danh, đặc biệt là vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN mà Danh đã gây ra trước đó, chắc hẳn ai cũng dễ dàng nhận thấy con đường “gây dựng sự nghiệp” của Danh có cả những mưu mẹo để đạt được địa vị xã hội rồi lợi dụng chức danh đó để hoạt động phi pháp, mưu lợi cho cá nhân.
Vì thế, khi ngồi được vào ghế Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây Dựng Việt Nam, Danh tiếp tục lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện các hành vi phi pháp rút hàng nghìn tỷ đồng trong tài khoản của khách hàng mà chủ tài khoản không hề hay biết.
Với những hành vi vi phạm pháp luật mà Danh đã gây ra, Viện KSND TP HCM đề nghị TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 20 năm tù tội cố ý làm trái quy định, 20 năm tù vi phạm cho vay của các tổ chức tín dụng, tổng cộng hình phạt của 2 tội là 30 năm tù giam.