Chiều 29/8, phiên xử vụ án Hà Văn Thắm cùng đồng phạm đã kết thúc việc công bố bản cáo trạng, HĐXX TAND Hà Nội bắt đầu chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo.
HĐXX đã mời bị cáo Trần Văn Bình (SN 1966, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung) xét hỏi đầu tiên.
Theo cáo trạng truy tố được đăng tải trên báo Dân trí thì ngày 23/11/2012, Trần Văn Bình với tư cách là Tổng Giám đốc Cty Trung Dung đã ký Hợp đồng tín dụng trung dài hạn với Nguyễn Văn Hoàn - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đại Dương - vay 500 tỷ đồng với mục đích vay bù đắp vốn mua tài sản là quyền sử dụng đất tại Sân vận động Chi Lăng (TP Đà Nẵng).
Đồng thời, Bình cũng giải ngân 500 tỷ đồng vào tài khoản của Cty Trung Dung tại Ngân hàng Ngoại thương - Chi nhánh Phú Thọ (TPHCM), sau đó chuyển đến tài khoản của Cty Trung Dung tại tại Ngân hàng TMCP Xây dựng.
Ngày 10/12/2012, Nguyễn Thị Quỳnh Trang, nhân viên văn phòng Tập đoàn Thiên Thanh, làm thủ tục chuyển khoản và mở 4 sổ tiết kiệm.
Tổng Giám đốc Trần Văn Bình tại phiên tòa xét xử Hà Văn Thắm (Ảnh: Cafef.)
Ngày 27/12/2012, Phạm Công Danh chỉ đạo tất toán 4 sổ tiết kiệm rồi chuyển tổng số tiền gốc, lãi là hơn 500 tỷ đồng để thanh toán cho 5 hợp đồng tín dụng của nhóm Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Xây dựng và được hạch toán vào việc Danh trả tiền mua cổ phần tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau này là Ngân hàng TMCP Xây dựng) của nhóm bà Phấn.
Hiện Cty Trung Dung và Phạm Công Danh không có khả năng thanh toán và Ngân hàng Đại Dương không có khả năng thu hồi khoản vay trên.
Bình khai tại tòa rằng bản thân là lái xe bộ phận hành chính của tập đoàn, không chuyên trách chở ai. Đến khi cơ quan điều tra xét hỏi mới biết mình có chức vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung.
Bị cáo cũng nói rằng ở vị trí này, Bình không làm gì cả và cũng không biết gì về khoản vay 500 tỷ của Oceanbank.
Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa hôm nay (Ảnh: Pháp luật TPHCM)
Báo Pháp luật TPHCM trích dẫn lời khai bị cáo Phạm Công Danh khi HĐXX chất vấn về chức danh của Bình rằng:
"Bình là nhân viên của Thiên Thanh, thuộc bộ phận hành chính. Tôi gần như không tiếp xúc với Bình. Công ty Trung Dung được thành lập mới, cần người đứng tên thành lập, lúc đó chưa có ai nên bộ phận hành chính đề nghị đăng ký tên anh Bình".
Phạm Công Danh khai tiếp: "Tôi thông cảm với anh Bình nhưng thực tế anh Bình là người xin đứng tên chứ không có ai ép cả. Tôi xin chịu trách nhiệm về lời khai của mình.
Tôi thông cảm cho anh Bình, là lái xe, trình độ yếu kém như vậy, đối diện trước pháp luật, không những tôi và những người khác đều lo sợ. Vậy nên tôi thông cảm với anh Bình, kể cả anh ấy nói không đúng về tôi, tôi cũng xin HĐXX chấp nhận".
Hồ sơ vụ án cũng cho thấy, 6 công ty đứng tên hồ sơ vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank đều là công ty của Phạm Công Danh. Giám đốc công ty là lái xe, bảo vệ, nhân viên tiếp thị... của tập đoàn Thiên Thanh do Danh dựng lên.
6 công ty này có treo biển nhưng không hoạt động gì; có kê khai thuế nhưng từ khi thành lập không phát sinh doanh thu mua vào - bán ra.
Bị can Nguyễn Ngọc Thái (SN 1978), một trong 6 người đứng tên khai nhận là nhân viên bảo vệ tập đoàn Thiên Thanh, được nhờ đứng tên làm giám đốc công ty Quốc Thắng.
Thái không có vốn góp thành lập công ty, không quản lý con dấu và sổ sách của công ty. Anh ta đã ký các thủ tục giúp Phạm Công Danh rút số tiền 350 tỷ đồng của NH Xây dựng dưới hình thức vay tiền của Sacombank và được ông Danh trả lương từ 5-10 triệu đồng/tháng.
(Tổng hợp)