Mới đây, trong công văn hỏa tốc gửi Liên bộ Tài chính - Công Thương, Văn phòng Chính phủ yêu cầu 2 bộ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tính toán sự chênh lệch giá giữa các mặt hàng xăng dầu, đánh giá nguyên nhân; các chính sách thuế, phí lên quan đến xăng dầu và hoạt động của Quỹ Bình ổn giá (BOG). Nguyên nhân là bởi có nhiều bất cập trong điều hành giá mặt hàng này.
Sao lại bất bình đẳng?
Sau khi xăng RON 92 được "khai tử" vào đầu năm 2018, trên thị trường chỉ còn 2 sự lựa chọn cho người tiêu dùng: xăng sinh học E5 và xăng khoáng RON 95.
Thực tế, qua 2 kỳ điều hành giá đầu năm, giá xăng RON 95 luôn cao hơn xăng E5 trên dưới 1.800 đồng/lít - mức chênh lệch không hề nhỏ.
Nguyên nhân chủ yếu là do xăng E5 được hỗ trợ bằng việc chi sử dụng Quỹ BOG, chẳng hạn trong kỳ điều hành ngày 4-1 là ở mức 857 đồng/lít. Ngược lại, giá xăng RON 95 được điều hành theo thị trường, không sử dụng Quỹ BOG.
Với cách điều hành giá như trên, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho rằng "không ổn".
Theo ông, Quỹ BOG được quy định sử dụng trong những trường hợp giá xăng dầu có biến động mạnh, cần hỗ trợ để không gây biến động quá nhiều. Do đó, việc xả quỹ với mặt hàng này mà không xả với mặt hàng kia khiến chênh lệch tới gần 2.000 đồng/lít là không hợp lý.
Góp ý cho việc không công bố giá cơ sở xăng RON 95, ông Nguyễn Tiến Thỏa nhận định điều này không phù hợp với quy định của Nghị định 83.
"Trước đó, khi còn xăng RON 92, cơ quan điều hành chỉ công bố giá cơ sở mặt hàng này vì căn cứ vào giá mặt hàng này, doanh nghiệp (DN) có thể tính được giá RON 95. Bây giờ, không còn RON 92 nữa thì phải công bố giá cơ sở RON 95 để làm căn cứ cho DN quyết định giá" - ông Thỏa phân tích.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cho rằng trước đây, do chỉ tiêu thụ xăng RON 95 ở mức dưới 30% tổng lượng tiêu thụ nên theo quy định, chỉ cần công bố mặt hàng phổ biến là xăng RON 92.
Tuy nhiên, hiện nay, khi không còn xăng RON 92 và người dân chưa tin tưởng E5 thì có xu hướng chuyển sang RON 95. Mức tiêu thụ RON 95 được tăng thêm 10% và được cho là khá cao. "Nếu không công bố giá cơ sở RON 95 thì người ta có quyền nghi vấn.
Cơ quan chức năng liệu có giám sát giá mặt hàng này không. Nghị định 83 quy định tùy từng thời điểm cụ thể sẽ công bố thêm các mặt hàng còn lại ngoại trừ xăng RON 92. Giờ xăng RON 92 không còn thì phải công bố RON 95 để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng" - ông Long kiến nghị.
Tránh độc quyền ethanol
TS Ngô Trí Long chỉ ra những bất cập liên quan đến mặt hàng xăng E5, trong đó có vấn đề về giá. Theo công thức, xăng E5 bao gồm 5% ethanol trộn cùng 95% xăng RON 92. Với công thức tính giá xăng RON 92 không có biến động thì xăng E5 hoàn toàn phụ thuộc vào giá thành ethanol.
"Hiện nay, chỉ có nhà máy của Công ty TNHH Tùng Lâm sản xuất ethanol với sản lượng 200.000 m3/năm. Với sản lượng này, giá thành sản xuất ethanol của Việt Nam cao gần gấp rưỡi so với các nước như Mỹ, Barazil" - ông Long nhận định.
Trong khi đó, nếu nhập khẩu ethanol, các DN phải chịu mức thuế nhập khẩu 17% (trước đây là 20%). Nhiều DN vẫn cho rằng mức thuế này là cao so với giá thành mong muốn với mặt hàng này và đang đề nghị giảm thuế xuống 15%.
"Giá xăng E5 có biến động hay không, tăng cao hay không là phụ thuộc vào giá ethanol. Vậy làm sao để có giá ethanol cạnh tranh thực sự, không thể để độc quyền" - chuyên gia Ngô Trí Long nêu quan điểm.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), nhìn nhận trong bối cảnh định hướng khuyến khích xăng sinh học, các chính sách ưu đãi cho mặt hàng này nhằm có giá thấp hơn xăng RON 95 là hoàn toàn chấp nhận được.
Tuy nhiên, do chưa có thị trường xăng dầu cạnh tranh, vẫn cần kiểm soát giá tất cả mặt hàng, trong đó có cả xăng RON 95 và xăng E5. "Công bố giá để bảo đảm minh bạch và để người dùng hiểu được bản chất của việc điều hành chênh lệch giá lớn giữa 2 mặt hàng" - ông Độ nói.
Liên quan đến việc thuế, phí dồn gánh nặng lên giá xăng, một chuyên gia tài chính đánh giá đây là việc cần có sự tính toán, cân đối giữa mục tiêu thu nội địa và mục tiêu bảo đảm ổn định đời sống kinh tế - xã hội. Cũng chính vì vậy mà Thủ tướng đã có chỉ đạo rà soát lại để có phương án tốt nhất nhằm cân bằng các lợi ích.