Phải đánh vào kinh tế để người dân từ bỏ xe máy!

Nguyễn Cường |

Theo PGS Phạm Xuân Mai, các biện pháp hạn chế tiến tới cấm xe máy là thu phí xe máy khi vào trung tâm, không lập các bãi giữ xe, tăng phí mua xe mới, hay cấm cả việc đỗ xe trên vỉa hè và phát triển giao thông công cộng...

Ngày 20/4 tại TP.HCM đã tổ chức hội thảo “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân – Thực trạng và giải pháp”.

Tại đây ý kiến mở đầu của PGS. TS Phạm Xuân Mai – nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP.HCM ngay lập tức nhận được nhiều phản ứng khác nhau của những người tham dự.

Trước khi đi vào tham luận, TS Mai bày tỏ rằng trong suốt 15 năm qua ông đã tham gia rất nhiều cuộc hội thảo bàn về việc hạn chế xe cá nhân, nhưng đến nay TP vẫn chưa làm được việc này, còn “xe máy thì tăng lên từng ngày”.

Ông cũng nêu quan điểm rằng dường như các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này đang “sợ dư luận”, nên thay vì nói thẳng rằng cần phải “cấm xe máy” thì vẫn dùng những từ gián tiếp, vòng quanh như “kiểm soát xe máy”.

“Hy vọng đây là lần cuối cùng tôi nói về vấn đề này” – ông chia sẻ và nhấn mạnh rằng chính quyền TP cần phải “làm một cuộc cách mạnh” để hạn chế, tiến tới cấm hẳn, loại bỏ xe máy ra khỏi hệ thống giao thông của TP.

Bắt đầu tham luận, TS Mai khẳng định xe máy không chỉ là “thủ phạm” gây kẹt xe, mà còn tốn nhiên liệu. Đúc kết này được đưa ra sau nhiều năm nghiên cứu của ông.

Để chứng minh, ông dẫn các con số thống kê cho thấy hiện tỉ lệ xe máy/1.000 người dân tại Bangkok (Thái Lan) là 265, Dehli (Ấn Độ) là 175, Jakarta (Indonesia) là 160, Hà Nội là 653, trong khi TP.HCM là 910 – một tỷ lệ “cao nhất thế giới”.

Cũng theo ông hiện TP.HCM có khoảng 7,5 triệu xe máy với mức tăng 400.000 đến 500.000 xe mỗi năm, do đó diện tích mặt đường không đủ cho xe máy hoạt động.

Ông cho rằng lượng xe hoạt động sẽ chiếm từ 12 đến 48 triệu m2 mặt đường, nhưng TP hiện chỉ có 26 triệu m2.

Vị Tiến sĩ cũng cáo buộc xe máy gây kẹt xe “như một cuộn chỉ rối” khiến những nỗ lực điều tiết giao thông rất kém hiệu quả.

Ngoài ra vị PGS còn khẳng định, xe máy là thủ phạm chính gây ra tai nạn giao thông, làm chết gần 10.000 ngàn người và hàng chục ngàn người bị thương mỗi năm – tương đương số người chết của 43 vụ rơi máy bay hạng trung.

Ông cho rằng tai nạn xe máy nếu chết người chỉ ở số lượng nhỏ, chính vì vậy không gây cảm giác “kinh khủng” như tai nạn máy bay nên mọi người ít quan tâm.

Ông tiếp tục khẳng định rằng hạn chế để tiến tới cấm hẳn xe máy là phù hợp với thông lệ trên thế giới và pháp luật Việt Nam.

“Tuy nhiên cứ mỗi lần đề xuất là lại có ý kiến bàn lui vì lo ảnh hưởng đến người nghèo” – ông nói, và cho rằng đất nước giờ không còn nghèo nữa, nên “đừng đem cái nghèo ra dọa nhau mãi”.

Chính vì vậy ông đề ra giải pháp là cần đánh vào kinh tế để người dân buộc phải từ bỏ thói quen dùng xe máy.

Đó là thu phí khi vào trung tâm, không lập các bãi giữ xe, tăng phí mua xe mới, hay cấm cả việc đỗ xe trên vỉa hè và phát triển giao thông công cộng...

Đề cập đến thiệt hại, theo ông hiện TP.HCM đang mất khoảng 6 tỷ USD mỗi năm vì những hậu quả do xe máy mang lại. Có số này tương đương với 13% GDP của TP và cao hơn 5% so với tốc độ tăng trưởng.

Cũng nêu tham luận tại đây, TS Lương Hoài Nam nhận định rằng sự bùng nổ của xe máy cho thấy chính quyền đã thất bại trong phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Ông thẳng thắn cho rằng TP.HCM sẽ không thể phát triển được xe buýt trong điều kiện xe máy ngày một tăng, bởi hai loại phương tiện này là “khắc tinh” của nhau, nên chỉ có thể chọn 1 trong 2.

Với đề xuất cấm ô tô, theo ông Nam đây là thái độ cực đoan, vì hiện nay đã có hơn 100 thành phố trên thế giới cấm xe máy nhưng… chưa ở đâu cấm ô tô.

Ông nhận định rằng cấm ô tô chỉ có thể thực hiện được khi người dân dùng các phương tiện công cộng để đi làm, mua sắm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại