Phương Tây liên tục vượt lằn ranh đỏ
Giữa bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine sắp tròn 1 năm, việc những lằn ranh đỏ đang dần bị xóa nhòa khiến diễn biến xung đột ngày càng khó đoán và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Gần đây, khi Tổng thống Biden được hỏi về việc cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, phản ứng của ông không thể rõ ràng hơn khi thẳng thừng nói "không". Dù vậy, việc không ít người hoài nghi về tuyên bố này là điều dễ hiểu. Trên thực tế, trong nhiều tháng qua, các quan chức Mỹ đã nhiều lần bác bỏ việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams cho Kiev khi dẫn ra những khó khăn trong việc bảo trì, tiếp nhiên liệu và huấn luyện binh lính sử dụng chúng - trước khi đảo ngược quyết định và dẫn tới những động thái tương tự của các đồng minh châu Âu. Đức sau đó đã nhất trí cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Ukraine và cho phép các nước sở hữu xe tăng do Berlin sản xuất có thể hỗ trợ cho Kiev. Trước đó, các quan chức Mỹ cũng nhiều lần cho rằng hệ thống phòng không Patriot không phù hợp với nhu cầu của Ukraine nhưng sau đó vẫn thay đổi quyết định và cung cấp chúng cho Kiev.
Binh lính Ukraine lái xe chiến đấu bộ binh BMP-2 ở khu vực Donetsk ngày 8/2/2023. Ảnh: Reuters
Vì thế, không ngạc nhiên khi các quan chức Ukraine - những người vận động các nước phương Tây hỗ trợ máy bay chiến đấu ngay sau khi quyết định cung cấp xe tăng, tự tin cho rằng việc họ nhận được tiêm kích F-16 "chỉ là vấn đề thời gian". Washington Post cũng đưa tin, các quan chức trong Lầu Năm Góc cho rằng lời nói "không" của Tổng thống Biden không có nghĩa là tiêm kích F-16 sẽ không bao giờ được cung cấp cho Ukraine. Khi một lằn ranh đỏ bị vượt qua, những lằn ranh sau đó có thể sẽ không còn là lằn ranh đỏ nữa.
Thậm chí, nếu quyết định cung cấp tiêm kích F-16 sớm được đưa ra, Ukraine sẽ không dừng việc yêu cầu phương Tây cung cấp các vũ khí hiện đại. Những hệ thống vũ khí nằm trong danh sách mong muốn của Kiev còn có tên lửa tầm xa ATACMS có thể phóng từ hệ thống pháo phản lực HIMARS và các UAV tấn công tiên tiến.
Tháng trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã lấy trường hợp của Đức làm ví dụ khi cho rằng: "Mọi thứ luôn diễn ra theo một kiểu như thế này: Ban đầu họ nói không và sau đó bảo vệ mạnh mẽ quyết định của mình rồi cuối cùng vẫn nói có".
Ukraine đang yêu cầu các vũ khí tiên tiến của phương Tây với lý do rằng cách duy nhất để đưa cuộc xung đột đến hồi kết là cung cấp cho Kiev mọi thứ cần thiết để giành chiến thắng.
Lập luận của chính quyền Tổng thống Biden khi cung cấp hỗ trợ cho Ukraine là với mỗi hệ thống mới, Washington đều phân tích chi phí - lợi ích để quyết định liệu Ukraine cần loại vũ khí nào và liệu Mỹ cùng các đồng minh có khả năng cung cấp chúng hay không.
Nhu cầu của Ukraine đã thay đổi bởi bản thân cuộc xung đột đã thay đổi, các quan chức Mỹ nhận định. Trở lại những ngày đầu xung đột, các vũ khí phòng không vác vai như Javelin và Stinger có vai trò quan trọng với Ukraine. Nhưng hiện nay, các vũ khí hạng nặng và xe bọc thép là những phương tiện cần thiết hơn, không chỉ do bản chất của giao tranh mà còn bởi Ukraine đã tổn thất quá nhiều vũ khí hạng nặng trong xung đột. Ban đầu, Ukraine có khoảng 800 xe tăng T-64 và T-72 thời Liên Xô nhưng hiện nay con số này có lẽ còn một nửa.
Mạo hiểm hay hiểu rõ lằn ranh đỏ của Nga?
Trong những ngày đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Tổng thống Putin đã cảnh báo bất kỳ quốc gia nào "cản trở chúng tôi và tạo ra mối đe dọa cho đất nước chúng tôi" đều sẽ đối mặt với "những hậu quả họ chưa từng trải qua trong lịch sử". Về "những hậu quả" mà Tổng thống Putin nhắc đến, giới quan sát cho rằng có thể nhà lãnh đạo Nga muốn nhắc đến kho hạt nhân lớn nhất thế giới của Moscow. Tuy nhiên, Tổng thống Putin không định nghĩa cụ thể việc "cản trở" và "gây ra các mối đe dọa" là như thế nào.
Còn với Mỹ và NATO, các nước này luôn cố gắng cân bằng giữa mục tiêu hỗ trợ Ukraine chiến đấu với mối lo ngại có thể khiến xung đột leo thang hoặc thậm chí trở thành cuộc chiến hạt nhân.
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Zelensky vào tháng 12/2022, một phóng viên Ukraine đã đặt câu hỏi cho Tổng thống Biden rằng: "Liệu chúng ta có thể biến một câu chuyện dài thành ngắn và cung cấp cho Ukraine mọi khả năng cần thiết để giành lại các vùng lãnh thổ hay không". Tổng thống Biden khi đó đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tất cả thành viên NATO duy trì ủng hộ Ukraine và khẳng định liên minh này "không tìm cách gây chiến với Nga hay gây ra Thế chiến III".
Mối lo ngại "Thế chiến III" là lý do tại sao Mỹ nhanh chóng bác bỏ việc điều quân tới Ukraine và thiết lập vùng cấm bay - vốn có thể dẫn đến đối đầu trực diện giữa máy bay chiến đấu Nga và Mỹ.
Nhưng trên thực tế, Washington đang ngày càng "thoải mái" trong việc hỗ trợ vũ khí hạng nặng cho Ukraine so với những ngày đầu xung đột. Việc Mỹ tăng cường dần mức độ hỗ trợ cho Ukraine có thể được coi là một hình thức của chiến thuật cắt lát (salami), tức là hỗ trợ một vài vũ khí chẳng hạn như tên lửa Javelin trong một tháng rồi hỗ trợ những vũ khí khác trong các tháng tiếp theo và cứ tiếp tục như vậy. Theo đó, lập luận ở đây là Washington lo ngại nếu điều động trên quy mô lớn xe tăng và máy bay chiến đấu cùng lúc tới Ukraine có thể khiêu khích Nga và khiến Moscow phản ứng mạnh mẽ trong khi sự gia tăng hỗ trợ theo từng giai đoạn sẽ không như vậy.
Tổng thống Putin và các quan chức Nga đã nhiều lần cảnh báo về các đợt vận chuyển vũ khí phương Tây nhưng chưa thực hiện các biện pháp đáp trả cụ thể.
Mark Cancian, một cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng: "Nga có hai lằn ranh đỏ: Một là không có quân đội NATO ở Ukraine và hai là không có cuộc tấn công nào vào lãnh thổ Nga. Mỹ và NATO tôn trọng những lằn ranh đỏ này. Xe tăng, hệ thống Patriot và HIMARS cũng như các vũ khí khác không vi phạm hai lằn ranh đỏ trên".
Tuy nhiên, máy bay chiến đấu lại là một câu chuyện khác bởi chúng sẽ cho phép Ukraine có khả năng lớn hơn để tấn công lãnh thổ Nga.
Dù vậy, rõ ràng sẽ không có một hệ thống vũ khí nào đóng vai trò như một “viên đạn bạc” phá vỡ tình thế bế tắc hiện nay. Thay vì xem bên nào sở hữu công nghệ quân sự tiên tiến nhất, chiến thắng có thể được quyết định từ việc bên nào có thể tiếp tục cung cấp những thứ đơn giản như đạn pháo trong thời gian lâu hơn. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo hôm 14/2 rằng "tỷ lệ sử dụng đạn dược hiện nay của Ukraine cao hơn nhiều so với mức độ sản xuất của chúng tôi".
Vì thế, câu hỏi không phải là phương Tây cung cấp cho Ukraine vũ khí gì mà là họ có bao nhiêu vũ khí và có thể hỗ trợ Kiev trong bao lâu./.